Dự án trọng điểm quốc gia: Tất cả đều chậm

Dự án trọng điểm quốc gia: Tất cả đều chậm
Theo báo cáo giám sát mới đây của Ủy ban KH-CN và Môi trường của Quốc hội, các công trình trọng điểm đều thi công chậm, huy động và giải ngân vốn thấp, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư còn nhiều bất cập và tổ chức thực hiện có nhiều điểm chưa đáp ứng.
Dự án trọng điểm quốc gia: Tất cả đều chậm ảnh 1
Đường Hồ Chí Minh, một dự án trọng điểm quốc gia.

Các công trình trọng điểm gồm Thủy điện Sơn La, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đường Hồ Chí Minh và dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

Chậm trễ tại tất cả các dự án

Dự án Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất đã triển khai được 27/44 tháng, nhưng tính đến nay tiến độ thi công được đánh giá là đã chậm khoảng 6 tháng so với kế hoạch. Có 3 nguyên nhân chủ yếu gây chậm trễ cho dự án.

Thứ nhất, công tác khảo sát và chuẩn bị mặt bằng trước đây thực hiện chưa tốt dẫn đến phải xử lý, gia cố nền móng mất nhiều thời gian và chi phí.

Thứ hai, do trượt giá, biến động giá cả của sắt thép, tỷ giá USD/VND và các ngoại tệ khác; chế độ chính sách tiền lương thay đổi nên các nhà thầu đề nghị tăng giá hợp đồng...

Thứ ba, công tác mua sắm vật tư thiết bị cho dự án cũng gặp khó khăn do nhiều nhà cung cấp, chế tạo thiết bị từ chối tham gia dự án và giá cả vật tư thiết bị tăng cao dẫn đến tiến độ mua sắm thiết bị rất khó kiểm soát.

Đối với những gói thầu do các nhà thầu Việt Nam thực hiện, thực tế cho thấy năng lực thiết kế, nhân lực, thi công và trang thiết bị phục vụ thi công của nhà thầu còn rất hạn chế; chưa có kinh nghiệm thi công các công trình trên biển; kinh nghiệm ký kết các gói thầu...

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của địa phương chưa đáp ứng được các dịch vụ ăn, nghỉ, sinh hoạt, giao thông, an ninh, trật tự cho số lượng lớn cán bộ, công nhân viên cũng các phương tiện thi công trên công trường.

Tại dự án đường Hồ Chí Minh, khối lượng công việc thực hiện được trong năm 2007 so với kế hoạch là không đáng kể, đã có nhiều đoạn phải dãn tiến độ thi công, dự kiến chậm từ 1-2 năm so với kế hoạch.

Vì vậy, theo nhận xét là việc thông tuyến 2 làn xe từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) vào năm 2010 như Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua là không thể thực hiện được.

Công tác giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc, nhiều điểm nóng từ năm 2006 đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm do các địa phương áp dụng chính sách đền bù không thống nhất, không minh bạch, nhất là ở các xã giáp ranh giữa hai tỉnh liền kề; các địa phương bố trí nơi tái định cư chưa tốt, thậm chí có nơi chưa xác định được địa điểm tái định cư trước khi giải phóng mặt bằng.

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng dù đã được Quốc hội khóa XI điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ nhưng trong năm đầu thực hiện, đã bộc lộ sự chênh lệch giữa chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2007 và năm 2008 của Chính phủ so với chỉ tiêu, nhiệm vụ hàng năm theo Nghị quyết của Quốc hội.

Chẳng hạn, năm 2007 Quốc hội giao chỉ tiêu khoán bảo vệ rừng 1.500.000 ha/năm, Chính phủ giao 1.469.556 ha; Quốc hội giao chỉ tiêu khoanh nuôi tái sinh rừng 803.000 ha, Chính phủ giao 652.595 ha; Nghị quyết Quốc hội giao chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 50.000 ha/năm, Chính phủ giao 45.149 ha.

Tiến độ xây dựng trong dự án Nhà máy Thuỷ điện Sơn La được đánh giá cơ bản đảm bảo các yêu cầu. Tuy nhiên, tiến độ di dân, tái định cư vẫn còn chậm.

Nguyên nhân là do một số cơ chế, chính sách bồi thường di dân, tái định cư chưa phù hợp với thực tế; khối lượng công việc lớn, phạm vi di dân rộng, địa hình khó khăn; đường giao thông đến các điểm tái định cư chậm được xây dựng.

Tổng dự toán cho dự án di dân, tái định cư vẫn chưa thể phê duyệt do quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư điều chỉnh vẫn chưa rà soát, bổ sung xong để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Những yếu kém về năng lực thực hiện

Trong khi đó, các cơ chế chính sách và năng lực thực hiện các công trình quan trọng quốc gia này đang bộc lộ nhiều bất cập. Tại nhiều công trình, các nhà thầu Việt Nam cho thấy sự yếu kém năng lực cả về tài chính, cả về phương tiện thi công trình độ công nghệ, trình độ cán bộ kỹ thuật còn yếu đã làm ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình.

Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất là một tổ hợp lọc dầu hiện đại đầu tiên ở Việt Nam nhưng nhân lực để vận hành nhà máy đã được Ban quản lý tuyển dụng để đào tạo hầu hết là mới ra trường, trình độ ngoại ngữ yếu.

Theo kinh nghiệm của các nước, chi phí đào tạo nhà máy lọc dầu thường chiếm ít nhất 1% tổng mức đầu tư, nhưng ở dự án này chỉ có 9,743 triệu USD trong tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD, chiếm 0,39%.

Còn tại các gói thầu thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đều giao cho các nhà thầu trong nước thực hiện, phần lớn trong số này hạn chế cả về năng lực tài chính và phương tiện thi công. Có nhà thầu nợ đọng vốn, thanh toán chậm nên không được ngân hàng cho ứng vốn tiếp, hoặc tuy được giải ngân nhưng ngân hàng trừ nợ, dẫn đến tình trạng thiếu vốn thi công.

Cũng theo báo cáo, nhìn chung tại 4 công trình đều có tình trạng huy động và đảm bảo vốn đầu tư còn nhiều bất cập, mức độ giải ngân thấp. Đặc biệt tổng mức đầu tư các công trình tăng lớn so với dự kiến ban đầu do phát sinh ở nhiều khâu, nhiều hạng mục (chủ yếu là phát sinh do khảo sát, thiết kế ban đầu không kỹ; giá cả nguyên vật liệu, ngày công tăng cao do trượt giá).

Dự án Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất có khả năng tăng vốn đầu tư thêm trên 20%. Dự án đường Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi tăng thêm 21,9% so với mức đầu tư đã báo cáo Quốc hội.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, với khả năng huy động vốn như hiện nay thì khó đảm bảo được nguồn vốn để triển khai các hạng mục trong giai đoạn 2006-2010. Do vậy, một số hạng mục và dự án thành phần đang phải có phương án chuyển sang đầu tư trong giai đoạn sau năm 2010.

Còn tại dự án 5 triệu ha rừng, ngân sách Trung ương ước cả năm 2007 thực hiện 708 tỷ đồng (thiếu 254 tỷ đồng), chỉ đạt 73,6% kế hoạch, tỷ lệ giải ngân thấp (tính đến tháng 9/2007 mới chỉ giải ngân được 170 tỷ đồng, chỉ đạt 23,6% kế hoạch. Vốn vay tín dụng ước cả năm thực hiện 200 tỷ đồng, chỉ đạt 11% chỉ tiêu 1.800 tỷ đồng.

Theo Nguyễn Thị Thanh Hoa
VnEconomy

MỚI - NÓNG