Dự án Vilaken: Tỉnh Nghệ An không hề cản trở nhà đầu tư

Dự án Vilaken: Tỉnh Nghệ An không hề cản trở nhà đầu tư
Về sự chậm chễ của dự án nhà máy bia Vilaken, Ông Nguyễn Thế Trâm – chủ dự án cho rằng chính quyền đã gây khó khăn cho nhà đầu tư. Sự thật có đúng như lời ông Trâm phản ánh hay không ?
Dự án Vilaken: Tỉnh Nghệ An không hề cản trở nhà đầu tư ảnh 1
Nếu không đủ năng lực tài chính, TCty hợp tác kinh tế Việt - Lào sẽ bị rút giấy phép đầu tư nhà máy bia Vilaken  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Hồng Trường trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong: “Tỉnh đã cho ông Trâm rất nhiều cơ hội. Chủ đầu tư đã hứa rất nhiều lần với tỉnh trong việc huy động nguồn vốn: từ tháng 12/2004 đến tháng 4/2005, rồi tháng 7/2005...”.

Ông Nguyễn Thế Trâm cho rằng chính quyền đã gây khó khăn cho nhà đầu tư, điều đó có đúng không, thưa ông?

Vừa rồi, Chính phủ giao cho tỉnh thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra toàn bộ năng lực tài chính của ông Nguyễn Thế Trâm, xem ông ấy có đủ vốn tự có 286 tỷ đồng hay không. Theo qui định, phải có 30% vốn tự có thì dự án mới khả thi. Bây giờ chúng tôi đang làm việc đó.

Tỉnh không ra những văn bản chồng chéo; ông Trâm được ưu tiên lớn nhất là được chỉ định thầu san lấp mặt bằng. Sau khi san lấp xong và các cấp nghiệm thu, tỉnh mới chuyển tiền cho ông Trâm. Nhưng đến nay san lấp đã xong đâu!

Sắp tới, tỉnh sẽ thành lập hội đồng nghiệm thu, trả tiền san lấp cho Tổng Cty hợp tác kinh tế (HTKT) Việt – Lào. Tuy nhiên đến giờ phút này Tổng Cty HTKT Việt – Lào chưa có tín hiệu gì thể hiện là có thể xây dựng nhà máy bia, ngoài việc san lấp mặt bằng, đóng cọc.

Vấn đề quan trọng nhất là mở LC để nhập thiết bị máy móc nhà máy bia, nhưng nay vẫn không thấy mở. Hơn nữa trước đây tỉnh có một số cơ chế ưu đãi, nhưng vừa rồi TW có ý kiến bia không thuộc nhóm mặt hàng ưu đãi.

Chính phủ cũng không cho phép ưu đãi đối với dự án này, nhất là trong việc miễn thuế… buộc UBND tỉnh phải thay đổi cơ chế cho đúng với qui chế hiện hành của TW qui định.

Tỉnh rất muốn giúp ông Trâm, nhưng TW thấy việc ưu đãi đó là không phù hợp; địa phương thấy việc mình làm vượt quá thẩm quyền, nên phải điều chỉnh. Tỉnh Nghệ An không làm gì khó dễ với ông Nguyễn Thế Trâm cả. Ngược lại rất tạo điều kiện cho nhà đầu tư.

Ông nói chủ đầu tư vẫn chưa mở LC để nhập thiết bị là sao?

Vừa rồi họp, GĐ Tổng Cty Việt – Lào đề xuất đến 30/9/2005 sẽ mở LC. Nhưng đến giờ phút này đã có tín hiệu gì đâu. Ngân hàng thì từ chối cho vay vốn.

Tiếp xúc với Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Trâm cho rằng Cty khó khăn trong vấn đề vay vốn là do tỉnh đã “có sự chỉ đạo”. Ông bình luận như thế nào về thông tin này?

Làm gì có chỉ đạo. Ngân hàng với doanh nghiệp là quan hệ đối tác với nhau, không liên quan gì đến sự quản lý Nhà nước của tỉnh cả. Một doanh nghiệp muốn vay vốn của ngân hàng thì ngân hàng phải thẩm định năng lực của nhà đầu tư.

Thấy nhà đầu tư có điều kiện trả nợ thì người ta mới cho vay; hoặc thấy dự án khả thi thì người ta mới cho vay. Chuyện cho vay hay không là quyền của ngân hàng. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An bao giờ cũng muốn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện dự án của mình trên địa bàn địa phương.

Quyết định số 1595/QĐ-UB-CN do ông ký ngày 29/4/2004 “đã giao cho Tổng Cty HTKT Việt – Lào làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu B (Khu CN Nam Cấm) và Nhà máy bia Vilaken đang có hiệu lực, tại sao lại xuất hiện Công văn số 6452/CV-UB-CN (ngày 20/12/2004) đình chỉ thi công dự án này ?

Việc tạm đình chỉ là xuất phát từ văn bản của Chính phủ yêu cầu kiểm tra năng lực nhà đầu tư. Đình chỉ có thời hạn để kiểm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư, mục đích cũng là để tránh thiệt hại cho nhà đầu tư.

Trong lúc Chính phủ đang có ý kiến như vậy, nếu Tổng Cty HTKT Việt – Lào tiếp tục đầu tư vào đấy, sau này dự án không khả thi thì tốn kém cho nhà đầu tư. Bản thân tỉnh không sử dụng lại được hạ tầng đó.

Nói thế nhưng Tổng Cty HTKT Việt – Lào vẫn cứ làm. Nếu nhà đầu tư quyết tâm làm thì tỉnh cũng không cản trở (!?). Đến giờ phút này, tỉnh Nghệ An có cản trở gì ông Trâm đâu.

Dự án Vilaken: Tỉnh Nghệ An không hề cản trở nhà đầu tư ảnh 2
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Hồng Trường

Tại sao việc kiểm tra năng lực tài chính doanh nghiệp này lại không tiến hành trước khi dự án khởi động mà phải đợi đến bây giờ, thưa ông?

Tại thời điểm cấp giấy phép đầu tư, ông Trâm trình lên một số văn bản có công chứng là Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh tại 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa cho vay, với mức khoảng 250 tỷ đồng.

Lúc đó, đối chiếu qui định hiện hành của Nhà nước về vốn tự có, thì ông Nguyễn Thế Trâm đủ điều kiện được cấp giấy phép đầu tư. Nhưng sau đó, ngân hàng thẩm định lại vốn, tài sản của ông Trâm, họ nhận thấy vốn và tài sản không đảm bảo số tiền cho vay.

Việc này là do ông Trâm ra cả chứ tỉnh đâu biết. Việc ngân hàng thông báo cho vay, là việc của ngân hàng; rồi ngân hàng cũng thông báo lại với tỉnh là hiện nay không cho vay nữa. Khi ngân hàng không cho vay nữa, ông Trâm bị hẫng.

Địa phương đã thực hiện như thế nào ý kiến của Chính phủ về dự án nhà máy bia Vilaken, thưa ông?

Hiện nay chúng tôi đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. Thứ nhất, tỉnh sẽ tiến hành thành lập tổ công tác nghiệm thu khối lượng san lấp mặt bằng, thanh toán cho ông Trâm;

Thứ hai, Chính phủ yêu cầu tỉnh Nghệ An kiểm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư, tỉnh đang lập tổ công tác kiểm tra hoạt động toàn diện của Tổng Cty HTKT Việt – Lào và nếu không có gì thay đổi, đoàn công tác sẽ kết thúc vào ngày 15/7/2005.

Khi có kết luận, chúng tôi sẽ kiến nghị với Chính phủ về dự án này, nếu đủ năng lực tài chính thì vẫn để cho nhà đầu tư làm; nếu không đủ năng lực tài chính thì sẽ kiến nghị với Chính phủ để thu hồi giấy phép đầu tư.

Trong báo cáo mới đây của Ban quản lý các khu công nghiệp Nghệ An cho rằng một số vị lãnh đạo tỉnh tỏ ra “lo lắng cho tương lai của dự án và muốn dẹp bỏ ngay để tránh hậu quả, rắc rối sau này”?

Tôi chưa bao giờ nghe ý kiến đó. Tôi chưa thấy văn bản nào như thế cả. Thực tế BQL các khu công nghiệp chỉ muốn tham mưu cho tỉnh để tạo điều kiện cho nhà đầu tư…

Ông có cảm thấy lo ngại về dự án nhà máy bia Vilaken?

Vừa rồi có một số trục trặc như vậy. Nếu dự án ra đời được thì vẫn tốt hơn. Nhưng đến nay có thể nói chúng tôi rất lo ngại về dự án này, vì doanh nghiệp không có khả năng về vốn.

Trong khi đó ngân hàng thì không cho vay; các nhà đầu tư khác liên doanh liên kết thì chưa thấy tín hiệu gì... Nhưng tôi phải nói rằng không nên hy vọng có một chế độ gì riêng với dự án này.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.