Đủ kiểu tàn sát rừng - Kỳ cuối: Mất rừng, dân khốn khổ vì mỏ khoáng sản

Rừng đặc dụng bị chặt hạ thành khai trường mỏ sắt Sàng Thần.
Rừng đặc dụng bị chặt hạ thành khai trường mỏ sắt Sàng Thần.
TP - Những khu rừng đặc dụng và sản xuất bị chặt hạ, nhường đất cho mỏ khoáng sản, nhà máy thủy điện với kỳ vọng cải thiện nguồn thu ngân sách. Nhưng khai thác nửa chừng, doanh nghiệp (DN) kêu khó khăn, trữ lượng mỏ thấp, xin nợ thuế, trả lại mỏ, trong khi tiền thuế phí bảo vệ môi trường không đủ bù đắp hậu quả ô nhiễm mà người dân đang phải gánh chịu.

Đánh đổi rừng lấy khoáng sản

Theo Sở NN&PTNT Hà Giang, giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng 1.394 ha rừng sản xuất, 525 ha rừng phòng hộ và 39 ha rừng đặc dụng sang khai thác khoáng sản, thủy điện… Theo ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở TNMT Hà Giang, đa số mỏ khoáng sản đều nằm trên đất rừng (đã được cơ quan quản lý chuyển đổi mục đích sử dụng).

Khai thác mỏ khoáng sản làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Mỏ khai thác lộ thiên trên sườn núi, khi mưa, nước trôi xuống suối, vùi lấp ruộng nương của người dân. Việc khai thác khoáng sản làm đảo lộn cuộc sống người dân. Người dân không muốn khai thác mỏ, bởi không tạo ra lợi ích kinh tế cho người dân sinh sống cạnh mỏ, mà còn gây ô nhiễm môi trường.

“Người dân không muốn khai thác mỏ nhưng vì sự phát triển chung của tỉnh, làm khoáng sản đành hy sinh rừng. Tuy nhiên, những năm gần đây, các mỏ không hiệu quả, nợ thuế, thậm chí trả lại mỏ rất nhiều. Tỉnh Hà Giang đã đưa khai thác khoáng sản vào nhóm ngành không khuyến khích đầu tư”, ông Nhu cho biết.

Để chứng kiến tác động của việc chuyển đổi rừng sang khai thác khoáng sản, chúng tôi tìm đến mỏ sắt Sàng Thần (xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang). Khai trường mỏ Sàng Thần rộng 9,8 ha, trước kia vốn là rừng đặc dụng, thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Minh Sơn Hoàng Văn Thuận, khai thác mỏ không chỉ làm mất rừng, gây ô nhiễm môi trường, tàn phá đường giao thông. “Năm 2011, chúng tôi vừa làm xong đường giao thông, năm 2012 công ty về khai thác mỏ, xe chạy hỏng hết”.

 “Một số công ty khác xin khảo sát và khai thác mỏ trên địa bàn xã nhưng chúng tôi không đồng ý. Nếu cấp phép cho 4-5 mỏ khai thác khoáng sản thì người dân không sống nổi, khai thác mỏ ở Minh Sơn thiệt nhiều hơn lợi. Số tiền thuế, phí xã Minh Sơn nhận được từ mỏ sắt Sàng Thần chỉ khoảng 200 triệu đồng, không đủ bù đắp tác hại môi trường”, ông Thuận cho biết.

Phó Giám đốc Cty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông (đơn vị khai thác mỏ Sàng Thần) Trần Đình Dũng cho biết, khu vực mỏ trước kia là rừng tự nhiên, được chuyển đổi sang rừng sản xuất và cuối cùng cho khai thác khoáng sản. Diện tích mỏ 26 ha với trữ lượng 21 triệu tấn và khai thác trong 30 năm (tính từ 2012).

“DN khai thác khoáng sản khó khăn chồng chất do không bán được sản phẩm. Công ty An Thông từ 1.000 công nhân viên, nay giảm xuống còn 300 người. Quá trình hoạt động chúng tôi cố gắng đảm bảo quy định để hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường nhưng không thể không có sai sót”, ông Dũng nói.

Cạnh mỏ sắt Sàng Thần là mỏ chì kẽm của Cty CP khoáng sản Minh Sơn. Ao chứa bùn thải nằm chênh vênh trên sườn đồi, không có đê bao. Theo người dân sống cạnh khu bùn thải của mỏ chì kẽm, ngày mưa nước tràn từ hồ thải xuống lòng suối. Hóa chất trong bùn thải khiến cá tôm chết dần.

Đánh giá về đóng góp của các DN khai thác khoáng sản vào kinh tế Hà Giang, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Giang cho rằng, DN khai thác khoáng sản được hưởng nhiều ưu đãi nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế, tiền thuế ít, hậu quả môi trường lớn. Năm 2016, tổng số thuế DN khai thác khoáng sản nộp hơn 132 tỷ đồng, tương đương 20% tổng nguồn thuế của Hà Giang.

“Cả tỉnh có 51 DN khai thác khoáng sản nhưng chỉ có 18 DN nộp thuế. Trong số đó có tới 5 DN nợ hơn 8 tỷ đồng tiền thuế. Số còn lại kê khai chưa khai thác nên chưa phát sinh thuế. Sắp tới, tỉnh nên hạn chế cấp phép khai thác mỏ, với mỏ đã cấp phép, cần giám sát chặt để giảm thiểu tối đa tác hại với môi trường và giảm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”, ông Hùng ađánh giá.

Lý giải về nguyên nhân khiến các DN khai thác khoáng sản kêu thua lỗ, xin nợ thuế, ông Phạm Đình Tuý, nguyên Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang cho rằng, do mỏ khoáng sản ở Hà Giang trữ lượng nhỏ lẻ, phân tán.

Nhiều mỏ khai thác không đủ chi phí bù đắp môi trường. Việc cấp phép dựa trên tài liệu địa chất từ xưa để lại, chủ yếu ở mức dự báo trữ lượng nên chỉ có thể khai thác công nghiệp đạt 25-45% sản lượng dự báo. Vì vậy nhiều DN dính “quả đắng” khi đầu tư máy móc, thiết bị nhưng trữ lượng không như dự báo ban đầu, dẫn đến nợ thuế phí, trả lại mỏ và gây ô nhiễm môi trường.

Thủy điện nhấn chìm rừng

Hà Giang có 25 nhà máy thủy điện được xây dựng trên diện tích đất rừng dọc các con sông trong đó có sông Gâm... Đặc biệt, một số nhà máy xây dựng trên diện tích hàng chục héc ta từ đất rừng đặc dụng như Nhà máy thủy điện Nậm Mạ do Cty TNHH Miền Tây xây dựng tại xã Tùng Bá (huyện Vị Xuyên). Theo quy hoạch, diện tích rừng đặc dụng chuyển đổi mục đích sang thủy điện chỉ 39 ha nhưng sau đó, thủy điện Nậm Mạ đã xin tăng diện tích rừng đặc dụng chuyển đổi lên tới 48 ha.

Tuy nhiên, sau khi chặt rừng, xây xong nhà máy, nhiều công ty xin nợ thuế với lí do không đủ lượng nước sản xuất thủy điện. “Quý 1/2016, Cục Thuế Hà Giang tụt 50% thuế thu từ thủy điện. Họ kêu không đủ nước sản xuất, xin nợ thuế, chúng tôi cũng đành chịu”, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Giang cho biết. Ngoài ra, nhiều công ty thủy điện còn chây ỳ nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng với số tiền hơn 6,1 tỷ đồng, dù bị nhắc nhở nhiều lần.

Sau khi xây dựng, các nhà máy thủy điện phải chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho người dân thông qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Theo thống kê, Hà Giang có khoảng 275.000 ha rừng được chi trả phí DVMTR và hơn 77.000 hộ dân thụ hưởng. Trung bình mỗi năm số tiền chi trả cho người dân khoảng 23,1 tỷ đồng. Thế nhưng, quá trình hoạt động nhiều nhà máy thủy điện chây ỳ nộp số tiền này. Hiện còn 4 công ty nợ 6,1 tỷ tiền chi trả DVMTR, trong đó có Cty CP năng lượng Bitexco; Cty TNHH MTV Nho Quế, Cty CP thuỷ điện Thái An; Cty CPĐT và PT điện Nho Quế.

“Số tiền chi trả DVMTR là kế sinh nhai, góp phần đảm bảo cuộc sống của người dân, hạn chế việc người dân phá rừng làm nương rẫy hoặc bị kẻ xấu lợi dụng phá rừng. Tuy nhiên, các công ty này chây ỳ, bị đôn đốc nhiều lần nhưng không trả tiền DVMTR”, đại diện Quỹ Phát triển và bảo vệ rừng Hà Giang cho biết.

Phó Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư khoáng sản An Thông (đơn vị khai thác mỏ Sàng Thần) Trần Đình Dũng cho biết, khu vực mỏ trước kia là rừng tự nhiên, được chuyển đổi sang rừng sản xuất và cuối cùng cho khai thác khoáng sản. 

MỚI - NÓNG