Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu: Cát cứ, manh mún?

Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu: Cát cứ, manh mún?
TP - Tuyến đường hành lang Đông Bắc của Bà Rịa- Vũng Tàu ( BR-VT) được đầu tư trên 300 tỷ đồng, nối TP Vũng Tàu với TP Phan Thiết được quy hoạch dành cho lĩnh vực du lịch, nhưng thực tế đầu tư du lịch ở đây có nhiều vấn đề đáng bàn.
Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu: Cát cứ, manh mún? ảnh 1
Một khu Resort tại Phước Thuận, Xuyên Mộc xây dựng dở dang

Xem xét lại tiến độ thi công của các dự án du lịch ở 2 huyện Đất Đỏ và huyện Xuân Mộc, dễ nhận ra tình trạng đầu tư cầm chừng chủ yếu để nhận đất, số vốn thực tế đổ vào dự án rất ít nếu không nói là không đáng kể.

Chẳng hạn, khu du lịch Bến Thành – Phước Hải, vốn đầu tư đăng ký 556,5 tỷ đồng, dự kiến xây dựng năm 2006 –2007, thế nhưng đến nay mới đầu tư được 72 tỷ đồng.

Dự án khu nghỉ dưỡng Kawasami có vốn đăng ký 159,06 tỷ đồng, dự kiến đầu tư 2006 – 2008, đến nay mới bỏ vốn được 18 tỷ đồng. Dự án khu du lịch Đèo Nước Ngọt – Hoa Anh Đào, vốn đăng ký 778,9 tỷ đồng, dự kiến đầu tư 2006 – 2008, nay mới  bỏ vốn chưa được 1/10: 66,8 tỷ đồng…

Nếu tính chung trên toàn địa bàn, tổng vốn thực hiện các dự án trên địa bàn huyện Đất Đỏ mới đạt 12 phần trăm tổng vốn đăng ký. Tỷ lệ này cũng tương tự đối với địa bàn Xuyên Mộc.

Manh mún

Đa phần dự án đầu tư du lịch ở 2 huyện này đều có số vốn đăng ký và diện tích đầu tư nhỏ hẹp. Mỗi chủ đầu tư cát cứ một phần đất nhỏ, thường chỉ trên dưới 10 ha, cá biệt có trường hợp chỉ rộng 0,89ha như khu du lịch Sao Mai của Cty TNHH An Mi, Đất Đỏ; khu du lịch thương mại, dịch vụ Anh Đào 2,99 ha; khu du lịch sinh thái Bình An 2,58 ha; khu du lịch Ngọc Hải resort 2,58 ha… Thực trạng này khiến bãi biển bị chia cắt thành những phần nhỏ manh mún.

Diện tích nhỏ hẹp nên việc đầu tư cũng vỡ vụn, không thể có được những công trình đạt tiêu chuẩn cao cấp. Tính trung bình một dự án đầu tư du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trên địa bàn BR-VT  có suất đầu tư 8,5 tỷ đồng/ha, trong khi đó một khu du lịch phức hợp cao cấp ven biển có suất đầu tư lên tới 144 tỷ đồng/ha.

Một số chuyên gia kinh tế khi đến BR-VT cảnh báo về tình trạng thiếu đất đầu tư trong tương lai, đặc biệt là đất dành cho những dự án đầu tư công nghệ cao, hiện đại, mang tầm vóc quốc tế.

Nếu cứ đầu tư ồ ạt với những dự án nhỏ lẻ  kiểu xí phần như vậy, với thời hạn mỗi dự án thường dài đến 50 năm, khả năng hết đất cho dự án cao cấp là điều khó tránh khỏi, hơn nữa bãi biển BR-VT sẽ không còn là một dải mà sẽ bị cấu tạo bởi hàng loạt kiến trúc manh mún, cát cứ.  

Huyện Đất Đỏ có 38 dự án đầu tư du lịch, chủ yếu tập trung ở địa phận xã ven biển Phước Hải. Thế nhưng, hiện nay mới chỉ có chín dự án đang khởi công xây dựng, bốn dự án đang lập phương án đền bù và 25 dự án đang triển khai thủ tục đầu tư.

Huyện Xuyên Mộc có 55 dự án du lịch, trong đó có 6 dự án đang khai thác kinh doanh, 11 dự án đang xây dựng, hai dự án đang làm thủ tục xây dựng, 25 dự án đã có quyết định thu hồi đất, 11 dự án đang lập quy hoạch.

Nhận định về tình hình đầu tư du lịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND hai huyện này đều khẳng định tiến độ đầu tư quá chậm, và các huyện đều có công văn đề nghị UBND Tỉnh lập đoàn thanh tra, xử lý kiên quyết những dự án chậm tiến độ.

MỚI - NÓNG