Dư luận phản đối việc áp thuế chống bán giá giày của EU

Dư luận phản đối việc áp thuế chống bán giá giày của EU
Theo một số hãng tin nước ngoài, một cuộc tranh chấp thương mại mới có nguy cơ xảy ra sau khi EU công bố biểu thuế chống bán phá giá đối với giày da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.
Dư luận phản đối việc áp thuế chống bán giá giày của EU ảnh 1
Từ ngày 7/4, giày da Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ bị chịu thuế chống phá giá 4% và từ 10/2006 có thể sẽ là 16,8% và có khả năng duy trì trong 5 năm liền

Theo kế hoạch đánh thuế chống bán giá mà ông Mandelson nói là "để cân bằng sân chơi" này, giày da xuất khẩu của Trung Quốc và Việt Nam vào thị trường EU từ ngày 7/4 sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá là trên 4% trong thời hạn 6 tháng khi EU tiếp tục điều tra.

Từ đầu tháng 10/06, mức thuế này có thể sẽ tăng lên 19,4% đối với Trung Quốc và 16,8% với Việt Nam, và có khả năng chúng sẽ được duy trì trong 5 năm tới nếu EU thấy cần thiết.

Đề nghị này đã gây ra những ý kiến và phản ứng trái chiều nhau ngay chính trong lòng EU. Italia - hiện dẫn đầu các nước sản xuất giày châu Âu đang tìm kiếm các biện pháp bảo hộ - thậm chí còn thúc giục EC phải mạnh tay hơn "để bảo vệ các công ty và người tiêu dùng của mình", trong khi Đan Mạch và Thụy Điển đều bày tỏ mối quan ngại về ảnh hưởng của kế hoạch đánh thuế chống bán phá giá đối với người tiêu dùng và những người bán lẻ.

Mạng lưới các phòng thương mại châu Âu EuroCommerce và nhóm vận động người tiêu dùng châu Âu BEUC đã "tấn công" kế hoạch của ông Mandelson với lời tuyên bố rằng việc áp đặt mức giá cao hơn cho người tiêu dùng bằng cách đánh thuế chống bán phá giá vốn không có hiệu quả.

Giám đốc BEUC, ông Jim Murray, nói: "Trong trường hợp này chúng tôi sợ rằng việc đánh thuế này sẽ là phản cạnh tranh, chống lại người tiêu dùng và ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ theo nghĩa xấu nhất của từ này".

Bà Bronwen Maddox, trưởng ban quốc tế của tờ Thời báo (Anh) cuối tuần qua có bài viết cho rằng đề nghị do ông Mandelson đưa ra là một bước đi sai hướng, có thể ảnh hưởng đến những quyết định trong tương lai của EU và hủy hoại EU trong vòng đàm phán Đôha về tự do thương mại toàn cầu.

Ủy viên Thương mại EU Peter Mandelson nói rằng biện pháp của ông sẽ không ảnh hưởng đến người tiêu dùng châu Âu và chỉ ảnh hưởng khoảng 9% lượng giày được bán ở EU và làm tăng giá bán buôn thêm 1,5 euro/đôi, hơn nữa những người bán lẻ có khả năng để "hấp thu" khoản chi phí tăng lên mà không cần phải chuyển gánh nặng sang người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Hiệp hội Ngành Hàng Thể thao châu Âu - đại diện các nhà sản xuất giày thể thao bao gồm các tên tuổi lớn như Nike và Adidas- lại khẳng định giá giầy sẽ tăng.

Trong một tuyên bố chung, Chủ tịch Horst Widmann nói rằng thật là sai lầm khi nói rằng ảnh hưởng đối với giá tiêu dùng chỉ ở mức hạn chế, bởi các nhãn hiệu giày da và bán lẻ châu Âu sẽ buộc phải phản ánh mức tăng chi phí lên giá bán.

Giá tiêu dùng sẽ tăng lên tới 20% nếu biểu thuế trên được áp dụng. Trong khi đó, một nhóm đại diện các thương hiệu giày như Timberland, Hush Puppies và Clarks cũng thúc giục chính phủ các nước EU cân nhắc các giải pháp thay thế khác.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG