Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân còn nhiều điểm chưa hợp lý

Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân còn nhiều điểm chưa hợp lý
TP - Hôm nay (4/11), dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được trình bày trước Quốc hội (QH). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của QH Dương Thu Hương về một số điểm đáng chú ý trong dự án Luật này.
Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân còn nhiều điểm chưa hợp lý ảnh 1
Bà Dương Thu Hương

Bà Hương nói: Luật Thuế thu nhập cá nhân lần đầu tiên được trình ra QH và nếu được QH thông qua thì sự triển khai trên thực tế chỉ là tập dượt.

Với những quy định như trong dự thảo luật này, tôi nghĩ, khi đi vào thực hiện, luật sẽ phải thường xuyên điều chỉnh để phù hợp với mặt bằng đời sống xã hội cũng như biến động của thu nhập cá nhân.

Mức thuế suất khởi điểm không hợp lý

Dự thảo đưa ra quy định mức thuế suất đầu tiên trong biểu thuế lũy tiến từng phần là 5%. Bà có nhận xét gì về mức này?

Qua nghiên cứu tài liệu về biểu thuế thu nhập cá nhân của nhiều nước trên thế giới, cho thấy mức thuế suất khởi điểm đa số là 5%, cũng có nước chỉ 1%.

Tuy nhiên, Việt Nam khác với những nước đó ở chỗ, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của ta thấp hơn họ nhiều lần. Những nước có thu nhập bình quân đầu người  từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD, thì thuế suất khởi điểm 5% là bình thường, còn Việt Nam thu nhập bình quân đầu người dưới 1 ngàn USD mà đánh thuế khởi điểm 5% thì tôi e không hợp lý.

Đơn cử một nước trong khu vực là Malaysia có thu nhập bình quân đầu người trên 2.000 USD/năm mà thuế suất khởi điểm có 1%. Vậy Việt Nam đưa ra mức 5% phải chăng là  quá cao?

Có ý kiến cho rằng nên nghiên cứu quy định mức thuế suất khởi điểm căn cứ theo thu nhập bình quân đầu người, chẳng hạn thu nhập của người dân đạt một ngưỡng nào đó thì mới áp dụng mức 5%, cá nhân tôi cũng nghĩ rằng nên nghiên cứu đề ra mức thuế suất khởi điểm sao cho thật linh hoạt.

Theo dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh gồm 2 phần, phần đối với người nộp thuế và phần đối với những người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, trong đó dự kiến 2 phương án: Phương án 1 là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); Phương án 2 là 5 triệu đồng/ tháng (60 triệu đồng/năm) là ngưỡng bắt đầu chịu thuế. Bà lựa chọn phương án nào?

Nếu cho rằng mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng là cao, đến năm 2009 là thời điểm dự kiến dự án Luật này bắt đầu có hiệu lực, tôi nghĩ thu nhập như vậy đã trở thành thu nhập bình thường, thậm chí là thấp.

Vì thế, tôi lựa chọn phương án 2 là phương án 5 triệu đồng/tháng, và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 2 triệu đồng/tháng (bằng 40% mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế). Tôi còn muốn lựa chọn mức cao hơn, nhưng buộc phải chọn phương án 2 vì không có lựa chọn nào khác.

Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay và một vài năm tới,  thu nhập 5 triệu đồng/tháng chưa chắc đã đủ nếu cộng cả chi phí cho hiếu hỉ, ốm đau và hàng loạt chi phí không tên khác.

Theo tôi, ngoài mức giảm trừ cố định, dự luật cần có cả quy định về giảm trừ đột xuất cho các tình huống rủi ro do nguyên nhân khách quan (sức khỏe, tai nạn…).

Bà cho rằng nên giảm mức thuế suất khởi điểm, đồng thời lại đề nghị giảm trừ gia cảnh nhiều hơn, như vậy liệu ý nghĩa của Luật Thuế thu nhập cá nhân có hẹp lại?

Như đã nói ở trên, đạo luật này chỉ để tập dượt mà không đặt nặng vấn đề thu ngân sách. Vấn đề là bất cứ đạo luật nào đưa ra cũng phải phù hợp với mặt bằng xã hội, đời sống của nhân dân.

Nếu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đảm bảo cho tôi khi cần đến nó, thì tôi sẵn sàng đóng thuế thu nhập với mức cao nhất. Nhưng thực tế là an sinh xã hội của chúng ta chưa đảm bảo, cho dù đã có những loại hình bảo hiểm nói trên thì tôi cũng phải tự lo thêm cho mình, như vậy làm sao yên tâm chấp nhận mức thuế cao.

Không nên đánh thuế thu nhập đối với tiền lãi gửi tiết kiệm

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân của Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của QH, đưa ra 2 dạng ý kiến trái ngược nhau về việc đánh thuế thu nhập đối với lãi tiền gửi tiết kiệm. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng chưa nên đánh thuế thu nhập đối với lãi tiền gửi tiết kiệm. Ở nước ta hệ thống ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chính cho nền kinh tế. Nếu đánh thuế lãi tiết kiệm, người dân không gửi tiết kiệm nữa thì ngân hàng huy động vốn ở đâu?

Lúc đó, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Tôi đồng tình với nhận định của báo cáo thẩm tra cho rằng quy định thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm phải chịu thuế thu nhập cá nhân sẽ dẫn đến tình trạng người có tiền không gửi tiết kiệm hoặc gửi ít sẽ đẩy mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng lên cao.

Mặt khác, với trình độ và cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý theo hướng hiện đại còn nhiều hạn chế như hiện nay, dễ xuất hiện tình trạng người có tiền gửi tiết kiệm chia nhỏ số tiền, gửi ở nhiều ngân hàng khác nhau để tránh phải nộp khoản thuế này, hoặc nhiều người có tiền nhưng không gửi tiết kiệm mà cất trữ vàng và các loại tài sản khác.

Nhưng hầu hết các nước đều có đánh thuế tiền lãi tiết kiệm, thưa bà?

Bản chất tiền gửi tiết kiệm ở Việt Nam khác với các nước. Tôi đã đi khảo sát ở nhiều nước, và thấy rằng, tiền gửi tiết kiệm của họ là khoản tiền thừa ra, không dùng đến, và tiết kiệm cũng là hình thức đầu tư. Mà đã là đầu tư thu lãi thì đóng thuế là hợp lý.

Vì sao như vậy? Vì an sinh xã hội của họ tốt, người dân không phải lo lắng khi về hưu mình sẽ sống bằng gì, ốm đau có tiền chữa bệnh không? Còn ở Việt Nam, tiền gửi tiết kiệm là sự tích luỹ để đảm bảo cuộc sống trong tương lai, không phải là đầu tư sinh lời.

Vì thế, chưa nên đánh thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm ở Việt Nam tại thời điểm này.

Xin cảm ơn bà!

 Võ Văn Thành (ghi)

Khoảng cách thu nhập ngày càng tăng

Theo số liệu quyết toán NSNN năm 2004, số thu từ thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao chỉ chiếm khoảng 1,8% tổng thu NSNN, năm 2005, nếu tính cả thuế thu nhập doanh nghiệp của hộ cá thể và thuế chuyển quyền sử dụng đất thì chiếm 4,1% tổng thu NSNN từ thuế, phí và lệ phí, tương đương 1,1% GDP.

Mười năm gần đây, trong kinh tế thị trường, theo số liệu điều tra, khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa nhóm người có thu nhập cao và nhóm người có thu nhập thấp có xu hướng ngày càng tăng, từ 3,7 lần năm 1993 tăng lên 13,5 lần năm 2004.

(Nguồn: Báo cáo thẩm tra của Ủy ban KT và NS của QH về dự án Luật thuế thu nhập cá nhân)

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...