Dự trữ ngoại hối 48 tỷ USD: Một năm tỷ giá không có “sóng”

Tỷ giá VND/USD đã có một năm ổn định với lượng dự trữ ngoại tệ tăng kỷ lục.
Tỷ giá VND/USD đã có một năm ổn định với lượng dự trữ ngoại tệ tăng kỷ lục.
TP - Những ngày cuối năm 2017, thị trường tiền tệ Việt Nam liên tục đón tin vui khi các công bố lần lượt cho thấy: dự trữ ngoại hối đạt mức 48 tỷ USD. Cùng đó, sau hàng chục năm liên tục tăng,  giá USD đã có một năm giảm mạnh so với VND và thị trường ngoại tệ... lặng sóng.

Liên tục mua ròng lên tới 48  tỷ USD

Ngày 21/12/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến thời điểm này đạt gần 48 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Theo Thống đốc Hưng, đây là con số thực sự ấn tượng đóng góp lớn vào việc ổn định vĩ mô và tạo dựng lòng tin cho cộng đồng các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế cũng như đối với chính sách của Chính phủ và hệ thống ngân hàng.

Còn nhớ chỉ hơn một tháng trước, vào ngày 16/11, trong lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, cũng Thống đốc Lê Minh Hưng khi đó cho biết, đã mua ròng 7 tỷ USD kể từ đầu năm, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên 46 tỷ USD.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục mua ròng thêm gần 2 tỷ USD cất vào kho ngoại tệ.  Với lượng dự trữ ngoại hối lên tới 48 tỷ USD, lãi suất ổn định, thậm chí có xu hướng giảm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sự ổn định này hiện được rất nhiều tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài tại Việt Nam đánh giá cao. Mới đây, Tổ chức xếp hạng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng hạng từ “Ổn định” sang “Tích cực” đối với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam, hay như Bloomberg cũng đánh giá Việt Nam đồng (VND) là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á.

Nhận định về bức tranh kinh tế của Việt Nam và thị  trường tiền tệ vừa mới đây, ông Eric Sigwick - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng: Năm 2017 là một năm thành công của kinh tế Việt Nam nói chung và của NHNN nói riêng. Ngoài các mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, lạm phát dưới 4%, theo ông, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20% cũng có thể đạt được trong năm 2017. “Thị trường ngoại tệ, tỷ giá được duy trì ổn định. Đặc biệt, NHNN đã rất thành công trong việc dự trữ ngoại hối năm 2017. Đây là mức dự trữ an toàn cho Việt Nam trước nhiều biến động trong tương lai”, ông Eric Sigwick nói.

Tỷ giá ổn định, người dân, DN được gì?

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, suốt thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn cung ứng vốn tín dụng một cách an toàn và lành mạnh cho nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng. Thống đốc khẳng định: Trong năm 2017, ngành Ngân hàng điều hành chính sách tiền tệ kiểm soát vĩ mô, giữ lạm phát ở mức thấp, điều hành các công cụ chính sách để giữ được thanh khoản ổn định, giữ được ổn định mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất cho vay, đưa được tín dụng đến với những lĩnh vực ưu tiên sản xuất kinh doanh.

Về điều hành ngoại tệ, năm qua, có thể thấy NHNN đã duy trì tỷ giá trong một biên độ hẹp, thậm chí cho phép tỷ giá trung tâm mất giá 1,4% trong 10 đến 11 tháng đầu năm. “Trong năm qua, không phải thị trường không có “sóng ngầm”, tuy nhiên may mắn là bất cứ đợt sóng nào định diễn ra, NHNN đều nắm chắc thông tin, và có phương án xử lý linh hoạt (đánh giá lên hoặc xuống - mua vào hoặc bán ra)”, một lãnh đạo NHNN cho PV Tiền phong hay.

Ổn định tỷ giá người dân không còn tâm lý găm trữ nhiều, do trên thị trường ngoại tệ chợ đen, giá USD có những lúc còn thấp hơn giá niêm yết của các ngân hàng.

Với các DN xuất nhập khẩu, tỷ giá ổn định đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho họ hoạt động sản xuất, kinh doanh, không gây ảnh hưởng tới việc ký kết các đơn hàng. Bởi, đơn hàng thường được DN đàm phán, thỏa thuận và ký kết từ trước, tỷ giá biến động như thế nào đều có tác động, thậm chí có thể khiến DN phải bù lỗ.  “Với việc tỷ giá ngoại tệ không có nhiều “sóng”, giá thành các mặt hàng sản xuất của DN trong nước cũng duy trì ổn định, thậm chí có điều kiện hạ giá thành, điều này giúp nâng cao sức cạnh tranh với các mặt hàng giá rẻ nhập khẩu”, giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị nội thất cho biết.

Cập nhật bức tranh kinh tế cuối năm, ngày 23/12, Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa cho biết, tỷ giá VND/USD trung tâm đã giảm 14 đồng xuống còn mức trung bình 23.124 VND/USD. Theo MBS, những yếu tố hỗ trợ tỷ giá được nhắc tới như: thặng dư thương mại lớn; các dòng vốn FDI và vốn FII (ngắn hạn qua thị trường chứng khoán) tăng dồi dào. Cùng đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện rất ổn.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, 11 tháng đầu năm có 2.290 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký tới 19,8 tỷ USD. Ngoài ra, còn có tới hơn 5,29 tỷ USD đến từ góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ( trong đó có thể tính tới thương vụ góp vốn hơn 1 tỷ USD mua 33,3% cổ phần của Vinamilk của tỷ phú Thái và mới đây là một phần đặt cọc trong con số 5 tỷ USD mua cổ phần của Sabeco). Đây chắc chắn là một trong những nguồn cung ngoại tệ dồi dào tạo cơ hội cho dự trữ ngoại hối ngày một lớn mạnh.

MỚI - NÓNG