Dự trữ ngoại hối sẽ bỏ chế độ "mật"?

Dự trữ ngoại hối sẽ bỏ chế độ "mật"?
Bộ Tài chính vừa đề xuất với Chính phủ việc bỏ chế độ "mật" với các thống kê dự trữ ngoại hối của Việt Nam, vì hầu hết các nước trên thế giới đều công bố các số liệu này để tạo lòng tin cho các nhà đầu tư.
Dự trữ ngoại hối sẽ bỏ chế độ "mật"? ảnh 1
Sẽ công khai thông tin về dự trữ ngoại hối

Bộ Tài chính cho rằng, việc công khai thông tin về dự trữ ngoại hối là một trong những chỉ số để các tổ chức quốc tế đánh giá hệ số tín nhiệm của một quốc gia, vì vậy nếu tiếp tục duy trì chế độ “mật” trong công việc công bố các số liệu sẽ không có lợi cho hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam thời gian tới.

Theo các chuyên gia, việc công khai các thông tin về dự trữ ngoại hối quốc gia là một bước đi trong quá trình hội nhập, tiến tới minh bạch hoá và công khai hoá các số liệu tài chính. Ngân hàng nhà nước cũng cho biết, họ đang chuẩn bị gửi đề xuất này lên Chính phủ và trong đó sẽ đề xuất cả thời điểm thích hợp để chính thức công khai hoá việc này.

Hệ số tín nhiệm quốc gia là chỉ số vô cùng quan trọng, hàng năm được Bộ Tài chính làm việc với 3 công ty đánh giá tín nhiệm lớn nhất trên thị trường tài chính quốc tế gồm: Moody's, Standard & Poor's và Fitch.

Tại New York ngày 6/7 vừa qua, Moody's đã tuyên bố nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Chính phủ Việt Nam đối với nợ bằng đồng ngoại tệ lên một bậc bởi những tiến bộ về cán cân thương mại quốc tế do tác động của việc thực hiện Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) và khả năng gia nhập WTO.

Tuy nhiên, Moody's cũng cho rằng, các số liệu thống kê về kinh tế và tài chính Việt Nam chưa đầy đủ về tính minh bạch và cập nhật, đặc biệt là tình trạng chậm trễ trong việc báo cáo về dự trữ ngoại hối. Hiện nay, các số liệu về dự trữ ngoại hối của Việt Nam được cập nhật theo tháng và được Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) theo yêu cầu của tổ chức này.

MỚI - NÓNG