Đua nhau giảm giá xe máy

Đua nhau giảm giá xe máy
Những tháng đầu năm, các doanh nghiệp (DN) xe máy trong nước chạy hết công suất vẫn không kịp cho nhu cầu mua, thì nay xe sản xuất ra không tiêu thụ được.

Nói về tình hình tiêu thụ xe gắn máy, ông Trần Văn Hải - TGĐ Cty cổ phần kinh doanh hàng công nghiệp Nam Định (Naintraco) - cho biết: Gần 3 tháng nay, Cty đã buộc phải giảm 30% sản lượng xe máy xuất xưởng, do tiêu thụ rất chậm.

Tương tự, ông Đỗ Văn Bình - TGĐ Tổng Cty Vinagimex - cho hay: Xe máy lúc này tiêu thụ chậm lắm, sản xuất của Cty đã giảm tối đa công suất. Khách hàng đặt mua đến đâu, Cty sản xuất đến đấy, thậm chí còn phải hạn chế bởi khách tiêu thụ liên tục đòi hỏi hạ giá tới mức không thể làm nổi nên phải hạn chế để tránh thua lỗ.

"Thị trường tiêu thụ xe máy lúc này đang thảm hại, làm các DN sản xuất lắp ráp xe máy thua lỗ nặng nề". Đó là nhận xét của ông Đỗ Quang Hiển - TGĐ Tập đoàn T&T - một DN có công suất lắp ráp tới khoảng 1.000 xe/ngày, nay chỉ dám duy trì 50% sản lượng so với đầu năm 2006 và chấp nhận lỗ 200.000đ/xe mà tiêu thụ vẫn rất khó khăn.

Giải thích nguyên nhân, ông Hiển cho biết: Do nguyên liệu đầu vào tăng giá rất nhiều, trong khi thị trường thời điểm này tiêu thụ rất chậm, dẫn đến hiện tượng đua nhau hạ giá, bán dưới giá thành, đẩy thị trường vào cảnh cạnh tranh khốc liệt để thu hồi vốn.

"Chụp giật"... đại hạ giá

Ông Đỗ Văn Bình cho rằng: "Lúc này không phải là thời điểm tiêu thụ xe máy". Đây cũng là nhận xét chung của nhiều DN, bởi đã thành quy luật, nhu cầu tiêu thụ xe máy ở VN tăng mạnh từ tháng 9 cho đến cuối năm.

Nhưng rất nhiều ý kiến cho rằng, tình hình "trật tự" của thị trường xe máy VN đang trở nên "khủng hoảng". Nguyên do từ cuối năm 2005 trở về trước, chỉ khoảng 10 DN sản xuất lắp ráp xe máy trong nước duy trì được hoạt động (so với khoảng 60 DN đã từng có trước đó).

Sức hút tiêu thụ của thị trường xe máy tăng mạnh dịp đầu năm 2006 đã làm hàng chục DN vốn "đóng cửa" từ lâu quay trở lại sản xuất xe máy ồ ạt để tung ra thị trường, không có sự kiểm soát cả về số lượng cũng như chất lượng...

Thị trường xe máy rơi vào cảnh "cung vượt cầu" và ế ẩm từ tháng 5 cho đến nay. Cũng chính lúc đó, các cơ sở sản xuất lắp ráp xe máy theo kiểu "chụp giật" bèn đại hạ giá để thu hồi vốn làm cho thị trường vốn đã ế ẩm càng trở nên ảm đạm.

Theo Lao động

MỚI - NÓNG