Đứng dậy sau đại dịch: Chờ hết dịch mới tính được

Các doanh nghiệp ngành da giày cho hay, lối thoát duy nhất cho gần 4 triệu lao động trong ngành vẫn chờ vào việc xuất khẩu phục hồi sau đỉnh dịch COVID-19 Ảnh: Nguyễn Bằng
Các doanh nghiệp ngành da giày cho hay, lối thoát duy nhất cho gần 4 triệu lao động trong ngành vẫn chờ vào việc xuất khẩu phục hồi sau đỉnh dịch COVID-19 Ảnh: Nguyễn Bằng
TP - 1,5 triệu trong tổng số 4 triệu lao động ngành da giày có thể rơi vào tình trạng thất nghiệp, mục tiêu đạt kim xuất khẩu 24 tỷ USD năm 2020 của ngành đang bên bờ vực phá sản... là nhận định của các doanh nghiệp ngành da giày trước tác động của dịch COVID-19.

Chờ thị trường

Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), bà Phan Thị Thanh Xuân, cho biết, dịch COVID-19 đang khiến các doanh nghiệp trong ngành đối mặt hình huống chưa từng có trong lịch sử. Đến nay, lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của ngành bị giảm khoảng 70% với khoảng 800 ngàn lao động bị mất việc tạm thời. Dự tính đến hết tháng 4, mức độ ảnh hưởng với toàn bộ doanh nghiệp trong ngành sẽ lên tới khoảng 1,2 triệu lao động bị mất việc tạm thời.

Đáng lo ngại là hầu hết các hợp đồng đàm phán của quý 2, thậm chí quý 3 chưa thể chốt được và khả năng ký được hợp đồng đến cuối năm 2020 là câu trả lời không doanh nghiệp nào dám chắc.

Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong ngành và hiệp hội đã gửi kiến nghị đến Chính phủ cho phép các doanh nghiệp gia hạn và miễn, giảm tiền thuê đất, phí hạ tầng khu công nghiệp, phí xử lý nước thải trong thời gian nhà máy dừng hoạt động do dịch bệnh và cho phép miễn nộp phí công đoàn năm 2020 cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Lefaso cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng có giải pháp hỗ trợ giảm tỷ lệ ký quỹ, giảm phí thanh toán quốc tế đối với doanh nghiệp có nhập khẩu nguyên liệu để doanh nghiệp sớm tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất cũng như giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp.

Một lãnh đạo Công ty cổ phần giày Phúc Yên cho biết, với ngành da giày, không thể trả lời câu hỏi hoạt động trong tháng 5 sẽ ra sao. Doanh nghiệp đang cầm cự hoàn tất đơn hàng cũ, hàng xếp đầy trong kho không tiêu thụ được do khách hàng đã lùi thời gian giao hàng đến tháng 6, tháng 7 rồi cho công nhân nghỉ chờ việc.

Theo vị này, tình hình hiện rất khó khăn. Sau khi dừng hoạt động, doanh nghiệp vẫn trả trợ cấp cho người lao động 70% lương tối thiểu vùng cho 1.500 lao động với số tiền hơn 3 tỷ đồng/tháng. Đây là số tiền rất lớn trong bối cảnh dịch phức tạp và doanh nghiệp không có hợp đồng mới. Công ty đang tính cách chuyển hướng tiêu dùng sang các thị trường khác và trong nước nhưng không dễ trong bối cảnh hiện nay.

“Chúng tôi đã tối ưu hóa tất cả các công đoạn sản xuất, tiết giảm chi phí và đang tích cực tìm kiếm các nguồn hàng. Sẽ phải đi tìm các thị trường ngách mới và tính dần các giải pháp phục hồi sau đỉnh dịch sẽ là nhiệm vụ của đơn vị thời gian tới dù không có câu trả lời cụ thể: Đến bao giờ thị trường xuất khẩu mới phục hồi trở lại”, lãnh đạo Công  ty Cổ phần giày Phúc Yên nói.

Dịch bùng phát 2 tháng qua tại châu Âu và Anh, thị trường xuất khẩu chính của Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây khiến các dòng giầy thể thao của công ty bị đình trệ hoàn toàn. Đơn hàng đình trệ, hàng ký mới không có, công ty còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu đặc chủng để sản xuất. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc công ty, dịch COVID-19 xuất hiện kéo theo việc đình trệ sản xuất đã làm đứt gãy toàn bộ các chuỗi cung ứng cho đơn vị. Công ty đã tìm khắp nơi vẫn không tìm được nguồn nguyên liệu thay thế nên phải đàm phán với khách hàng đề nghị lùi đơn hàng, hoặc thay đổi một số loại nguyên phụ liệu. Việc chuyển hướng sang tìm, liên kết với doanh nghiệp trong nước để thay thế các nguồn nguyên liệu sẽ là giải pháp chính của đơn vị để không bị rơi vào cảnh khủng hoảng nguồn nguyên liệu như vừa qua.

Ðẩy mạnh giảm thuế, tiết kiệm chi thường xuyên để hỗ trợ DN

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, dệt may, da  giày là các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các ngành này chỉ tiêu thụ trong nước khoảng 10% giá trị sản lượng sản xuất, 90% còn lại là xuất khẩu. Đến nay, số lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của da giày đã bị giảm khoảng 70%, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi sẽ chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 sẽ rất chậm.

Đứng dậy sau đại dịch: Chờ hết dịch mới tính được ảnh 1

Để gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp, Bộ Công Thương kiến nghị, với ngành dệt may, da giày, cho phép gia hạn thời hạn nộp Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 và năm 2020, hoãn nộp thuế VAT đến hết quý 4/2020 .

Bộ Công Thương đang cùng với các doanh nghiệp xem xét chuyển hướng sang sản xuất những mặt hàng thế giới hiện nay có nhu cầu, đi vào những phân khúc nhỏ hơn để có thể duy trì được một phần hoạt động của doanh nghiệp. Bộ sẽ tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi trong các Hiệp định Thương mại tự do, nhằm duy trì tối đa xuất khẩu, cố gắng giảm thiểu khó khăn.

Cùng với đó, để cân đối nguồn thu ngân sách bảo đảm thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên, theo ông Hoài, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước để tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG