Đừng mong vốn ODA được nước ngoài quản lý chặt hơn

Đừng mong vốn ODA được nước ngoài quản lý chặt hơn
Bài viết của ông Vũ Quang Việt, chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia của Cục Thống kê Liên hiệp quốc xung quanh vấn đề quản lý vốn ODA tại Việt Nam.
Đừng mong vốn ODA được nước ngoài quản lý chặt hơn ảnh 1
Công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một trong những dư án được thực hiện bằng vốn ODA.

Vụ ăn cắp của công tại PMU18 liên quan đến các quan chức cao cấp là một tín hiệu báo động đỏ về vấn đề trong sạch của guồng máy nhà nước, trong đó có việc dùng tiền vay nước ngoài để phát triển kinh tế.

Dù mượn cho Nhà nước chi tiêu hay mượn bằng cách bán trái phiếu để phát triển công ty thì Nhà nước cũng là người bảo lãnh, có trách nhiệm chi trả nếu như công ty không có khả năng trả.

ODA (Official Development Assistance) là vốn hỗ trợ phát triển kinh tế, không phải là tiền viện trợ mà là tiền vay nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế với điều kiện ưu đãi như lãi suất, thời gian trả dài hạn.

Lãi suất ưu đãi của tổ chức quốc tế là dựa vào Libor rate sáu tháng (lãi suất trên thị trường liên ngân hàng London) cộng thêm chừng 0,4 điểm phần trăm. Như vậy lãi suất hiện nay là khoảng 3,75%, tức là thấp hơn nhiều so với lãi suất trên thị trường.

Lãi suất ODA mượn của Chính phủ Nhật còn thấp hơn nữa, hiện dưới 1%. Ngoài chi phí trả lãi, nước mượn còn phải trả dịch vụ phí lên tới 1,1% tổng số tiền vay. Nếu phải đi vay trên thị trường trái phiếu quốc tế thì lãi suất cao hơn nhiều.

Chẳng hạn vừa qua Việt Nam bán trái phiếu 10 năm trị giá 750 triệu Đôla Mỹ để gây vốn cho Công ty Đóng tàu Vinashin thì lãi suất phải trả là 7,5%. Chi phí trả cho công ty bán trái phiếu có thể lên tới 3% tổng số tiền trái phiếu.

Như vậy, số tiền thực chất nhận về để sử dụng có thể chỉ là 340 triệu Đôla Mỹ, sau 10 năm phải trả đúng 750 triệu Đôla Mỹ.

Việt Nam hiện đang nợ nước ngoài 19 tỉ Đôla Mỹ (năm 2005). Hầu hết là tiền vay ưu đãi. Số tiền phải trả hàng năm hiện nay là 2 tỉ, và có thể tăng lên 3 tỉ sau vài năm vì thời hạn ưu đãi ba năm đầu chưa phải trả nợ.

Kế hoạch năm năm (2006-2010) tính mượn thêm 17 tỉ Đôla nữa, tức là mỗi năm mượn thêm 3,4 tỉ. Số ngoại tệ cần thêm hàng năm có thể lên đến 6,4 tỉ vừa để trả nợ cũ và mượn nợ mới.

Rất có khả năng là sau năm năm số nợ nước ngoài sẽ lên tới 32 tỉ, tăng từ 34% lên 45-50% GDP. Lúc đó nền kinh tế bắt đầu vượt ngưỡng an toàn.

Nếu tính theo kế hoạch năm năm, tổng đầu tư của nền kinh tế có thể là 120 tỉ Đôla Mỹ, đầu tư của Nhà nước (từ ngân sách và do Nhà nước cho vay lại, hoặc bảo đảm) là 45 tỉ, và tính theo tỷ lệ ăn cắp của công hiện nay là 20% - mà theo Tổng cục Cảnh sát thì có thể lên tới 30% - thì số tiền thất thoát sẽ là 10 tỉ Đôla, bằng 60% số nợ mới Nhà nước định vay nước ngoài.

Như đã nói, khả năng vay ưu đãi các tổ chức quốc tế và các nước chỉ có thể xảy ra với các khoản vay mới. Số nợ cũ, nếu phải vay để trả sẽ phải dựa vào lãi suất cao hơn nhiều trên thị trường tài chính thế giới, cũng như áp lực phải trả nhanh hơn nhiều.

Việc vay tiền ODA từ các nước và các tổ chức tài chính quốc tế không bảo đảm rằng dự án sẽ được thực hiện hiệu quả hơn. Sẽ lầm to nếu ai đó nghĩ rằng các tổ chức quốc tế luôn theo dõi sát sao việc thực hiện dự án. Ngân hàng Thế giới đã viết rõ ràng trong Cẩm nang thực hiện dự án: “Việc theo dõi đánh giá (trong kỳ và cuối kỳ) là trách nhiệm của nhóm điều hành dự án của nước đi vay”.

Ban Kiểm tra của Ngân hàng Thế giới chỉ nhằm kiểm tra hành vi trong sạch của nhân viên ngân hàng nếu có điều tiếng. Tất nhiên tiền vay Ngân hàng Thế giới hoặc Chính phủ Nhật, thường được phép rút ra từng chặng tùy thuộc tiến độ thực hiện của dự án. Điều này chỉ giúp họ tạm ngưng hoặc ngừng hẳn giải ngân tiền cho vay nếu như họ thấy dự án không theo đúng tiến độ hoặc nghe ngóng thấy dự án có vấn đề. Thái độ sau là hạn hữu.

Kinh nghiệm theo dõi vài dự án nhỏ của tôi cho thấy là khả năng của một người đứng xa đánh giá là hết sức hạn chế vì không thể biết rõ được người thực hiện dự án có thật sự chi cho những yêu cầu ghi trong dự án.

Thí dụ việc kiểm tra chi mua giấy để in tài liệu điều tra hoặc in sách thì chỉ có thể biết được nếu như có điều tra xem xét số sách, số mẫu điều tra và sách thực in. Điều này chỉ có ban kiểm tra của nước sở tại với đầy đủ quyền kiểm tra mới có thể thực hiện được. Nếu như một cơ quan viện trợ nào đó muốn kiểm tra tới mức chi li thì lập tức họ khó tránh khỏi việc tạo ra vấn đề chính trị liên quan đến “chủ quyền” của nước sở tại.

Vấn đề kiểm tra, đánh giá công trình, vì thế, phải dựa vào cơ chế tổ chức trong sạch và có khả năng của nước sở tại.

Theo TBKTSG

MỚI - NÓNG