Được gì sau 3 năm Grab, Uber vào Việt Nam?

Chiều 24/5, xe Grab 30E-488... bắt khách ngay tại biển cấm xe taxi trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Trọng Đảng.
Chiều 24/5, xe Grab 30E-488... bắt khách ngay tại biển cấm xe taxi trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Trọng Đảng.
TP - Không phủ nhận khi các loại hình chở khách có ứng dụng công nghệ như Grab, Uber vào Việt Nam đã giúp người dân có cơ hội được đi ô tô dịch vụ giá rẻ và buộc các hãng taxi truyền thống phải tự đổi mới mình. Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý, xã hội, trong đó có giao thông và thị trường vận tải, các loại hình trên đang phá vỡ mọi trật tự. 

Chỉ tính riêng phương tiện ô tô dưới 9 chỗ, sau 3 năm có mặt tại Việt Nam, lượng xe Grab, Uber tại một số đô thị đã ngang bằng, thậm chí tại TPHCM còn vượt cả taxi truyền thống. Điều này báo động rằng, nếu cơ quan chức năng không có các giải pháp nhận diện kịp thời thì mục tiêu về một thị trường vận tải hành khách giá rẻ, giảm ùn tắc giao thông có thể sẽ trở thành thảm họa. 

Bài 1: Xe công nghệ thành xe “tàng hình”

Có chung hình thức là chở khách như taxi nhưng hoạt động của taxi truyền thống và xe Grab, Uber tại Việt Nam đang có sự khác biệt rất lớn. Nếu taxi truyền thống tuân thủ chặt chẽ một số quy định, trong đó tổ chức giao thông, kiểm soát lượng phương tiện thì xe công nghệ lại được tự do. Chính sự khác biệt này đang tạo ra những xung đột, bất bình đẳng trên thị trường taxi Việt Nam.

Phố cấm taxi, xe Grab, Uber được vào

Để giảm lượng xe cá nhân tránh ùn tắc kéo dài, từ khi tuyến đường Cầu Giấy - Xuân Thủy có công trình đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội thi công, Sở GTVT Hà Nội đã cấm toàn bộ taxi hoạt động cả ngày và đêm. Tuy nhiên kể từ đầu năm 2016, Bộ GTVT cho phép triển khai loại hình xe chở khách có ứng dụng công nghệ như Grab (người dân vẫn quen gọi là taxi Grab) ở Hà Nội và 4 đô thị lớn khác, người dân tại đây dễ dàng gọi xe Grab thông qua phần mềm được cài đặt trên điện thoại di động hoặc máy tính bảng.

Tại đường Cầu Giấy - Xuân Thủy chiều 24/5, mặc dù hai đầu đường và các tuyến đường nhánh dẫn vào đều có biển cấm taxi, nhưng tại bất kỳ vị trí nào của tuyến đường này chúng tôi vẫn dễ dàng kết nối và bắt được xe Grab và xe Uber (loại hình có ứng dụng như Grab cũng vừa được Bộ GTVT cho phép thí điểm). Thậm chí, tại biển cấm taxi rõ to đầu đường Xuân Thủy, chúng tôi bật ứng dụng trên điện thoại và thấy hiện rất nhiều xe Grab, Uber đỗ lân cận chờ kết nối.

Chỉ mất 15 giây kết nối ứng dụng gọi xe của Grab, chúng tôi đã được tài xế có tên P.Q.C gọi lại hỏi vị trí, 2 phút sau một chiếc ô tô 5 chỗ màu vàng, nhãn hiệu Hyundai i10, BKS 30E-725… do tài xế P.Q.C đến đón.

Tuy là xe chở khách theo hình thức taxi nhưng quan sát xe 30E-725… chúng tôi thấy rằng, cả trong và ngoài thân xe không dán, treo bất kỳ tấm logo, phù hiệu nào. Trông xe chạy trên đường như một xe gia đình. Với hình dạng thế này, xe Grab 30E-725… dễ dàng chở chúng tôi chạy dọc tuyến đường cấm taxi Xuân Thủy mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Với kết nối như vậy, trên 10 tuyến đường đang cấm taxi để chống ùn tắc, trong đó có các tuyến phố lớn như Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương, Trường Chinh… trong các ngày qua chúng tôi dễ dàng kết nối được xe Grab, Uber. Khác với việc gọi taxi truyền thống thường bị tổng đài từ chối vì phố cấm, giờ cấm, người dân sống trên các tuyến phố trên cho biết họ không gặp bất kỳ khó khăn nào khi kết nối với xe Grab, Uber.

Tình trạng khu vực cấm taxi nhưng xe Grab, Uber vẫn vào hoạt động cũng diễn ra với các sảnh sân bay, bến xe, ga tàu. Tại sân bay Nội Bài, tất cả sảnh chính Nhà ga quốc nội (T1) và Nhà ga quốc tế (T2) đều cấm taxi vào làn đường tiếp giáp với sảnh ga bắt khách. Để tiếp cận được với khách, taxi phải xếp hàng dài ở làn đường ngoài cùng, theo trình tự xe trước di chuyển xe sau tiến lên.

Tuy nhiên, với xe Grab, Uber ngoài không phải xếp hàng, cứ có khách kết nối là tài xế cho xe chạy thẳng vào làn đường trong cùng để tiếp cận sảnh chính. Với cách thức hoạt động trên, trong sáng 26/5, tại sảnh đón khách nhà ga T1 và T2 chúng tôi dễ dàng kết nối và gọi được các xe Grab với các biển số: 30E-2792x, 30E-0355x, 30A-4961x, 30A-9584x… Tương tự, tại nhiều bến xe, ga tàu trên địa bàn Hà Nội hiện nay đều có bố trí khu vực “sảnh” cho taxi bắt khách, tuy nhiên với xe Grab, Uber trật tự này không được duy trì.

Được gì sau 3 năm Grab, Uber vào Việt Nam? ảnh 1 Tại số 304 đường Cầu Giấy (cấm taxi) ứng dụng Grab trên điện thoại thấy cả chục xe sẵn sàng kết nối.

“Tàng hình” để tạo ưu thế

Quyết định số 24/QĐ-BGTVT tháng 1/2016 của Bộ GTVT cho phép Cty TNHH GrabTaxi, gần đây là Cty TNHH Uber Việt Nam được phép ứng dụng công nghệ trong quản lý và kết nối vận tải với ô tô dưới 9 chỗ để chở khách tại 5 đô thị lớn, gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa.

Để được tham gia ứng dụng, xe ô tô dưới 9 chỗ phải gắn thiết bị giám sát hành trình, có phù hiệu xe hợp đồng. Khi chạy trên đường, xe phải niêm yết tên và số điện thoại của đơn vị chủ quản ở mặt ngoài thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe, niêm yết khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết” ở vị trí lái xe dễ nhận biết… Cùng với đó tuân thủ nghiêm các điều khoản đối với xe chở khách dưới 9 chỗ được quy định tại Nghị định 86 (Chính phủ) và Thông tư 63 (Bộ GTVT).

Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động của xe Grab, Uber trong suốt thời gian qua, hầu hết các xe chạy trên đường chúng tôi khảo sát hoặc kết nối không tuân thủ bất kỳ một nội dung nào được quy định ở trên. Điều này được chứng minh cụ thể khi trong thời gian vừa qua chúng tôi đã dùng ứng dụng để kết nối với hàng chục xe Grab, Uber để đi lại, trong đó có các xe 30E-4898x, 30Y-626x, 30E-3834x, 30E-7253x, 30E-4636x, 30E-2599x... nhưng ngoài không có phù hiệu, logo, tên đơn vị chủ quản dán ở kính hoặc bên ngoài xe như quy định để mọi người nhận biết đây là xe chở khách; trên xe còn không có bất kỳ thông tin nào về doanh nghiệp chủ quản, khẩu hiệu phải niêm yết. Cùng với đó, các phương tiện này còn không thấy trưng phù hiệu hợp đồng về kinh doanh vận tải trên kính trước xe.

Quan sát hình dạng các xe chở khách của Grab, Uber chúng tôi đã đi, trông không khác gì một chiếc xe gia đình. Lý giải việc này, tài xe Grab có BKS 30E-4636x cho rằng, do là nhân viên văn phòng nên tranh thủ những ngày nghỉ, giờ nghỉ chạy kiếm thêm thu nhập nên xe cũng không tiện trang bị logo, phù hiệu.

Lái xe Uber BKS 30E-2599x còn cho rằng, để trở thành lái xe Uber rất phức tạp, chủ xe phải đăng ký chạy kinh doanh để được làm thủ tục cấp phù hiệu xe hợp đồng, sau đó nộp đơn vào Uber để xét tuyển. Tuy nhiên để cho nhanh, chủ xe chỉ cần bỏ ra 4 triệu đồng nhờ đội “cò” làm thủ tục này là có thể trở thành tài xế Uber ngay lập tức.

Các đội CSGT địa bàn (Phòng CSGT Hà Nội) đang có nhiều tuyến phố cấm taxi cũng nhìn nhận, do xe taxi Grab, Uber hoạt động không có logo, phù hiệu và mào đèn như taxi thông thường nên các tổ tuần tra, làm nhiệm vụ trên đường rất khó phát hiện để ngăn chặn, xử lý khi các xe này đi vào phố cấm. 

(Còn nữa)

Sau 2 năm Uber, Grab đổ bộ vào Việt Nam theo hình thức tự do, từ tháng 1/2016 Bộ GTVT đã có Quyết định số 24 phê duyệt đề án Thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ và kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng. Theo đó, từ 1/2016 - 1/2018 (2 năm) Cty TNHH GrabTaxi (xe Grab) được triển khai ứng dụng phần mềm gọi xe điện tử tại 5 đô thị là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa.

Đến tháng 4/2017, Bộ GTVT tiếp tục phê duyệt cho Cty TNHH Uber Việt Nam (xe Uber) và một số đơn vị khác tham gia đề án. Mục tiêu: Góp phần đảm bảo giao thông, giảm ùn tắc; nâng cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế. Phương tiện tham gia đề án là xe ô tô dưới 9 chỗ và phải được cấp, dán phù hiệu xe chạy hợp đồng, mặt ngoài xe phải niêm yết tên (logo), số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải…

MỚI - NÓNG