Đường hỏng, cầu yếu: Quản lý kém hay thiếu kinh phí?

Đường hỏng, cầu yếu: Quản lý kém hay thiếu kinh phí?
TP - Hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm được Nhà nước dành cho ngành giao thông vận tải (GTVT) thực hiện duy tu, bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, ngành GTVT vẫn “kêu” tiền không đủ. Còn cầu, đường vẫn “bài ca muôn thuở”: Xuống cấp,  thậm chí chờ sập...

Theo một báo cáo của ngành GTVT gần đây, cả nước hiện có 223.059 km đường bộ và  hàng  nghìn  cây cầu các loại. Để duy tu và bảo trì các hạng mục này, kể từ năm 2005 đến nay, năm nào, ngân sách Nhà nước cũng chi cho Bộ GTVT khoảng 1.000 tỷ đồng (năm 2007, số tiền dành cho khoản này là hơn 1.500 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, hàng năm các địa phương cấp tỉnh, thành phố cũng cấp từ tiền ngân sách khoảng 8 - 20 triệu đồng/ km cho các tuyến tỉnh lộ; đường đô thị và đường liên huyện từ 3 - 5 triệu đồng/km...

Chỉ làm phép tính đơn giản, mỗi năm, việc duy tu, bảo trì đã tiêu tốn của Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.  

Tiền đầu tư duy tu, bảo trì thì nhiều nhưng hầu hết các đơn vị quản lý đường bộ (năm 2005, chuyển sang hoạt động theo mô hình Cty cổ phần) lại chỉ chú trọng đến xây dựng hạ tầng cầu đường.

Trong hội nghị quản lý - bảo trì đường bộ gần đây, Cục trưởng Đường bộ Mai Văn Đức, cho biết: Kiểm tra một số đơn vị, tình trạng quản lý cầu, đường ở nhều nơi còn buông lỏng. Nhiều cây cầu thép khô mỡ, gỉ sét, mũ trụ đọng đất, mố cầu đầy rác che lấp, cỏ mọc um tùm...

Cùng với quan điểm của Cục trưởng Đường bộ VN, nhiều chuyên gia ngành GTVT cũng khẳng định, đây cũng là nguyên nhân khiến cho công trình bị hư hại, xuống cấp.

Trong khi dư luận đang lo lắng trước hàng loạt cây cầu yếu chờ sập như cầu Đồng Nai, cầu Hương An (Quảng Nam), Nam Ô (Đà Nẵng), cầu Do và Cầu Vó (Ninh Bình)...

Chính Cục Đường bộ cũng đã thống kê cả nước có khoảng 200 cầu yếu (trong tổng số 4.000 cầu) đã bị hư hỏng nặng về kết cấu công trình và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Mỗi năm hơn 1.500 tỷ đồng vẫn không đủ?

“1.537,2 tỷ đồng cho năm 2007 để bảo trì các tuyến quốc lộ mới chỉ đáp ứng được 51,9% nhu cầu” là ý kiến của ông Đức khi diễn giải lý do cầu yếu, đường xấu vẫn tồn tại.

Theo đó, thiếu vốn dẫn tới tình trạng phân bổ kinh phí cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất... trở nên khó khăn.

Ông Đức cũng kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng quỹ bảo trì đường bộ quốc gia. Phó giám đốc Sở GTCC Hà Nội Trần Danh Lợi bổ sung: “Vốn dành cho bảo trì đường bộ mới chỉ đáp ứng từ 30 - 40% nhu cầu. Trong khi Nghị quyết 32 yêu cầu phải khẩn trương kiềm chế TNGT, khắc phục ùn tắc giao thông nhưng với thực tế đầu tư như hiện nay thì không dễ”.

Tuy nhiên, có một thực tế cho thấy, những bất cập trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ hiện nay có phần bắt nguồn từ sự yếu kém trong quản lý của ngành GTVT.

Chỉ cần đánh giá qua sự biến đổi mô hình quản lý của Cục Đường bộ sẽ thấy ngay vấn đề: Sau nhiều lần thay đổi từ hoạt động công ích đến vừa công ích và đấu thầu, lại đến cổ phần hóa... và cho đến nay, Cục Đường bộ (đơn vị được giao quản lý trên 17.000 km quốc lộ) vẫn lúng túng trong việc xây dựng mô hình quản lý phù hợp.

Nhiều chuyên gia ngành GTVT cho rằng, Cục Đường bộ không nên quản lý quá nhiều việc liên quan tới bảo trì đường bộ, mà nên phân cấp mạnh cho địa phương.

Phát biểu tại hội nghị quản lý - bảo trì đường bộ ngày 28/10 vừa qua, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng nói không thể cứ kêu mãi chuyện thiếu vốn trong khi điều kiện ngân sách hiện chưa thể đáp ứng công tác trên.

Do đó, cần tập trung vào vấn đề thể hiện ở vai trò quản lý nhà nước. Lâu nay, việc quản lý, bảo dưỡng đường bộ đã bị coi nhẹ. Ông Dũng nói: “Thời gian qua, Bộ GTVT đã chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý, bảo trì đường bộ mà chỉ mải theo đuổi các dự án xây dựng cơ bản”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.