Đường sắt cao tốc Bắc - Nam vượt xa 56 tỷ USD

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam vượt xa 56 tỷ USD
TP - Nhiều ý kiến cho rằng khi xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, kinh phí xây hầm, cầu cạn, cầu vượt sông, cầu ở các nút giao thông với đường bộ sẽ khiến tổng mức đầu tư ban đầu vượt xa dự kiến.

Báo cáo thẩm tra Tờ trình dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh cho biết như trên.

Báo cáo về Dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT), Bộ trưởng GT-VT Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Nếu không xây dựng ĐSCT, nhu cầu vận tải hành khách Bắc - Nam đến 2030 sẽ vượt năng lực của các loại hình vận tải là 57 triệu hành khách/năm (tương đương 156.000 khách/ngày).

Cho rằng ĐSCT có nhiều ưu điểm, Chính phủ đã đề xuất lựa chọn phương án 4 (trong 4 phương án nghiên cứu): Nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách địa phương, đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ 300 km/h. Chuyên chở hành khách (vận tốc thiết kế 350 km/h). Về qui mô, sẽ chọn hướng tuyến ít hầm, chi phí thấp hơn.

Điểm đầu tại Hà Nội là ga Ngọc Hồi, tại TPHCM là ga Bình Triệu. Toàn tuyến có 27 ga. Dự án được phân kỳ đầu tư, đến 2020 đưa vào khai thác đoạn từ Hà Nội - Vinh; Nha Trang - TPHCM và giai đoạn thứ hai đến 2030 xây dựng đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng. Hoàn thành toàn tuyến vào 2035.

Theo Chính phủ, tổng mức đầu tư của Dự án sơ bộ là gần 56 tỷ USD. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói: “Suất đầu tư 35,6 triệu USD/km thuộc loại trung bình khi so sánh với suất đầu tư ĐSCT tính cho 1km đường sắt Bắc Kinh - Thượng Hải là 24,3 triệu USD, Đức 47,2 triệu USD, Hàn Quốc 52,9 triệu USD, Pháp 22,2 triệu USD”.

Có ý kiến cho rằng với việc xây dựng chủ yếu là hầm, cầu cạn, cầu vượt sông, cầu ở các nút giao với đường bộ thì tổng mức đầu tư sẽ vượt xa so với dự kiến” - Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ và Môi trường (UBKHCN-MT) Quốc hội Đặng Vũ Minh cho biết.

Ông Đặng Vũ Minh nhận định, từ nay đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư cho đường sắt là khoảng 70 tỷ USD, tính chung toàn ngành giao thông vận tải lên tới gần 160 tỷ USD thì vấn đề vốn cho ĐSCT là một thách thức lớn, nhất là hiện nay nợ nước ngoài của Chính phủ đã ở mức trên 42% GDP, tích lũy nội địa và dự trữ ngoại tệ thấp thì việc vay thêm để đủ vốn đầu tư cho Dự án này sẽ làm gánh nặng nợ quốc gia tăng lên đáng kể.

“Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường rất lo ngại về khả năng huy động nguồn vốn lớn như vậy”- Ông Minh nói.

Đường sắt hiện có ra sao

Theo UBKHCN&MT, bên cạnh sự đồng thuận, còn có ý kiến đề nghị xem xét lựa chọn phương án nâng cấp tuyến đường hiện tại, đồng thời xây dựng mới tuyến đường đôi khổ 1,435m, tốc độ giai đoạn 1 là 200km/h. Khi đủ điều kiện sẽ phát triển thành đường sắt cao tốc với tốc độ 300km/h.

So với phương án Chính phủ đề nghị, phương án này sẽ giải quyết được việc vận chuyển cả hành khách và hàng hóa, chi phí ban đầu thấp hơn, không gây áp lực lớn về vốn và sẽ khả thi hơn. “Nhiều thành viên Ủy ban đề nghị Chính phủ làm rõ việc đầu tư xây dựng mới đường sắt cao tốc thì phương án đầu tư, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có như thế nào, chức năng vận chuyển và mối liên hệ giữa tuyến đường sắt hiện có với đường sắt cao tốc khi đi vào khai thác” - Chủ nhiệm Ủy ban, ông Đặng Vũ Minh nói.

“Tuyến đường dài 1.570 km, trong đó cầu cạn dài 1.043 km (chiếm 67%), cầu vượt sông và đường bộ là 46 km (chiếm 3%), hầm 117 km (chiếm 7%), còn lại là nền đường đào đắp dài 364 km chiếm 23%. Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 4.170 ha đất và 9.480 hộ cần tái định cư”.

Nguồn Báo cáo Chính phủ
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Phân kỳ cho hợp lý
Ông Phùng Quốc Hiển
Ông Phùng Quốc Hiển.
Dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia đang nằm trong mức an toàn cho phép, dưới 50% GDP. Nhưng, mức tăng dư nợ Chính phủ là nhanh, mỗi năm tăng từ 3 - 4%. Chúng ta sắp tới giới hạn cho phép rồi vì năm 2010 dự tính dư nợ Chính phủ đã lên tới 44,6% GDP. Chỉ còn một khoảng rất ngắn nữa là tới sát mức an toàn. Bội chi ngân sách trong hai năm vừa qua đều vượt quá giới hạn cho phép rồi. Chúng ta đặt ra kế hoạch trung hạn là bội chi ngân sách dưới 5%, nhưng năm 2009 đã lên tới 6,9% và năm nay dự kiến 6,2%.

Mục tiêu đến năm 2030 chúng ta là nước công nghiệp phát triển trung bình. Trong khi, vận tải hành khách Bắc - Nam đang mất cân đối nghiêm trọng. Do vậy, nhu cầu đầu tư một tuyến đường sắt cao tốc là hợp lý. Nhưng vấn đề là phân kỳ đầu tư như thế nào để vừa sức chúng ta.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng.
Bộ trưởng Bộ GT - VT Hồ Nghĩa Dũng: Đối tác đang chờ Quốc hội quyết

Dự án cũng đưa ra 4 phương án, trong đó có phương án mở rộng đường, nhưng chúng tôi đã phân tích, khổ đường hiện nay 1 m, nếu chúng ta mở ra 1,435 m, đồng nghĩa phải dừng dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam. Ngoài ra, mở tuyến hiện tại ra 1,435 m thì phải có thêm một tuyến đường 1,435 bên cạnh. Với hành lang của tuyến đường sắt hiện nay và phải giải phóng để làm thêm một đường sắt 1,435 m nữa là bất khả thi, lại còn tốn hơn nữa.

Nếu Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì nhiệm vụ sắp tới phải bàn cụ thể với đối tác là khả năng mình vay được vốn như thế nào, lãi suất ra sao, thời gian vay bao lâu... Đối tác cũng đang chờ xem Quốc hội có thông qua chủ trương đầu tư hay không thì họ mới trao đổi sâu về vấn đề này.

Xét về tổng thể, đầu tư cho giao thông vận tải mới chiếm 7% tổng đầu tư xã hội, trong khi theo kinh nghiệm quốc tế, mức này khoảng 15%. Nếu thêm dự án đường sắt cao tốc thì đầu tư cho GT - VT khoảng 15%, vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Chính phủ, không ảnh hưởng đến các nội dung đầu tư khác.

MỚI - NÓNG