Đường sắt lên các phương án để hành khách có Tết

Hành khách lên tàu
Hành khách lên tàu
TP - Theo lãnh đạo ngành đường sắt, hiện mọi phương án về vận tải hành khách, ứng phó sự cố chạy tàu đều đã được tính tới, đảm bảo an toàn cho mọi người về quê đón Tết.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội Phùng Thị Lý Hà cho biết, mọi phương án, công tác chuẩn bị cho vận tải đường sắt dịp Tết đều được chuẩn bị và triển khai tới từng nhân viên. Với hành khách, các tổ tàu đều có bộ phận hỗ trợ, trường hợp ốm đau đột xuất đều được lên kịch bản và giao nhiệm vụ để thực hiện. “Thậm chí, khách có sinh nở trên tàu cũng có bộ phận y tế hỗ trợ đỡ đẻ. Đường sắt đã đỡ đẻ thành công rất nhiều trường hợp trên tàu”, bà Lý Hà nói.

Ngoài ra, trong đêm 30 Tết, những đoàn tàu chạy vào giờ giao thừa, nhà tàu sẽ tổ chức Tất niên ngay trên tàu. Tổ lái tàu sẽ có các hoạt động như cắt bánh chưng, mừng tuổi hành khách... đảm bảo ấm cúng như ở nhà. “Chúng tôi đảm bảo không ai không có Tết, kể cả nhân viên đường sắt và hành khách”, bà Lý Hà nói thêm.

Bà Lý Hà cũng khuyến cáo hành khách, đặc biệt là hành khách mua vé không phải từ đại lý của ngành đường sắt nên kiểm tra vé trước khi ra tàu để tránh rủi ro mua phải vé giả. Theo đó, mỗi vé đều có mã riêng, hành khách có thể vào các trang bán vé trực tuyến, tại các ga, hoặc gọi tổng đài để kiểm tra thông tin vé.

Theo lãnh đạo Đường sắt Hà Nội, trong những ngày Tết, đơn vị vẫn khai thác 7 đôi tàu thường xuyên, cả Bắc - Nam và các khu đoạn. Đặc biệt, trong 3 ngày Tết, các tàu khu đoạn sẽ được tăng cường nhiều hơn. “Dù ngày Tết, hành khách cũng không lo thiếu tàu”, bà Lý Hà chia sẻ. Hiện, vé tàu những ngày cao điểm đã cơ bản được bán hết. Cụ thể, các đoàn tàu Nam ra Bắc hiện đã gần bán hết vé tới 30 Tết, chặng Bắc vào Nam từ Tết tới ngày mùng 10 tháng Giêng cũng còn rất ít. Dù vậy, một số hành khách đã đặt vé nhưng thay đổi lịch nên trả lại, những vé này vẫn được bán ra.

Về đảm bảo vận hành đường sắt an toàn, ứng phó kịp thời các sự cố, tai nạn, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, từ đầu tháng 12/2018, VNR đã triển khai kế hoạch xuống các đơn vị. Theo ông Hoạch, các đơn vị thành viên đều phải có kế hoạch dự phòng, nhân sự, trang thiết bị đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, cứu nạn.

Đặc biệt, với những vấn đề tồn tại, nổi cộm ảnh hưởng tới an toàn chạy tàu, như: Kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra nồng độ cồn với các chức danh trực tiếp làm công tác chạy tàu; bố trí nhân lực cảnh giới tại các vị trí đường ngang giao cắt. Ngoài ra, các công ty bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt cũng tổ chức trực chốt tại các vị trí xung yếu về an toàn, đèo dốc, cảnh giới tại các điểm giao cắt nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Việc thi công trên đường sắt phải tạm dừng từ ngày 23/1 đến 22/2/2019...

VNR cho biết, do ảnh hưởng bởi sự cố tàu SE1 trật bánh rạng sáng 27/1 (tại Bình Thuận), một số đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 28/1 tiếp tục bị ảnh hưởng. Theo đó, có 9 đoàn xuất phát chậm so với kế hoạch từ 15 phút tới 5 tiếng, như: SE2, SE20 chậm 2 tiếng; SQN6 chậm 3 tiếng; SQN4 chậm 5 tiếng...

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.