Eminence và lời hứa bị bỏ rơi ở Hà Tĩnh

Eminence và lời hứa bị bỏ rơi ở Hà Tĩnh
TP - Theo những văn bản còn lưu lại ở UBND tỉnh Hà Tĩnh thì đại diện Tập đoàn Eminence của ông Dương Vũ Thông đã làm việc với lãnh đạo Hà Tĩnh 5 lần. (Không kể 2 lần ông Dương Vũ Thông gặp ông Trần Đình Đàn - Bí thư Tỉnh ủy).
Eminence và lời hứa bị bỏ rơi ở Hà Tĩnh ảnh 1
Buổi họp báo do Eminence tổ chức tại Hà Nội

Theo những văn bản còn lưu lại ở UBND tỉnh Hà Tĩnh thì đại diện Tập đoàn Eminence của ông Dương Vũ Thông đã làm việc với lãnh đạo Hà Tĩnh năm lần. (Không kể hai lần ông Dương Vũ Thông gặp ông Trần Đình Đàn - Bí thư Tỉnh ủy).

Khởi đầu, ngày 20/9/2006, ông Hồ Quốc Phi – Vụ phó Vụ Thương mại miền núi và mậu dịch biên giới (Bộ TM) dẫn ông Dương Vũ Thông và những người tùy tùng cùng vào Hà Tĩnh làm việc, hai bên đồng ý ký biên bản ghi nhớ theo những điều khoản như sau:

“Điều 1: Phía Tập đoàn Eminence dự kiến đầu tư tại Hà Tĩnh một liên hợp Nhà máy luyện gang thép hiện đại theo hình thức BOT, với tổng sản lượng 12.000.000 tấn thép/năm, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, tổng diện tích sử dụng đất 2.000 ha và một hệ thống công trình phụ trợ hoàn chỉnh: Cảng biển nước sâu; Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Hệ thống trường học từ nhà trẻ đến Đại học; Bệnh viện; Khách sạn 5 sao; Công trình nghỉ ngơi giải trí…

Điều 2: UBND tỉnh Hà Tĩnh hoan nghênh và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho dự án đầu tư này…”.

Sau đó hơn 10 ngày, Tập đoàn Eminence đã trở lại Hà Tĩnh khẳng định lại quyết tâm của mình và đề xuất phiên làm việc thứ ba vào ngày 12/10/2006 tại Văn phòng BQL Khu kinh tế Vũng Áng.

Được hỏi vì sao sau 5 lần làm việc với khá nhiều văn bản được ghi nhớ và ký kết hứa hẹn của nhà đầu tư mà phía Hà Tĩnh không có lời quảng bá nào trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và Trung ương, đại diện của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Sau vài lần làm việc thấy rằng những điều mà phía Eminence đưa ra chỉ là những ý tưởng suông, không có tính khả thi. Hà Tĩnh không đủ niềm tin vào dự án này nên không công bố.

Phía tập đoàn Eminence có bốn thành viên gồm: Ông: Huang Chien Da - Tổng đại diện Tập đoàn tại Việt Nam - Thành viên Hội đồng Quản trị; Ông Tan Tee Lian - Thành viên HĐQT; Ông Tan Tee Choon - Thành viên HĐQT; Ông Lý Kiến Nam - Cố vấn cao cấp.

Phía nhà đầu tư đề xuất được thuê thêm 2.400 ha trong Khu kinh tế Vũng Áng để xây dựng Khu liên hợp luyện gang thép; 2.000 ha để xây dựng các Dự án hạ du và 4.000 ha xây dựng Khu đô thị.

Như vậy số đất mà tập đoàn này đề nghị được sử dụng tại tỉnh Hà Tĩnh là 8.400 ha. Cùng với bản ghi nhớ được ký kết, phía Tập đoàn Eminence đã đưa ra một tài liệu gồm 9 trang giấy A4 bao gồm:

Bản giới thiệu tình hình chuẩn bị nguyên liệu trong đó ghi rõ lượng quặng sắt lấy từ các mỏ chủ yếu ở Indonesia và Brazil mỗi năm 20.000.000 tấn và cung ứng đầy đủ nhu cầu trong 30 năm...

Mỏ than đá và than cốc lấy ở Trung Quốc và Indonesia mỗi năm 6.000.000 tấn bảo đảm cung ứng trong vòng 30 năm; Tình hình chuẩn bị mỏ sắt ở Indonesia trong vòng 2 tháng có thể khai thác ở 5 khu mỏ, trữ lượng 400.000.000 tấn.

Trong vòng 4 tháng có thể khai thác 3 mỏ khác trữ lượng 150.000.000 tấn. Trong vòng 6 tháng có thể khai thác 2 khu mỏ khác trữ lượng 120.000.000 tấn. Hàm lượng sắt đạt 60%.

Ở Brazil trong vòng 6 tháng có thể khai thác 2 khu mỏ trữ lượng 150.000.000 tấn với hàm lượng sắt đạt 63,5%. Về nguyên liệu than trong vòng 6 -8 tháng có thể khai thác đến 8 khu mỏ ở Trung Quốc có trữ lượng 200.000.000 tấn.

Văn bản còn giới thiệu về thị trường phân phối sản phẩm giai đoạn 1 từ tháng 7/2007 - 7/2009 lượng thép HRC sản xuất đạt 3.000.000 tấn/ năm. Trong đó nội tiêu tại Việt Nam là 1.000.000 tấn, ngoại tiêu 1.200.000 tấn. Giữ lại 800.000 tấn dùng làm nguyên liệu CRC.

Giai đoạn 2 từ 1/2010 - 12/2011 sản xuất lượng thép HRP đạt 1.500.000 tấn/năm trong đó nội tiêu tại Việt Nam /800.000 tấn và ngoại tiêu 700.000 tấn: Sản lượng thép WR đạt 1.000.000 tấn/năm trong đó nội tiêu 500.000 tấn và ngoại tiêu 500.000 tấn. Sản lượng Billet đạt 500.000 tấn/ năm dùng cho nội tiêu.

Giai đoạn 3 từ 7/2010 - 6/2014 sản lượng thép HRC đạt 3.000.000 tấn/ năm trong đó nội tiêu 700.000 tấn và ngoại tiêu 1.500.000 tấn, giữ lại 800.000 tấn dùng làm nguyên liệu CRC… và một loạt chỉ tiêu khác.

Văn bản còn ghi một loạt khách hàng của thị trường châu Á có đến 105 Cty tiêu thụ sản phẩm chia bình quân trên 800.000 tấn/ Cty. Khối thị trường Âu Mỹ có 70 Cty bao tiêu, trung bình mỗi Cty trên 300.000 tấn/năm...

Về đề án xây dựng công trình: Phía Tập đoàn Eminence đã đưa ra 7 Cty; trong đó 3 Cty xây dựng của Trung Quốc, 2 Cty xây dựng của Nhật Bản và 2 Nhà máy gang thép khác.

Về nguồn vốn và chủ đầu tư phía Tập đoàn Eminence đưa ra danh sách: Các ngân hàng và Cty tài chính sẽ tham gia: Ngân hàng Thế giới (IFC); Ngân hàng ADB; Deutsche Bank (Anh); Bayern LB (Đức); West LB (Đức); First Bank (Đài Loan) và 2 Cty tài chính có đẳng cấp thế giới là: TFR và RSF.

Chủ đầu tư: 1. Hai nhà máy thép chính châu Á; 2. Ngân hàng chính mang tính Quốc tế; 3. 5 khách hàng hạ du chính. (Trích nguyên văn – PV).

Sau khi soạn thảo những văn bản này gửi lại UBND tỉnh Hà Tĩnh, cuối năm 2006 và đầu 2007 Tập đoàn Eminence còn yêu cầu phía Hà Tĩnh tiến hành thêm 2 phiên làm việc tại Hà Nội để bàn bạc thống nhất kế hoạch triển khai dự án.

Đầu tháng 2/2007 Tập đoàn Eminence đã có Công văn gửi lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và xếp lịch làm việc vào ngày 9/3/2007.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã sẵn sàng chuẩn bị mọi thủ tục và chờ đợi nhà đầu tư. Bất ngờ ngày 6/3/2007 UBND tỉnh Hà Tĩnh nhận được Công văn của đại diện Tập đoàn Eminence do ông Huang Chien Da ký thông báo là họ chưa thể vào và xin hoãn đến khoảng ngày 20/3 sẽ nối lại chương trình làm việc.

Rồi ngày 20/3 lặng lẽ qua đi chẳng thấy nhà đầu tư của Tập đoàn Eminence quay lại. Đây cũng là lời hẹn cuối cùng bằng văn bản của nhà đầu tư Eminence. Họ đã ra đi và không có hồi âm gì. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.