Đại sứ Markus Cornaro - Trưởng phái đoàn châu Âu tại Việt Nam:

“EU nỗ lực thúc đẩy trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam”

“EU nỗ lực thúc đẩy trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam”
Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Thương mại) cho biết: Bộ Thương mại đang gấp rút hoàn tất bản giải trình các tiêu chí cụ thể mà EU đề ra để trao cho Việt Nam quy chế nền kinh tế thị trường.
“EU nỗ lực thúc đẩy trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam” ảnh 1

Nếu được công nhận Việt Nam sẽ được lợi gì? Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Markus Cornaro-Trưởng phái đoàn châu Âu tại Việt Nam.

Thưa ông, với tần số những vụ kiện Việt Nam bán phá giá trong thời gian vừa qua, thì có vẻ như Việt Nam đang là mục tiêu được “ưa chuộng” của Hoa Kỳ, Canada và EU?

Tôi cho rằng, các nước không cố tình chọn Việt Nam để điều tra bán phá giá. Nói chính xác hơn, bất kỳ quốc gia nào có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nói chung đều là đối tượng nghiên cứu kỹ lưỡng của các vụ điều tra bán phá giá.

Tôi cũng xin khẳng định rằng không phải cứ những nước được coi là đã có nền kinh tế thị trường rồi thì ít gặp phải những vụ điều tra chống bán phá giá, hoặc là gặp phải thì dễ dàng giải quyết hơn so với những nước được coi là nền kinh tế phi thị trường.

Là người đã ở Việt Nam một thời gian, và nếu ông đã có dịp đi về các vùng nông thôn, ông sẽ thấy là những người nông dân sản xuất đường hoặc là ngô ở Việt Nam nếu so với những tập đoàn nông sản ở EU hoặc Hoa Kỳ, thì chẳng khác nào chú bé so với người khổng lồ?

Thực tế đúng là ngành sản xuất đường ở cả EU và Hoa Kỳ hiện nay đều được trợ giá nhiều của chính phủ. Tuy nhiên, EU gần đây đã có quyết định cải cách rất mạnh mẽ trong lĩnh vực nông sản theo hướng giảm dần hoặc xoá bỏ trợ cấp, đặc biệt là trong ngành sản xuất đường và ngô.

Nông dân bắt đầu chuyển đổi sang các ngành sản xuất khác. Xin lưu ý là các chính sách trợ giá nông sản của EU không xuất phát chủ yếu từ mục đích thương mại mà là những chính sách xã hội và bảo vệ môi trường.

Hiện nay đối với các vụ điều tra bán phá giá thì EU đang dành cho Việt Nam “quy chế đệm”, ông có thể giải thích rõ hơn về quy chế này?

Trong khi chúng tôi đang nỗ lực đạt tới mục đích cuối cùng để công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, thì chúng tôi vẫn coi Việt Nam là một nền kinh tế thị trường đang trong giai đoạn chuyển đổi.  Nghĩa là chúng tôi xem xét từng trường hợp một, từng Cty cụ thể bị kiện bán phá giá để đánh giá xem Cty đó có hoạt động theo cơ chế thị trường hay không? Chứ không đơn phương áp đặt ngay đối với một nước hoàn toàn bị coi là kinh tế phi thị trường.

Một nước lớn ngay bên cạnh các bạn là Trung Quốc vẫn chưa được chúng tôi công nhận là có nền kinh tế thị trường và thậm chí không được áp dụng là nền kinh tế thị trường đang chuyển đổi như các bạn. Với mỗi vụ kiện cụ thể, điều quan trọng phụ thuộc vào Cty bị kiện có đưa ra được bằng chứng để chứng minh mình “vô tội” hay không?

Vấn đề EU xem xét trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam có được đặt trọng tâm trong cuộc họp của “Nhóm công tác về thương mại và đầu tư” Việt Nam-EU sắp tới?

Về vấn đề trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, đã có một vòng trao đổi đầu tiên. Sau khi Việt Nam đề nghị EU xem xét trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam, EU đã gửi đến Chính phủ Việt Nam tất cả các tiêu chí cần thiết và Việt Nam cũng đã có một bản trả lời, sau khi nghiên cứu bản trả lời đó  EU đã gửi tiếp những câu hỏi cụ thể hơn.

Ông Phạm Văn Minh-Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, Bộ Thương mại:

Thời điểm trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Liên minh EU, tuy nhiên những động thái gần đây của EU và trực tiếp là của Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam cho thấy Việt Nam có rất nhiều triển vọng để được hưởng quy chế nói trên. Nếu như được hưởng quy chế trên, cái được đầu tiên của Việt Nam là về uy tín, sau đó nữa là những thuận lợi trong việc xuất khẩu vào EU của các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ được đối xử “công bằng” hơn, ví như vấn đề điều tra bán phá giá                                              

Hiện nay chúng tôi chưa nhận được bản trả lời tiếp theo. Kịch bản sẽ là khi chúng tôi đã hoàn thành việc thu thập tài liệu, và nghiên cứu bản trả lời, sau một số vòng như thế, EU và Việt Nam sẽ ngồi lại giải quyết vấn đề trực tiếp. Tôi khẳng định là EU cũng mong muốn sớm kết thúc việc đánh giá và chúng tôi cũng đang nỗ lực hết sức thúc đẩy quá trình này.

Vấn đề trên cũng sẽ là một chủ đề trong cuộc họp của nhóm công tác, nhưng bên cạnh đó còn nhiều chủ đề song phương khác như thảo luận việc thực thi hiệp định ký tắt giữa Việt Nam và EU tháng 12/2004 về tiếp cận thị trường và dỡ bỏ hạn ngạch dệt may cho Việt Nam, hỗ trợ kỹ thuật trong thương mại, vai trò của Việt Nam trong hội nhập kinh tế ASEAN và quan hệ hợp tác liên khu vực ASEAN và EU.

Cuộc họp của nhóm công tác sẽ diễn ra ngay trước cuộc gặp của các bộ trưởng kinh tế ASEAN tại Hạ Long. Đặc biệt là Cao uỷ Thương mại châu Âu Peter Mandelson sẽ sang Việt Nam dự hội nghị ASEAN-EU.

Ông bình luận thế nào về khả năng gia nhập WTO của Việt Nam vào cuối năm nay?

Đó là một mục tiêu khá tham vọng, nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng mục tiêu đó sẽ thành công nếu như Chính phủ Việt Nam và các đối tác đàm phán duy trì được các nỗ lực như hiện nay.

Xin cảm ơn ông! 

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.