EVN cam kết : Không cắt điện!

EVN cam kết : Không cắt điện!
"EVN cam kết sẽ không cắt điện nhưng kêu gọi người dân tiết kiệm tối đa", đó là nội dung chủ yếu của cuộc họp báo chiều 29/4/2005, do Tổng Cty điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức.

Những điều kiện thực tế như thiếu nước nghiêm trọng, tăng phụ tải, sử dụng điện lãng phí cũng như các cam kết hoàn thiện một số nhà máy điện chậm hơn so với tiến độ, vẫn đang gây sức ép đến sự cân đối điện trong những ngày vừa qua và còn tiếp diễn.

Cả nước hiện có khoảng 12,4 triệu hộ sử dụng điện. Nếu mỗi gia đình tiết kiệm bằng cách tắt bớt một bóng đèn neon 40W thì cả nước giảm được gần 500 MW (bằng công suất phát 2 tổ máy NMTĐ Hoà Bình). Nếu giảm sử dụng 50% thiết bị trang trí trong nhà và ngoài trời thì sẽ giảm được khoảng 200MW. 

Theo EVN, do thiếu hụt khoảng 30-80% lượng nước nên sản lượng thuỷ điện phát chỉ chiếm 21% sản lượng toàn hệ thống, thấp hơn 7% so với cùng kỳ năm 2004. Riêng hồ Hoà Bình và Thác Bà thiếu hụt 1.840 triệu m3; hồ Trị An, Thác Mơ và Đa Nhim nước về thấp nhất trong hơn 50 năm qua.

Trong khi thủy điện thiếu hụt thì nguồn điện sản xuất từ khí cũng bị cắt giảm do sản lượng khí năm 2005 bị hụt rất lớn. Trong tháng 3/2005 còn 3 tua bin khí nhà máy Phú Mỹ 1-2 và 1 tua bin khí nhà máy Phú Mỹ 4 với tổng công suất 600 MW không có khí để chạy.

Trong khi đó, tin từ Tổng Cty than Việt Nam (TVN) cho biết, 2 nhà máy do TVN đầu tư xây dựng là Cao Ngạn, Na Dương phải chờ đến 16/5 và cuối tháng 5 mới đốt lò phát điện được, do chậm tiến độ thi công.

 Nhà máy Formosa  (của nước ngoài xây dựng) cũng rất muốn khắc phục sớm sự cố để bán điện trong thời điểm nước sôi lửa bỏng này, nhưng cũng phải chờ đến giữa tháng 5 mới khắc phục được.

Thực tế này vẫn đẩy ngành điện đứng trong thế khó khăn để cân đối giữa một bên, nhu cầu sử dụng điện tăng cao (phụ tải hệ thống điện quốc gia tăng trưởng với tốc độ cao, sản lượng trung bình ngày quý I/2005 tăng 14,5% so với năm 2004), một bên là khả năng cung cấp đang gặp căng thẳng, chi phí rất lớn . Quý I/2005, EVN đã lỗ 294 tỷ đồng do giá nhiên liệu tăng và mua điện giá cao.

Trả lời câu hỏi “Liệu có phải cắt điện trong thời gian tới?”, ông Đào Văn Hưng-Tổng giám đốc EVN khẳng định: Tình trạng thiếu nước còn trầm trọng, song theo dự tính của EVN thì sự mất cân đối lớn về điện có thể không xảy ra, những thiếu hụt thuỷ điện có thể bù đắp bằng nguồn điện từ than, dầu, mua bên ngoài… EVN sẽ cố gắng đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong mùa khô năm 2005.

Ông Hưng cũng cho biết, đến thời điểm này, EVN không có kế hoạch ngừng phát điện thủy điện Hoà Bình; trường hợp lũ tiểu mãn không về trong nửa cuối tháng 5/2005, EVN sẽ giảm khai thác thủy điện hồ Hoà Bình xuống 6 triệu kwh/ngày so với dự kiến khai thác 8-9 triệu kwh/ngày, tính đến ngày 10/5/2005.

EVN cũng đang dự kiến sẽ đẩy mạnh khai thác nguồn điện từ khí, than, dầu để chờ đến giữa tháng 5, (khi có 3 nhà máy điện Na Dương, Cao Ngạn, Formosa vào hoạt động) sẽ có thêm 3500 MW nữa. EVN đã có kế hoạch dự phòng công suất cho các tháng tiếp theo.

Phải tiết kiệm mới đủ điện tiêu dùng

Cuộc họp báo tại “thủ phủ” của cơ quan điều hành điện ngày 29/4 đã không bật máy điều hoà nhiệt độ để tiết kiệm điện. Ông Đào Văn Hưng đề nghị báo chí kêu gọi mọi người tiết kiệm điện trong mọi trường hợp.

 Ông Hưng đưa ra tính toán để chỉ ra lý do cần tiết kiệm điện: đầu tư công suất để phục vụ điện trong giờ cao điểm hiện nay đang gây thiệt hại rất lớn. Để phục vụ được 1000 MW trong giờ cao điểm, thì sẽ mất số vốn đầu tư 1 tỷ USD. Bên cạnh đó điện dự phòng các tháng hiện không cao-chưa đầy 1 tỷ kwh…

Ngay trong những ngày tới, để không phải cắt điện, EVN đã đề nghị Tổng Cty dầu khí tăng công suất khí lên 11,4-13,2 triệu m3 ngày trong năm 2005 và tăng 15 triệu m3/ngày vào năm 2007 theo đúng thoả thuận.

Ưu tiên cấp cho các nhà máy điện của EVN và các nhà máy xây dựng theo BOT để sản xuất điện trong mùa khô. EVN cũng sẽ không sửa chữa các nguồn nhiệt điện than, tua bin khí, nhiệt điện dầu FO trong các tháng 5-6.

Ngoài ra EVN tăng cường mua điện của Trung Quốc thêm 100 MW từ tháng 7/2005, tại Hà Giang, Quảng Ninh.

Hiện nay EVN đang gặp khó khăn trong đàm phán vay tiền đầu tư vì khoản lỗ đang tăng nhanh. Một số dự án sản xuất điện bị chậm tiến độ (như các nhà máy Ô Môn, Hải Phòng…)

Tuy nhiên, ông Đào Văn Hưng cũng tiết lộ: EVN vẫn đang triển khai một số dự án điện lớn và đã đề nghị Chính phủ có ý kiến với các ngân hàng thương mại cho vay vốn đề đầu tư 3 dự án xây dựng nhà máy điện. Do đó, từ năm 2008, khả năng sẽ sản xuất được nhiều điện hơn để phục vụ phát triển, ít gặp nguy cơ đe doạ phải cắt điện như hiện tại.

MỚI - NÓNG