Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri:

EVN lãi 0% là mừng lắm rồi!

Công nhân Công ty Điện lực đang đấu nối cáp điện trên phố Khâm Thiên - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
Công nhân Công ty Điện lực đang đấu nối cáp điện trên phố Khâm Thiên - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Trả lời câu hỏi của báo chí chiều 6/3, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri cho biết, với mức tăng giá điện 7,5%, dự kiến năm 2015, doanh thu của EVN tăng thêm 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1.500 tỷ đồng (tương ứng lợi nhuận 1%). Giá điện nếu tính đúng, tính đủ, phải tăng 12,8%.

Giá điện tăng 12,8% mới đủ!

Được biết, Thường trực Chính phủ quyết phương án tăng giá điện ở mức 7,5% là căn cứ theo đề xuất của EVN. Vậy căn cứ nào để EVN đưa ra phương án đề xuất trên?

Theo Quyết định 69 của Chính phủ, EVN hằng tháng phải tính toán các chi phí đầu vào. Từ tháng 1/8/2013 đến nay, chúng tôi chưa tăng giá điện lần nào. Tháng 1/2015 chúng tôi có tờ trình cuối cùng về chi phí đầu vào tăng thêm trên 12%. Cụ thể, chi phí đầu vào của giá điện làm EVN tăng chi phí khoảng 10.941 tỷ đồng, trong đó giá than trên 4.400 tỷ đồng, giá khí vượt bao tiêu tăng thêm hơn 3.300 tỷ đồng…

EVN đã trình lên Bộ Công Thương 3 phương án với mức tăng lần lượt: 7,5%, 8,5% và 9,5%. Mức xin tăng giá của EVN là 9,5% nhưng Chính phủ quyết định chỉ tăng 7,5% (tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh) từ ngày 16/3 tới. Thực tế, nếu tính đúng đủ thì giá điện phải tăng 12,8%.

Theo đánh giá của ngành điện, việc tăng giá 7,5% sẽ ảnh hưởng thế nào đến các hộ tiêu thụ?

Chúng tôi tính, hộ dùng dưới 100 số điện/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 5.000 đồng. Hộ dùng từ 100 đến 300 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 18.900 đồng/tháng. Các hộ dùng nhiều hơn phải trả thêm ít nhất 59.064 đồng/tháng. Với các hộ kinh doanh, tùy theo mức tiêu thụ, giá thành điện trong sản xuất sẽ tăng tối đa 0,6%. Chúng tôi không thể tính cụ thể cho tất cả các hộ kinh doanh.

Quan điểm của chúng tôi, các hộ sử dụng 100 số điện đầu tiên sẽ chịu mức tăng giá thấp thôi. Còn theo tính toán của Bộ Công Thương, giá điện tăng làm chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 tăng 0,36%, giá thành sản xuất phôi thép tăng 0,75%, giá thành sản xuất xi măng tăng 2,25%.

Theo quy định sau 3 tháng EVN có thể đề xuất tăng giá tiếp nếu các chi phí đầu vào có biến động. Vậy từ nay đến cuối năm 2015, liệu giá điện sẽ tiếp tục tăng?

Dự báo năm 2015 chi phí đầu vào của giá điện sẽ tương đối ổn định do tỷ giá, giá than không có nhiều thay đổi. Vì vậy, từ nay đến cuối năm sẽ không tăng giá điện. Tuy nhiên, khó có thể nói trước, nếu chi phí đầu vào biến động đột xuất, chúng tôi sẽ tiếp tục trình Bộ Công thương và Chính phủ xem xét.

Số tiền thu được từ tăng giá điện, EVN sẽ dùng cải tổ bộ máy cồng kềnh, tăng hiệu quả quản trị, giảm tổn thất truyền tải hay dồn hết vào trả nợ?

“Cũng theo tính toán của Bộ Công Thương, lần tăng giá này mới chỉ bằng 86%-87% so với mức trần tăng giá điện đã được Chính phủ phê duyệt. Như vậy giá điện còn “room” tăng khoảng 12%-13%. Tuần tới, Bộ Công Thương sẽ có thông tin cụ thể về việc điều chỉnh giá điện cho các nhóm đối tượng”.

Ông Đinh Quang Tri

Với EVN, lợi nhuận đạt 0% là chúng tôi mơ ước rồi. EVN không phải là DN đặt mục tiêu lợi nhuận mà là phục vụ xã hội. Nhưng nếu lỗ chúng tôi không thể vay vốn để đầu tư được. Nếu lợi nhuận tăng 1% thì năm 2015 EVN lãi 1.500 tỷ đồng. Nhưng tất cả các khoản lãi đó chúng tôi phải trích một phần lớn để đầu tư, khen thưởng phúc lợi. Khi chi phí tăng lên chúng tôi sẽ phải dùng số tiền đó để trả cho các nhà máy. Dự kiến doanh thu năm nay của EVN tăng thêm khoảng 13.000 tỷ đồng và lãi 1.500 tỷ đồng.

Từ năm 2014, Bộ Công Thương chưa cho EVN tính đầy đủ chênh lệch tỷ giá vào giá điện và phải dùng nguồn thu từ bán điện để bù đắp. Năm nay, sau khi tăng giá điện, dự kiến sẽ phân bổ 926 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá (trong số 8.000 tỷ đồng từ các năm trước) vào chi phí giá điện. Số còn sẽ đẩy vào chi phí của các năm sau.

EVN lãi 0% là mừng lắm rồi! ảnh 1 Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri:

Có ý kiến, do giá điện chưa minh bạch, EVN phải nuôi một bộ máy quá cồng kềnh, năng suất lao động thấp. Hoạt động không hiệu quả nên EVN phải liên tục xin tăng giá điện?

Cũng phải nói, minh bạch là điều ai cũng muốn. Bản thân EVN cũng muốn. Nhưng với Việt Nam, giá điện sẽ phụ thuộc mức tăng trưởng tiêu thụ điện. Có khoảng 22 triệu hộ và doanh nghiệp cùng dùng điện đồng thời.

Vì vậy, riêng với sản xuất điện, EVN là đơn vị duy nhất kêu gọi sử dụng ít đi thay vì kêu gọi sử dụng nhiều như các đơn vị sản xuất khác. Singapore cứ 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần, không cho bù lỗ một đồng. Giá điện của họ hiện ở mức 25 cent/kWh. Với Việt Nam, giá điện sẽ phụ thuộc mức tăng trưởng tiêu thụ điện. Nếu tăng trưởng nóng thì sẽ phải đầu tư gấp các dự án điện.

Khi đó sẽ phải huy động vốn để đầu tư với mức lãi vay cao. EVN rất muốn chuyển chủ đầu tư các dự án cho các đối tác khác. Tuy nhiên, hai đơn vị khác như Vinacomin và PVN họ cũng phải đầu tư các dự án của họ không thể dồn hết sức vào đầu tư các dự án điện. Vậy bức tranh ngành điện phụ thuộc không chỉ EVN, các tập đoàn nhà nước trong cung ứng năng lượng mà cả phụ thuộc người tiêu thụ điện.

Cũng phải nói, kể cả không tăng giá điện, EVN vẫn chỉ đạo các đơn vị phải tăng năng suất lao động và chất lượng phục vụ cũng như trách nhiệm cung cấp điện cho các hộ sử dụng. Bản thân Thủ tướng đã yêu cầu EVN không tăng biên chế nếu không có thêm nhà máy mới, trạm mới, nên kiểm soát biên chế của EVN rất chặt chẽ. Năm 2013, năng suất lao động của EVN tăng 6,8%. Năm 2014 năng suất lao động tăng 9,2%. Năm 2015, tập đoàn đặt chỉ tiêu tăng năng suất lao động 9%. Còn tổn thất điện năng năm 2014 khoảng 8,46%, cao hơn mức Thủ tướng Chính phủ giao.

Hiện chúng tôi thấy, bộ máy nếu tiếp tục thực hiện theo mô hình cũ thì sẽ tiếp tục cồng kềnh lên. Theo chỉ đạo, chúng tôi đã tách 3 tổng cty phát điện ra. Năm 2015-2016 sẽ phải cổ phần hóa. Vì vậy nếu bộ máy cồng kềnh thì sẽ hoạt động không hiệu quả. Còn Tổng Công ty truyền tải chúng tôi duyệt biên chế rất chặt. Nếu tuyển lao động nhiều thì lương sẽ tụt, không có nguồn để trả lương.

Những năm qua, dù khoản nợ trên vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty Truyền tải điện (EVNNPT) khá cao, EVN phải đứng ra bảo lãnh để EVNNPT vay vốn. Hiện mức bảo lãnh đã hết (EVN đã bảo lãnh 22.000 tỷ đồng cho EVNNPT). Vì vậy, sắp tới việc huy động vốn của EVNNPT sẽ rất khó khăn. Mức lãi năm 2014 của tổng công ty này chỉ khoảng 200 tỷ đồng (tương ứng mức lãi 1%). Đây là mức quá thấp. Theo quy định, sắp tới, hằng năm chúng tôi sẽ cho kiểm toán chi phí truyền tải của EVNNPT để xem xét điều chỉnh tiếp.

EVN thường kêu giá điện ở Việt Nam thấp. Vậy tăng giá lần này đã làm ngành điện hài lòng và có lãi?

Giá điện hiện nay tôi nghĩ khá là thỏa đáng, xét trên khía cạnh mức độ hấp dẫn, cổ tức, đủ để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Với các tập đoàn nước ngoài, họ yêu cầu Chính phủ bảo lãnh rất nhiều thứ trong khi giá điện họ bán ra khá cao. Với bài toán giá điện hiện nay, chúng ta vẫn không thể thu hút được vốn đầu tư nước ngoài do họ cho rằng giá điện vẫn thấp. Với nhà đầu tư trong nước có thể chấp nhận được nhưng do năng lực tài chính có hạn, chỉ làm được nhà máy cỡ trung bình và nhỏ. Việc đáp ứng điện trong thời gian tới thế nào, Bộ Công Thương sẽ phải cân đối EVN làm bao nhiêu, PVN, Vinacomin làm bao nhiêu.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.