Xin thành lập 5 Tổng Cty điện lực:

EVN muốn tăng độc quyền?

EVN muốn tăng độc quyền?
TP - Ngoài việc đòi quyền định giá mua điện, trong đề án thành lập 5 TCty điện lực vừa được trình Thủ tướng, EVN còn đề nghị được áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn quy định với nhiều ưu đãi khác, trong đó có việc cho phép các TCty này được đầu tư ra ngoài ngành.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đào Văn Hưng vừa có tờ trình gửi Thủ tướng xin thành lập 5 Tổng Cty điện lực hoạt động theo hình thức đa ngành trên cơ sở sắp xếp lại 11 Cty điện lực vùng thuộc EVN quản lý.

Theo đó sẽ hình thành 5 Tổng Cty Điện lực: Miền Bắc; Miền Trung; Miền Nam; Hà Nội; TPHCM. Các Cty điện lực địa phương như Hải Phòng, Ninh Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương... sẽ trở thành các công ty con trực thuộc 5 Tổng Cty trên.

Các Tổng Cty điện lực này, có vốn từ 1.300 đến trên 5.000 tỷ đồng, sẽ hoạt động theo hình thức đa ngành, trong đó kinh doanh điện năng, viễn thông công cộng và khơi khí điện lực sẽ là các ngành nghề chính.

EVN cũng cho biết, sẽ mở rộng hoạt động sang một số lĩnh vực khác như cho thuê văn phòng, bán đấu giá tài sản, lữ hành nội địa và quốc tế, quảng cáo thương mại, hoạt động tài chính, chứng khoán, ngân hàng.

EVN cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao HĐQT tập đoàn được quyết định thành lập, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của 5 Tổng Cty Điện lực Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam, Hà Nội và TPHCM; đồng thời xin được xếp hạng Tổng Cty đặc biệt cho 5 Tổng Cty điện lực nói trên.

Ngoài ra, EVN cũng xin được áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn so với mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định để làm cơ sở tính đơn giá tiền lương. Cùng đó, EVN đề nghị được tăng mức trích thưởng cao hơn quy định đối với các đơn vị này.

EVN khiếu nại theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính, việc trích lập các quỹ khen thưởng và phúc lợi từ lợi nhuận sau thuế là 10% lợi nhuận còn lại mỗi quý. Đối với các đơn vị đặc thù như ngành điện, lợi nhuận thấp nếu theo mức trích này thì số tiền được trích rất nhỏ.

EVN muốn tăng độc quyền? ảnh 1

Công nhân EVN kiểm tra đường dây điện cao thế trước khi đóng điện.
Ảnh: Diễm Hương

Nguy cơ vốn chạy loằng ngoằng

Đánh giá về đề án của EVN, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho rằng đề án của EVN vẫn còn lờ mờ trong việc nêu lý do thành lập các tổng Cty này. Về đề xuất EVN sẽ nắm quyền định mức giá bán buôn điện cho các Tổng công ty điện lực và sau đó bán lại cho các Cty điện lực tỉnh theo cơ chế giá nội bộ, Cục Điều tiết Điện lực cho rằng, quy định như vậy là không đúng với Luật Điện lực và cơ chế điều tiết giá của ngành điện.

Việc quy định mức giá phải do Cục Điều tiết Điện lực thực hiện. “Như vậy chả khác gì EVN đòi giữ vai trò vừa quản lý nhà nước vừa bán buôn, bán lẻ theo kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi” - Quan chức này đánh giá.

Theo EVN, việc cơ cấu lại các tổng Cty điện lực như trên sẽ giúp làm tăng sức mạnh, thống nhất việc quản lý, tăng khả năng vay vốn ngân hàng, tăng năng lực đầu tư của các đơn vị  và tạo thuận lợi cho phát triển thị trường điện Việt Nam.

Một quan chức Cục Điều tiết Điện lực khẳng định, quan điểm của Cục là không đồng tình với mô hình kinh doanh đa ngành của các Tổng Cty điện lực đề xuất trong đề án. Các hoạt động sản xuất kinh doanh ngoài ngành điện như viễn thông, cho thuê văn phòng, kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản, dịch vụ quảng cáo thương mại… cần được tách biệt với lĩnh vực hoạt động phân phối và bán lẻ điện.

“Các hoạt động đầu tư ngoài ngành kể trên nên tách ra và chuyển về tập trung tại một Cty hạch toán độc lập thuộc EVN. Việc này sẽ giúp loại bỏ việc các Tổng Cty sử dụng lợi nhuận của các hoạt động phân phối bán lẻ điện để bù chéo cho các ngành nghề kinh doanh khác” - Cục Điều tiết Điện lực nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Viện trưởng Quản lý Kinh tế T.Ư, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng việc EVN xin mở rộng hoạt động với các “điều kiện” như trên cho thấy đây chỉ là cái cớ để EVN có thêm các đặc quyền mới. Chỉ riêng việc Tập đoàn xin thêm một số đặc quyền đã cho thấy sự đi từ bất hợp lý này đến bất hợp lý khác.

Theo ông Cung, đã là Cty thuộc tập đoàn thì nên để nó theo đúng bản chất của một Cty bình thường, không có tổng Cty đặc biệt gì cả. Đã là mô hình thì Cty mẹ thuộc tập đoàn cũng là Cty, Cty con ở dưới cũng là Cty và chỉ nên coi đây là công cụ thực hiện hoạt động kinh doanh chứ không nên gắn với quyền lợi này, quyền lợi kia.

“Trong kinh doanh không có ông nào to hơn ông nào cả. EVN lập 5 tổng Cty này, đến dăm năm sau, các Cty con của các tổng công ty lập Cty cháu thì lúc đó sẽ “đôn” lên thành tổng Cty hay sao. Tư duy từ cách đặt tên như vậy đã là không ổn”- Ông Cung nói.

TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Khoa học Thị trường và Giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng việc xin “hé cửa” để đầu tư ra ngoài ngành của EVN là việc cần cẩn trọng giám sát. Các bài học về đầu tư ngoài ngành thời gian qua báo chí đã nói rất nhiều. Nếu đầu tư chính ngành không đủ giúp nuôi sống và giúp Cty phát triển thì sao có thể trông chờ vào việc anh đầu tư ra ngoài ngành để thu lợi.

“Nếu không cẩn trọng thì đây sẽ cách để vốn, lợi nhuận của Nhà nước chạy loằng ngoằng từ chỗ nọ ra chỗ kia, chưa kể đến việc mất vốn của Nhà nước”- Ông Ánh nói.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG