EVN: Tăng giá điện để đầu tư vào... viễn thông!

EVN: Tăng giá điện để đầu tư vào... viễn thông!
Trong khi ngành điện đang trình Chính phủ phương án tăng giá điện để có vốn đầu tư mở rộng, thì một lượng lớn vốn đó lại được ngành điện đưa vào đầu tư cho mạng điện thoại di động.
EVN: Tăng giá điện để đầu tư vào... viễn thông! ảnh 1
Sẽ rất bất hợp lý khi EVN tăng giá điện để có vốn cho viễn thông

Theo báo cáo của tổ công tác liên ngành về giá điện do Bộ Công nghiệp chủ trì, để đảm bảo đủ điện cung cấp cho nền kinh tế với tốc độ tăng nhu cầu điện 16%-17% và đồng thời có dự phòng cho giai đoạn sau, thì trong giai đoạn 2006-2010 phải gấp rút đầu tư và đưa vào vận hành thêm 68 dự án nguồn điện với tổng công suất 16.805 MW.

Trong tổng số 68 dự án nguồn điện (tổng công suất 16.805 MW) phải đầu tư trong giai đoạn 2006-2010, riêng Tổng công ty Điện lực có trách nhiệm phải gấp rút đầu tư và đưa vào vận hành thêm 27 dự án với công suất 8.326 MW và đầu tư theo hình thức liên doanh 5 dự án với công suất 3.150 MW.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư riêng các dự án do EVN đầu tư hoặc liên doanh giai đoạn 2006-2010 là 250.000 tỷ đồng. Cho đến nay, trong tổng nhu cầu vốn 250.000 tỷ đồng, bằng toàn bộ các giải pháp duy động vốn với sự hỗ trợ của Nhà nước, EVN cũng mới chỉ cân đối được 234.000 tỷ đồng, vẫn còn thiếu 16.000 tỷ đồng chưa thu xếp được vốn.

Vì vậy với lộ trình điều chỉnh giá điện, dự kiến lợi nhuận thu được từ tăng giá điện sử dụng để bổ sung nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2006-2010 là 14.464 tỷ đồng, về cơ bản đảm bảo bổ sung nguồn vốn còn thiếu cho nhu cầu đầu tư các dự án điện.

Tuy nhiên lý giải này đã không nhận được nhiều sự đồng tình. Một số ý kiến cho rằng, trong khi nguồn vốn còn thiếu, không cân đối nổi, vì sao ngành điện lại đem trăm triệu USD sang đầu tư vào lĩnh vực viễn thông? Việc kinh doanh đa ngành hoàn toàn là quyền của doanh nghiệp, nhưng trong khi lĩnh vực chính là đầu tư sản xuất điện còn chưa được quan tâm tốt, lại quan tâm đến lĩnh vực khác không lành nghề?

Theo số liệu đã được các phương tiện thông tin đăng tải thì trong năm 2005 Công ty Viễn thông điện lực (EVN Telecom) đã đầu tư 3.000 tỷ đồng để phát triển mạng thông tin di động CDMA, đáp ứng 2 triệu thuê bao.

Năm 2006 dự kiến sẽ đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng nữa. Theo tính toán thì mạng viễn thông này sẽ được đầu tư khoảng trên 600 triệu USD chủ yếu từ nguồn vốn của ngành điện.

Với 600 triệu USD này nếu đầu tư vào nguồn phát điện thì có thể xây dựng được 2 nhà máy điện cỡ nhiệt điện Uông Bí mở rộng với công suất khoảng 300MW mỗi nhà máy và cho một sản lượng khoảng 3,6 tỷ Kwh/năm.

Nếu làm như vậy sức ép thiếu điện sẽ không đến nỗi quá căng thẳng. Chúng ta cũng giảm được việc phải nhập khẩu điện và vì thế mà EVN sẽ giảm được chi phí bù giá điện mua ngoài.

Theo số liệu của Bộ Công nghiệp, sản lượng điện mua ngoài năm 2005 đã đạt mức 11,5 tỷ kWh, chiếm 22% tổng sản lượng điện toàn hệ thống và tăng gấp 5,5 lần so với năm 2002 và EVN đã phải bù chi phí lên tới 2.766 tỷ đồng.

Hiện nay xăng dầu đã tăng giá, nếu điện lại tiếp tục tăng giá, sẽ tác động tới cả sản xuất và tiêu dùng, chắc chắn nhiều mặt hàng sẽ tăng giá theo và ảnh hưởng không nhỏ đến các mặt đời sống xã hội.

Việc chuyển một lượng vốn lớn sang kinh doanh viễn thông rồi lại đưa ra lý do thiếu vốn đầu tư nguồn điện, phải tăng giá bán để lấy lợi nhuận  bù đắp cho những thiếu hụt không cân đối được liệu có hợp lý?

Theo Trần Thủy
VietNamnet

MỚI - NÓNG