FDI vào VN sẽ tăng vọt trong thời gian tới

FDI vào VN sẽ tăng vọt trong thời gian tới
TPO – Đây là khẳng định của ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế trưởng của Cơ quan phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại VN tại buổi công bố Báo cáo đầu tư thế giới 2006 của Liên Hợp Quốc sáng nay (17/10).
FDI vào VN sẽ tăng vọt trong thời gian tới ảnh 1
Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP tại VN

Theo ông Pincus, dù nguồn vốn FDI đã được thực hiện trên thực tế tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với số vốn đăng ký nhưng Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia đạt được tốc độ phát triển kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao ở trong khu vực.

“Báo cáo cho thấy FDI vào Việt Nam đã vượt trên 2 tỷ USD. Điều này cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa. Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và các công ty trong nước có thể sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn FDI nếu Việt Nam có các cơ sở hạ tầng và phương tiện viễn thông tốt hơn cũng như có lượng lao động tay nghề cao hơn và các chính sách phát triển công nghệ quốc gia mạnh mẽ hơn. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng trong tương lai không xa Việt Nam có thể thu hút được lượng FDI lớn gấp 10 lần hiện tại”- Ông Pincus nhấn mạnh.

Cũng theo ông Pincus, sau khi Việt Nam gia nhập WTO thì sẽ có cơ hội tiếp cận với các thị trường lớn để phát triển những ngành có thế mạnh của mình như: Giày da, dệt may, khai thác khoáng sản, thăm dò dầu khí...

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ cũng phải đối mặt với xu hướng thu mua, sáp nhập các công ty xuyên quốc gia từ các nền kinh tế đang phát triển, một lĩnh vực tương đối mới mẻ ở Việt Nam.

“Hiện đang có những doanh nghiệp nước ngoài đang nhòm ngó vào lĩnh vực thu mua, sáp nhập các công ty ở Việt Nam cũng như ở một số nền kinh tế đang phát triển khác”- Ông Pincus nói.

Về việc phải làm gì để phát huy được những lợi thế của Việt Nam khi gia nhập nền kinh tế thế giới, ông Pincus cho rằng các bên cạnh những lợi thế có sẵn, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải kết nối sâu rộng vào chuỗi dây chuyền toàn cầu mà cụ thể là kết nối hoạt động với các doanh nghiệp lớn khác ở các nước châu Á.

“Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia chuỗi dây chuyền này bằng nhiều cách khác nhau. Việt Nam có thể không cần phải đầu tư để sản xuất một loại điện thoại mang nhãn hiệu riêng của mình mà chỉ cần tham gia sản xuất và cung cấp một loại thiết bị quan trọng cho một hãng điện thoại nổi tiếng nào đó. Sự chuyên nghiệp trong sản xuất, chế tạo các thiết bị dạng này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường thế giới”- Vị chuyên gia kinh tế khẳng định.

Việt Nam sẽ có các công ty xuyên quốc gia tầm cỡ?

Vị chuyên gia kinh tế này cũng cho biết cùng với sự nở rộ của các công ty xuyên quốc gia từ các nền kinh tế đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi, trong tương lai không xa Việt Nam cũng sẽ có các công ty xuyên quốc gia tầm cỡ và có thể đi “nhòm ngó” lại tại các quốc gia khác.

“Đây là một vấn đề phát triển tất yếu. Báo cáo thống kê mới đây cho thấy, các nền kinh tế chuyển đang phát triển và chuyển đối chiếm 1/ 4  tổng số các công ty xuyên quốc gia trên thế giới. Riêng khu vực Đông Á và Đông Nam Á có tới 77 trên tổng số 100 công ty hàng đầu ở châu Á.

Kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam nhiều năm của tôi cho thấy các tập đoàn mới hình thành và các tổng công ty hoạt động trong một số lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Việt Nam sẽ là những đơn vị tiềm ẩn trở thành các công ty xuyên quốc gia.

Cụ thể, một số tập đoàn, tổng công ty của Việt Nam đã và đang có các hoạt động đầu tư tại các nước khác như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đầu tư sang  Malaysia, Campuchia, Tổng Cty Cao su Việt Nam đã thành lập một số công ty ở Lào, Tổng Cty Viễn thông quân đội Viettel cũng có các hoạt động đầu tư tại Campuchia...”- Ông Pincus cho biết.

MỚI - NÓNG