FPT “ly hôn” EVN Telecom

FPT “ly hôn” EVN Telecom
Ông Trương Đình Anh, Tổng Giám đốc FPT, khẳng định FPT rút khỏi thương vụ mua cổ phần của EVN Telecom vì nhận thấy đầu tư vào nhà mạng này không khả thi

Ngày 6-4, Công ty Cổ phần FPT (FPT) khẳng định sẽ rút khỏi hợp đồng mua bán cổ phần của Công ty Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Một “canh bạc”

Trả lời báo giới, ông Trương Đình Anh, Tổng Giám đốc FPT, khẳng định việc rút khỏi thương vụ mua cổ phần của EVN Telecom là vì FPT nhận thấy đầu tư vào nhà mạng này không khả thi. Theo ông Anh, FPT đã tiến hành dự án đầu tư vào EVN Telecom theo 4 bước: Xin chủ trương cho phép từ Chính phủ, đặt cọc chứng minh năng lực tài chính, tiến hành thẩm định hiện trạng EVN Telecom (due diligence) và thương lượng hợp đồng đầu tư. Tuy nhiên, sau khi tiến hành bước 3, ban lãnh đạo FPT nhận thấy hiệu quả đầu tư vào dự án này không như mong đợi. Do vậy, ngày 6-4, HĐQT FPT đã thông qua nghị quyết rút khỏi dự án đầu tư vào EVN Telecom.

Ông Trương Đình Anh cho biết ban lãnh đạo FPT và EVN đã làm việc chặt chẽ với nhau hơn 6 tháng trong nỗ lực thực hiện thương vụ này. “Hai bên đã từng thỏa thuận “180 ngày mở cửa hạ tầng” nhằm tận dụng vô điều kiện năng lực mạng lưới của mỗi bên để gia tăng sức mạnh cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, nỗ lực đó chưa đem lại kết quả và chúng tôi rất tiếc cho cơ hội bị bỏ lỡ. Trong tương lai, FPT vẫn tiếp tục đầu tư vào mạng di động nhưng có thể sẽ lựa chọn nhà mạng hay hình thức đầu tư khác” – ông Anh nói.

Trong khi đó, trả lời báo chí vào đầu năm 2011, ông Nguyễn Thành Nam, người tiền nhiệm của ông Trương Đình Anh, cho rằng mua cổ phần EVN Telecom đối với FPT là một “canh bạc”, tỉ lệ 50 – 50 trong bối cảnh thị trường cạnh tranh quá khốc liệt. “FPT quyết mua mạng di động này vì thấy vẫn còn cơ hội” – ông Nam nói.

Chưa rõ “số phận” 708 tỉ đồng tiền cọc

Về nguy cơ mất 708 tỉ đồng đặt cọc trong thương vụ này, ông Trương Đình Anh cho biết đây là số tiền FPT đặt cọc để chứng minh năng lực tài chính của mình khi tham gia đầu tư vào EVN Telecom. Tuy nhiên, nhiều điều kiện trong thỏa thuận ký kết giữa hai bên đã thay đổi căn bản.

“Chúng tôi không thấy có cơ sở pháp lý nào trong việc không thu hồi được số tiền cọc” – ông Anh quả quyết. Ông Anh cũng bác bỏ thông tin 708 tỉ đồng của FPT sẽ dùng để mua 12% cổ phần của EVN Telecom. Trước động thái tự tin của lãnh đạo FPT về số tiền đặt cọc, tối 6-4, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri khẳng định: “EVN và FPT đang trong quá trình đàm phán và mọi việc vẫn chưa kết thúc”.

Theo một vị luật sư ở Hà Nội, việc FPT có mất số tiền đặt cọc hay không phụ thuộc vào các điều khoản trong hợp đồng được ký kết giữa hai bên. Vị luật sư này cho rằng trong trường hợp số tiền này FPT đặt cọc nhằm mục đích chứng minh năng lực tài chính thì có thể “ăn ngon, ngủ yên”. Tuy nhiên, theo vị luật sư này, sự việc sẽ không hoàn toàn đơn giản như vậy vì thông thường các thương vụ lớn thì cả hai phía luôn có những giao kèo có lợi cho mình khi có sự “đổ bể”.

Theo phương án cổ phần hóa EVN Telecom do Thủ tướng Chính phủ vừa mới phê duyệt, EVN vẫn nắm giữ cổ phần chi phối với 50,6%; số cổ phần bán cho người lao động trong công ty là 0,4%; còn lại 49% cổ phần được bán cho nhà đầu tư chiến lược là FPT.

Theo Thế Dũng
Người lao động

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.