Găm hàng chờ tăng giá

Nhiều cây xăng “bổn cũ soạn lại” tuyên bố hết xăng để găm hàng Ảnh: Nguyễn Huy
Nhiều cây xăng “bổn cũ soạn lại” tuyên bố hết xăng để găm hàng Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Trong khi cơ quan quản lý từ chối đề nghị tăng giá xăng dầu của các doanh nghiệp, thì một số cây xăng “bổn cũ soạn lại” viện lý do mất điện, sửa chữa máy móc để dừng bán xăng, găm hàng chờ tăng giá để trục lợi.

> Nhiều cây xăng đóng cửa bất thường

Nhiều cây xăng “bổn cũ soạn lại” tuyên bố hết xăng để găm hàng Ảnh: Nguyễn Huy
Nhiều cây xăng “bổn cũ soạn lại” tuyên bố hết xăng để găm hàng. Ảnh: Nguyễn Huy.

Nhiều cây xăng tư nhân đóng cửa

Sáng 5-3, tại đại lý bán lẻ xăng dầu của DN tư nhân TM&VT Lan Anh ở góc đường Âu Cơ - Lũy Bán Bích (quận Tân Phú, TPHCM) treo biển thông báo hết xăng và ngừng bán xăng. Những người xung quanh cho biết, cửa hàng này đã ngưng bán và treo biển thông báo hết xăng từ tối 4-3.

Khoảng 16 giờ cùng ngày, cửa hàng xăng dầu Ngọc Đến ở địa chỉ 140-142 Nguyễn Xí, Phường 26, Q.Bình Thạnh (TPHCM) không có nhân viên đứng đổ xăng. Trong vòng khoảng 5 phút, có hơn trăm chiếc ô tô, xe máy ghé vào nhưng đều phải quay ra vì không được đổ xăng. Khi phóng viên vào hỏi, 2 nhân viên ngồi ở phía sau các cột xăng xua tay, lắc đầu nói: “Hết xăng!”.

Khảo sát tại các cửa hàng bán xăng trên địa bàn TP Đà Nẵng, không ít cây xăng treo biển tạm ngưng bán hàng với lý do: cúp điện, hết xăng… Cuối giờ chiều qua, 5-3, cây xăng phía chân cầu Trần Thị Lý, gần ngã tư đường 2-9 với Duy Tân treo biển “hết xăng”.

Theo giải thích của nhân viên bán hàng: do xăng hết nên cây xăng nghỉ bán đến ngày 6-3 mới nhập hàng bán trở lại. Tuy nhiên, ngay tại mặt sau của biển thông báo này lại đề chữ “cúp điện”.

Trước đó, sáng cùng ngày, tại cây xăng ngã tư Duy Tân – Nguyễn Hữu Thọ (Hải Châu, Đà Nẵng) các nhân viên treo biển “tạm nghỉ sửa chữa”. Cây xăng dầu số 281 đường Trường Chinh (Đà Nẵng) cũng treo biển “mất điện” để tạm ngưng phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, những nhà dân khu vực lân cận đều đang sử dụng hệ thống điện lưới bình thường.

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong tại buổi họp báo Bộ Công Thương ngày 5-3, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương có nhận được thông tin về hiện tượng một số điểm kinh doanh dừng bán, bán cầm chừng hoặc xin giảm thời gian bán lẻ xăng dầu, với lý do bị lỗ nặng do giá thế giới tăng cao, trong khi chiết khấu của doanh nghiệp đầu mối không đủ bù đắp chi phí hoạt động.

“Bộ đã nhận được thông tin nhiều cửa hàng tư nhân ở Huế, Đà Nẵng, khu vực phía tây Hà Nội (Hà Tây cũ), Đắc Nông, Đắk Lắk có xin giảm thời gian bán hàng, còn hiện tượng dừng bán thì chưa thấy xảy ra. Bộ luôn giám sát tình hình dự trữ lưu thông của doanh nghiệp để đảm bảo cung ứng trong 30 ngày trong mọi điều kiện.

Số liệu thống kê cho thấy lượng xăng dầu nhập khẩu có giảm nhưng đây là do nhu cầu trong nước giảm. Xăng dầu cũng như các mặt hàng khác, tổng cầu của người tiêu dùng có giảm hai tháng đầu năm, nên không thể suy diễn là doanh nghiệp không nhập hàng hoặc giảm nhập hàng”- Ông Quyền nói.

Cây xăng phía chân cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng) treo biển tạm ngưng bán xăng với cả hai lý do “hết xăng, cúp điện”. Ảnh: Nguyễn Huy
Cây xăng phía chân cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng) treo biển tạm ngưng bán xăng với cả hai lý do “hết xăng, cúp điện”.
Ảnh: Nguyễn Huy.
 

Xử lý cây xăng găm hàng

Theo bản tin giá xăng dầu cơ sở do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố ngày 5-3, giá dầu thô trên thị trường thế giới tháng 2 diễn biến theo xu hướng tăng liên tục. Ngày 24-2 giá dầu thô WTI đóng cửa ở mức 109,8 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 3-5-2011.

Tại một số nước trong khu vực tính đến thời điểm hiện nay, mặt hàng xăng RON 92 tại Lào là 27.316 đồng/lít, Campuchia là 28.300 đồng/lít, tại Singapore là 36.238 đồng/lít còn tại Trung Quốc là 26.288 đồng/lít. Dầu DO tại Trung Quốc là 27.308 đồng còn tại Campuchia là 26.700 đồng/lít.”.

Như vậy, xăng RON 92 đang bán tại Việt Nam thấp hơn Lào 6.516 đồng/lít, thấp hơn Campuchia 7.500 đồng/lít, thấp hơn Singapore 15.438 đồng/lít và thấp hơn Trung Quốc 5.488 đồng/lít”-Petrolimex cho biết.

Theo ông Lê Viết Tươi, Phó giám đốc Sở Công thương TP.Đà Nẵng: Sở chỉ đạo ngành chức năng, Chi cục quản lý thị trường thành lập các đoàn kiểm tra tình trạng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Trường hợp ngưng bán để chờ tăng giá xăng, làm ảnh hưởng đến tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng sẽ xử phạt nghiêm theo đúng quy định.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó Cục Quản lý Thị trường cho biết, thời gian qua lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã xử phạt 2,56 tỷ đồng đối với các vi phạm về kinh doanh xăng dầu, tước giấy phép kinh doanh 14 trường hợp.

Ở một số địa phương trong hai ngày qua cũng bắt đầu có hiện tượng cây xăng ngừng bán, bán nhỏ giọt, Cục đã yêu cầu xử lý ngay những trường hợp nói trên. “Nhìn chung khó có thể tái diễn lại kịch bản găm hàng như đã từng xảy ra trong năm 2011”- Ông Lam nói.

Sẽ điều chỉnh định mức chi phí

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết, hiện đúng là có tình trạng doanh nghiệp xăng dầu đầu mối bị lỗ do giá thế giới tăng cao. Tuy nhiên, việc tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước thế nào thì phải cân nhắc do việc tăng giá phải phù hợp với chính sách kinh tế vĩ mô và không gây tác động lớn tới an sinh xã hội.

“Dự kiến trong tháng 3 này hai Bộ Tài chính và Công Thương sẽ bàn thảo và thống nhất việc áp dụng định mức kinh doanh xăng dầu mới. Thực tế cho thấy định mức chi phí áp dụng ở mức 600 đồng/lít xăng dầu như hiện nay là không đủ cho doanh nghiệp bù đắp chi phí”, ông Quyền nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG