Gang thép Thái Nguyên vướng mắc nhất ở hợp đồng EPC

Gang thép Thái Nguyên vướng mắc nhất ở hợp đồng EPC
TP - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa gửi báo cáo đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. 

Liên quan đến Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ, Bộ Công Thương cho biết, đây là dự án đã hoàn thành đi vào vận hành thương mại từ tháng 5/2014. Tuy nhiên, nhà máy liên tục bị thua lỗ trong quá trình hoạt động do chi phí sản xuất tăng, cao hơn giá bán sản phẩm và đến ngày 17/9/2015 nhà máy đã phải dừng sản xuất.

Sau gần 31 tháng phải dừng sản xuất, đến ngày 20/4/2018, Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ đã khởi động vận hành lại 3 dây chuyền của Phân xưởng sợi Filament và nâng lên 6 dây chuyền từ ngày 1/11/2018. Hiện nay đơn vị này đang vận hành 10 dây chuyền theo hợp đồng hợp tác gia công với đối tác. “Kết quả vận hành ban đầu cho thấy máy móc hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm tốt, đảm bảo tiêu chuẩn yêu cầu của khách hàng. Quý I/2019, tổng sản lượng sản xuất đạt 4.194 tấn sợi các loại”, Bộ trưởng Công Thương nêu.

Đối với dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, theo Bộ Công Thương, đây là dự án đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy. Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam triển khai thực hiện bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy vào tháng 7/2017. Thế nhưng kế hoạch này không thành công do giá trị thẩm định của dự án theo các qui định hiện hành là quá cao và vướng mắc về việc chưa có cơ sở pháp lý trong việc điều chỉnh giá khởi điểm.

Trên cơ sở báo cáo xin ý kiến của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công Thương thống nhất với các bộ, ngành liên quan xử lý việc bán đấu giá dự án phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. “Hiện nay, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã hoàn thành công tác định giá lại dự án và đã trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức triển khai bán đấu giá dự án theo quy định”, Bộ Công Thương cho hay.

Riêng đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên, theo Bộ Công Thương, dự án đang thi công xây dựng dở dang, được khởi công từ tháng 9/2007 nhưng đã phải tạm dừng thi công từ quí I năm 2013 do gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn vì dự án bị kéo dài và tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao; mặt khác, hợp đồng EPC ký kết giữa chủ đầu tư TISCO và tổng thầu MCC của Trung Quốc đã phát sinh nhiều vướng mắc đến nay vẫn chưa giải quyết được làm cho dự án càng bị kéo dài và khó khăn hơn.

Theo Bộ Công Thương, khó khăn lớn nhất của dự án này là chưa xử lý được tồn tại vướng mắc Hợp đồng EPC với nhà thầu MCC, do vậy dự án vẫn đang xây dựng dở dang, tạm dừng thi công; việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của VNSteel với Vietinbank vẫn chưa thực hiện được. Bộ Công Thương cho biết, hướng xử lý trong thời gian tới đối với dự án là tập trung triển khai thực hiện phương án thoái vốn nhà nước theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ theo 2 trường hợp.

MỚI - NÓNG