Gánh nặng tại 4 dự án nghìn tỷ thua lỗ bị chuyển hồ sơ sang công an

PVTex, một trong 4 dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ đã được chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật
PVTex, một trong 4 dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ đã được chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật
TPO - Bộ Công Thương cho hay, đã có 4 dự án, doanh nghiệp thua lỗ nghìn tỷ đồng được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an do trong quá trình thanh tra đã phát hiện một số dấu hiệu vi phạm pháp luật.  

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong 4 dự án đã được chuyển hồ sơ sang công an có 3 dự án của ngành dầu khí gồm: Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex); Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình của ngành hóa chất.

Theo Bộ Công Thương, với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần Nhiên Liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) và các cổ đông đã hoàn thành đàm phán cấp cao với đối tác là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại tạp phẩm (Tocontap) và đang hoàn thiện hợp đồng hợp tác kinh doanh để khởi động, vận hành lại nhà máy trong quí II/2018.

Đến nay, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) cũng đã đồng ý ứng trước kinh phí để khắc phục hệ thống xử lý nước thải trong khi xử lý tranh chấp hợp đồng EPC, hoàn thành hợp đồng theo quy định làm cơ sở quyết toán Hợp đồng EPC, thanh quyết toán dự án.

Đối với Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước (vốn đầu tư dự kiến 1.887 tỷ đồng trên nhưng đội vốn lên 2.100 tỷ đồng), Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) đang thực hiện các công việc chuẩn bị cho việc khởi động lại nhà máy và dự kiến cuối tháng 4/2018 sẽ vận hành trở lại. “Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đã dự thảo sơ bộ chứng thư thẩm định giá và phương án thoái vốn và dự kiến sẽ triển khai thực hiện sau khi Nhà máy vận hành lại ổn định một thời gian và giá trị doanh nghiệp tăng lên”, Bộ Công Thương cho hay.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ (vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng và lỗ lỗ hơn 1.700 tỉ đồng sau một năm hoạt động), mới khởi động, đi vào vận hành chính thức trở lại phân xưởng kéo sợi từ ngày 20/4/2018). Hiện PVTEX đã hoàn thiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 và cho cả giai đoạn 2018 - 2022.

Theo Bộ Công Thương, PVN cũng đã triển khai các thủ tục thuê tư vấn định giá tài sản của PVTex để sẵn sàng cho phương án chuyển nhượng khi cần thiết sau khi chủ đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi Polyester Đình Vũ hoàn tất quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán Dự án hoàn thành.

Với Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ (vốn đầu tư ban đầu là khoảng 1.700 tỉ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỷ đồng), Bộ Công Thương cho hay, việc tiếp tục đầu tư để hoàn thành dự án vẫn chưa thực hiện được do quá trình tìm kiếm, đàm phán với các đối tác về phương án hợp tác kinh doanh, khởi động vận hành lại nhà máy kéo dài, phụ thuộc vào đối tác. Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) đang triển khai phương án tìm kiếm đối tác đầu tư triển khai tiếp dự án theo nguyên tắc đối tác hợp tác sẽ góp toàn bộ vốn còn thiếu để triển khai, hoàn thành dự án.

Với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên (dự kiến vốn đầu tư 3.843 tỷ đồng sau được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 8.104 tỷ đồng), trong năm 2017, dù dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên vẫn đang xây dựng dở dang và bị tạm dừng thi công để giải quyết các vướng mắc. Tuy nhiên, giai đoạn 1 của dự án vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.

Bộ Công Thương cho hay, với Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra PVTex và đã chuyển kết luận thanh tra sang Bộ Công an. Đến nay, Bộ Công an đang chỉ đạo cơ quan An ninh điều tra, xác minh các dấu hiệu sai phạm theo nội dung kết luận của Thanh tra chính phủ, dự kiến sẽ kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao đề nghị truy tố trong quí II/2018.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã tiến hành khởi tố vụ án “Cố lý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex)”, trong đó có các sai phạm liên quan đến Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.

Đối với Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy Gang thép Lào Cai, Thanh tra tỉnh Lào Cai đã tiến hành thanh tra và có kết luận thanh tra; đồng thời đã triển khai công tác kiểm điểm trách nhiệm cá nhân tập thể theo kết luận của Thanh tra.

Với các cá nhân liên quan đến vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trong tại PVTex, đã khởi tố 5 bị can về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; đã bắt tạm giam đối với 4 bị can và ra lệnh truy nã đặc biệt đối với 1 bị can.

Bộ Công Thương cho hay, đã kiến nghị khởi tố đối với 2 dự án là Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi), sau đó đã chuyển Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công An tiếp tục thụ lý, xác minh các dấu hiệu sai phạm. Dự kiến sẽ hoàn thành điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị truy tố vào cuối quí II/2018.

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và tổ chức trinh sát, nắm tình hình, điều tra, xác minh thu thập tài liệu để làm rõ các sai phạm (nếu có) tại các dự án, doanh nghiệp khác.

Theo Bộ Công Thương, dù rất nỗ lực nhưng gánh nặng tài chính với 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ vẫn đang rất lớn và khả năng triển khai tiếp một cách có hiệu quả là khá khó khăn.

Tại thời điểm 31/12/2016, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ là 43.673,6 tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610,9 tỷ đồng, tăng 45,65%. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 14.350 tỷ đồng, vốn vay là 47.451,2 tỷ đồng, chiếm 74,6%.

Trong tổng số vốn vay thì vốn vay các ngân hàng trong nước là 41.801,2 tỷ đồng. Vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) 16.858,63 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ hơn 6.617,2 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 31/12/2017, tổng số vốn chủ sở hữu của 12 dự án còn lại là -33,41 tỷ đồng, giảm 4.018,55 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016.  Tổng nợ phải trả là 58.504,2 tỷ đồng, tăng 3.440,82 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016. Tổng số lỗ luỹ kế của 10 dự án đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất là 18.678,7 tỷ đồng, tăng 2.552,69 tỷ đồng so với năm 2016.

MỚI - NÓNG