Gạo nghìn đô

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua với kỹ sư trẻ trên cánh đồng lai tạo giống lúa. Ảnh: Duy Khương
Anh hùng lao động Hồ Quang Cua với kỹ sư trẻ trên cánh đồng lai tạo giống lúa. Ảnh: Duy Khương
TP - Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo của Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2020, nước ta bán được gạo thơm giá mỗi tấn 800 đô la Mỹ. Nhưng ở tỉnh Sóc Trăng đã có gạo bán mỗi ki-lô-gam trên dưới 20.000 đồng, một tấn cỡ nghìn đô la.

Thế giới vinh danh

Gạo thơm của Sóc Trăng có mùi thơm cốm hoặc dứa, do nhóm nghiên cứu của Anh hùng lao động Hồ Quang Cua tạo ra. Các giống lúa ký hiệu ST (viết tắt Sóc Trăng) kèm theo số thứ tự, quen thuộc như ST5 và ST20 hạt dài, cơm dẻo thơm mùi dứa. Nghiên cứu đã hơn hai chục năm, tính từ những ngày được một số chuyên gia đầu ngành giúp đỡ gây đột biến gien. Nay diện tích lúa thơm ở tỉnh Sóc Trăng đã gần 30.000 ha, còn nhiều hơn ở mấy tỉnh xung quanh dài xuống Cà Mau.

Lúa thơm Sóc Trăng chịu được mặn nên chủ yếu phủ màu xanh trù phú cho dải đất ven biển ĐBSCL nghìn xưa cằn cỗi. “Riêng huyện Mỹ Xuyên, lúa thơm luân canh với nuôi tôm đã hơn vạn héc-ta”, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) Lương Minh Quyết đưa tay khoáng đạt chỉ cánh đồng trước mặt. Giới thiệu con số không khô khan như trong báo cáo, nét mặt lãnh đạo rạng ngời.

Ông nói thêm, một năm lúa làm một vụ trên đất nuôi tôm, ít sử dụng phân bón và thuốc hóa học nên sạch, con tôm cũng sạch vì đỡ dịch bệnh, cả hai thứ bán đều được giá. Ở xã Hòa Tú, lúa thơm luân canh với tôm đã níu kéo nông dân trở lại với ruộng đồng mà trước đây, chuyên canh tôm thất bát nhiều người bỏ xứ đi làm thuê. Lúa sạch còn thu hút doanh nghiệp đến với nông dân.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Gentraco ở Cần Thơ, tự hào giới thiệu gạo thương hiệu “Ngọc Đồng” với người tiêu dùng cả nước mấy năm nay. “Ngọc Đồng” làm từ lúa ST20. Giống ST20 đoạt giải nhất hội thi “Gạo ngon thương hiệu Việt” tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ hai tổ chức tại Sóc Trăng. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp chứng nhận “Nhãn hiệu gạo thơm Sóc Trăng” cho Sở NN&PTNT Sóc Trăng.

Hai người chủ trì làm ra giống lúa nghìn đô của tỉnh Sóc Trăng, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua và Tiến sỹ Trần Tấn Phương (Phó giám đốc Trung tâm giống cây trồng tỉnh Sóc Trăng) còn được thế giới vinh danh hồi cuối tháng 9/2014. Đấy là dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Phân bộ Kỹ thuật Hạt nhân trong lương thực và nông nghiệp, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế phối hợp với Tổ chức Lương nông Liên Hợp Quốc trao 23 giải thưởng về chọn tạo giống thông qua việc sử dụng giống đột biến chiếu xạ bằng tia nguyên tử. Giải trao cho ông Cua và Phương về thành tựu “Sử dụng các giống lúa đột biến để làm vật liệu lai với các giống lúa khác”, tạo ra lúa thơm Sóc Trăng.

Phải khác nghìn xưa

Ông Cua lại đón nhận tin được vinh danh ấy vui ấy với một nỗi buồn. Ông kể, gạo ST20 xuất khẩu, giá một tấn ở năm 2012 đạt 930-950 USD, nhưng sau đó giảm cho đến năm 2014 chỉ còn chừng 800 USD, thậm chí thấp hơn. Vài doanh nghiệp ký hợp đồng dài hạn, mới nhận hàng vài đợt đã ngưng, chỉ đồng ý buôn chuyến do chất lượng gạo không ổn định.

“Để bán gạo nghìn đô thì phải làm khác nghìn xưa”, người kỹ sư đam mê giống lúa từ hồi ở trường đại học, suốt những năm làm Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho đến nay đã nghỉ hưu vẫn lăn lộn ngoài đồng làm giống, nói câu gan ruột. Ông Cua phân tích, khi lúa chín gặt, sấy, xay xát không được chậm trễ như lúa thường, hạt gạo sẽ mất nhựa và ẩm vàng, gạo lại phải bảo quản trong kho lạnh mới giữ lâu hương thơm.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, chủ trương của tỉnh phát triển lúa thơm “để chạy máy phát điện”. Đó là, đem lúa thơm đi đổi than đá với nước có than nhưng thiếu lương thực và hiện “đã tính toán đối tác”. 

Có lần, ông nông dân Khmer sản xuất giỏi Lai Thol ở “ấp lúa thơm” Đào Viên, xã Viên Bình (Trần Đề, Sóc Trăng), băn khoăn, lúa thơm mau mất phẩm chất? Vùng đất ven biển nhiễm mặn vốn nghèo đói, từ khi nông dân có lúa thơm gieo trồng đã khá lên, xây được nhà cửa khang trang. “Nhưng chỉ vài vụ đầu cho cơm dẻo thơm, còn sau chừng ba năm là nhạt, tại sao vậy?”, ông Lai Thol hỏi.

Giống lúa thơm trồng đất nhiễm mặn nhanh bị kiệt sức, thoái hóa nên tiến sĩ Trần Tấn Phương nói, công tác giống phải làm liên tục. Trong đó, sản xuất giống cấp siêu nguyên chủng phải được kiểm nghiệm độ thuần và độ thơm chặt chẽ để không làm lệch phẩm chất ban đầu.

Nhưng công tác giống hiện nay, theo ông Cua lại đang tồn tại hai điều bất ổn, làm hại lúa thơm, cản trở việc tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng nâng cao phẩm chất và giá trị. Đó là, chủ trương “xã hội hóa sản xuất giống” từ thời xóa đói giảm nghèo, ai cũng có thể làm giống và bán lẫn lộn, khiến cho giống lúa thơm nhanh bị thoái hóa. Nước ta lại chưa có bộ tiêu chuẩn về lúa thơm nên càng không kiểm soát được chất lượng giống.

Thời toàn cầu hóa, muốn bán gạo khắp thế giới với giá cao để làm giàu, gạo phải sản xuất từ giống có bản quyền tác giả, truy xuất được nguồn gốc và chống nạn “ăn cắp chất xám”. Tuy còn day dứt nhưng cuối câu chuyện, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua cũng nở một nụ cười đôn hậu. Ông cho biết: “Chúng tôi được Tổ chức JICA của Nhật Bản chuyển giao nguồn gien để sản xuất giống lúa thơm có khả năng kháng hầu hết các dịch bệnh hại lúa. Kết quả đã gần tới đích và quan trọng hơn, Sóc Trăng tiếp cận được vật liệu, công nghệ và phong cách sản xuất giống tiên tiến”. 

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG