Gạo nội thua trên sân nhà

Gạo nội thua trên sân nhà
Mấy năm nay, gạo ngoại đã xâm nhập thị trường gạo trong nước , thậm chí ở ngay vựa lúa cả nước (ĐBSCL). Chuyện này giờ đã trở thành vấn đề lớn hơn chuyện một nồi cơm!

Tại các chợ đầu mối, siêu thị gạo TPHCM, hiện một số mặt hàng như gạo Nàng hương Thái jasmine, dẻo Thái AAA, thơm Đài Loan, Hàn Quốc, thơm Hà Lan mới, thơm Nhật... trở nên khá phổ biến và quen thuộc với người tiêu dùng.

Đặc biệt là mặc dù các loại gạo này có giá khá cao nhưng vẫn được không ít người tiêu dùng chọn mua. Trong khi gạo Nàng thơm chợ Đào có giá bán 7.500 đồng/kg thì Thái Lan AAA có giá 8.000 đồng/kg, thơm Nhật 8.200, thơm Hà Lan mới 9.700 và Hàn Quốc lên đến 18.000 đồng/kg.

Không chỉ ở thị trường gạo cao cấp, thị trường gạo giá trung bình cũng có sự cạnh tranh của các loại gạo ngoại nhập như thơm Thái giá 5.200 đồng/kg, thơm Đài Loan 5.500 đồng/kg.

Tại Hà Nội, nếu như trước đây các loại gạo tám thơm Hải Hậu, dự hương, bắc hương... được coi là "nhất bảng" thì hiện nay loại gạo cao cấp Thái Lan đã dần chiếm lĩnh thị trường.

Coi chừng "treo gạo Thái, bán gạo nội..."

Hiện ở nhiều cửa hàng bán gạo tại TP.Cần Thơ có bày bán các loại gạo thơm đóng gói, trên bao bì ghi "Đặc sản gạo thơm Thái Lan" hoặc "Đặc sản gạo thơm Đài Loan".

Theo chủ cửa hàng gạo Huỳnh Khì có tiếng tại chợ An Hoà (quận Ninh Kiều, Cần Thơ), thật ra đây là gạo sản xuất trong nước, nhưng nơi sản xuất ghi nhãn hiệu như vậy có lẽ để... dễ bán!

Bà Trần Ngọc Sương (Giám đốc Nông trường Sông Hậu) cũng nhận định: Không phải không có gạo Thái Lan xâm nhập thị trường gạo ĐBSCL, nhưng cũng có không ít gạo Thái Lan bày bán thật ra là gạo ngoại trồng trong nước.

Tại TPHCM, đa số người tiêu dùng khi chọn mua các loại gạo chủ yếu qua tên thương hiệu, rồi mua dùng thử chứ khó có thể biết được chính xác xuất xứ, loại gạo mình đang dùng. Chính vì vậy, không ít cửa hàng bán lẻ đã không nêu đúng tên loại gạo.

Tình trạng xảy ra phổ biến nhất hiện nay là gạo sản xuất trong nước có chất lượng cao, loại xuất khẩu, được một số cửa hàng đẩy lên thành gạo nhập khẩu với mức giá cao hơn!

Bỏ trống sân nhà

Cũng có một số người cho là dân ta sính ngoại nên mới mới chuộng gạo Thái, gạo Nhật. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Khách hàng Hà Nội cho rằng, ưu điểm của các loại gạo ngoại là ghi rõ thành phần trên bao bì để người tiêu dùng lựa chọn. Khi thổi cơm trắng, thơm, dẻo, các hạt cơm để nguội không cứng cơm như gạo tám của Việt Nam. Có nhiều trọng lượng túi khác nhau từ 2 - 5 - 10kg, có quanh năm không giống như gạo Việt Nam, có loại chỉ có một vụ/năm.

Nhiều người kinh doanh gạo lâu năm tại chợ đều nhận định, gạo cao cấp Thái Lan có nhiều triển vọng và đã dần chiếm lĩnh thị trường; điều này khó xảy ra đối với các loại gạo ngoại nhập khác.

Rõ ràng là gạo ngoại đang có những thế mạnh khó phủ nhận. Nhưng một câu hỏi đặt ra là tại sao các DN kinh doanh xuất khẩu lương thực chưa... mặn mà với thị trường gạo cao cấp nội địa.

Cty xuất nhập khẩu vật tư -  lương thực Đồng Tháp bình quân mỗi năm xuất 200.000 tấn gạo, trong khi số lượng tiêu thụ nội địa chỉ bằng khoảng 1/4.

Lý giải vấn đề này, bà Trần Ngọc Sương nói rằng: Thị trường gạo nội địa hiện hầu như do các đại lý, DN tư nhân quy mô nhỏ chi phối; kể cả gạo thường và gạo cao cấp. Họ có thể "lách" khoản thuế để bán giá người tiêu dùng chấp nhận.

Tuy nhiên, gạo từ nguồn này không có thương hiệu để cạnh tranh với gạo ngoại. Còn các DN nhà nước lại "vướng" yếu  tố giá  - trong đó có khoản thuế VAT 5% - nên rất khó cạnh tranh. Bản thân Nông trường Sông Hậu đã xây dựng thương hiệu gạo, song tới nay vẫn chưa thâm nhập được thị trường nội địa.

Hiện trên  thị trường gạo ĐBSCL, gạo thơm ngoại chưa hoàn toàn áp đảo gạo thơm nội. Tuy nhiên - vẫn theo bà Trần Ngọc Sương - nếu các DN không chủ động có các giải pháp để "nắm lấy" thị trường này; nếu chính sách về thuế không "cởi trói" cho hạt gạo thơm Việt Nam ngay tại thị trường nội địa, thì khi gia nhập WTO vấn đề sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Theo Lao động

MỚI - NÓNG