Gạo tăng giá gấp đôi cũng khó mua

Gạo tăng giá gấp đôi cũng khó mua
TP - Hôm qua, 27/4, tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam giá gạo bất ngờ “nhảy” lên gấp đôi so với các ngày trước đó khiến người dân đổ xô đi mua gạo.

Trong khi đó, tại các chợ giá gạo nhảy giá liên tục theo giờ, còn nhiều siêu thị thì đã hết gạo bán từ sáng hôm qua.

Gạo tăng giá gấp đôi cũng khó mua ảnh 1
Một vựa gạo tại TPHCM còn đầy gạo nhưng vẫn đóng cửa với lý do hết gạo

TP HCM: Gạo tăng giá theo giờ

7 giờ sáng hôm qua, tại chợ Tân Thuận Đông, phường Tân Thuận Đông, quận 7, giá các loại gạo đã đột ngột tăng lên gấp đôi, thậm chí có loại gạo tăng gấp 2,5 lần trước đó.

Chị Lê Nguyễn Đông Phương, ở đường Trần Trọng Cung, quận 7 đang ghé mua gạo ở đại lý gạo Phương tại chợ Tân Thuận Đông cho biết: “Mới ngày 20/4 tôi mua gạo thơm Mỹ cũng tại đại lý này chỉ 11.000 đồng/kg nhưng bây giờ đã lên 21.000đồng/kg. Giá tăng thật khủng khiếp!”.

“Chỉ sau một đêm giá gạo tăng gấp đôi”- đó là đề tài mà nhiều người đi chợ và siêu thị bàn tán ngay trong ngày hôm qua. Tại siêu thị Coop-mart Nguyễn Đình Chiểu vào sáng 27/4 đã không còn một kg gạo nào, nhân viên của siêu thị này cho biết đã hết gạo từ 21 giờ tối 26/4.

Tình cảnh cũng xảy ra tại siêu thị Coop-mart Đinh Tiên Hoàng, Cống Quỳnh và siêu thị Big C Miền Đông trên đường Tô Hiến Thành. Trong khi đó, tại các chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, chợ Xóm Chiếu, quận 4, chợ Gò Vấp... gạo cũng tăng lên khủng khiếp nhưng hầu hết đại lý chỉ còn lại một vài loại gạo cao cấp như thơm Mỹ hoặc Nàng Thơm Chợ Đào, còn các loại khác đều khan hiếm.

Tại chợ “công nhân” Bùi Văn Ba, ở quận 7- nơi có vài chục nghìn công nhân khu chế xuất Tân Thuận sinh sống, giá gạo tăng lên từng giờ khiến không ít công nhân điêu đứng.

Chị Bùi Thị Minh- công nhân Cty TNHH Long Thắng ở khu chế xuất Tân Thuận cho biết: “Mới đây giá các loại thực phẩm tăng công nhân tụi em đã khóc dở nay giá gạo tăng tụi em càng vất vả hơn. Giá cả, chi phí sinh hoạt tăng nhưng lương thì vẫn giậm chân tại chỗ”.

Tại vựa gạo Thanh Phong ở 27- 29 Tô Hiến Thành, quận 10, hàng chục người mua phải chờ đợi vì chủ vựa gạo không bán chờ...điều chỉnh giá! Các vựa gạo khác cũng đóng cửa cho dù các xe tải chở gạo vẫn tấp vào đây để chuyển gạo vào kho. Trước tình cảnh này, nhiều người không kìm được tức giận mắng xối xả các chủ vựa gạo.

Anh Nguyễn Hoàng Phương, chủ đại lý gạo Tân Hưng ở cạnh chợ Tô Hiến Thành, quận cho biết: Từ ngày 26/4, giá gạo đã có hiện tượng tăng lên như gạo Nàng Thơm Chợ Đào từ 10.000đồng/kg tăng lên 18.000đồng/kg. Nhưng sáng 27/4 nó đã vượt qua giá mới với 21.000đồng/kg.

Các loại gạo khác như gạo lai sữa, trước ngày 26/4 chỉ có 8.500đồng/kg, và hôm qua, 27/4 đã có giá mới 19.000đồng/kg. Các loại gạo tài nguyên cũng tăng lên 19.800đồng/kg thay vì 9.000đồng/kg cách đây 2 ngày; gạo Tám Xoan Hà Nội cũng tăng 10.000kg thành 19.000đồng/kg trong sáng qua.

Anh Phương khẳng định: “Vựa gạo cấp 1 của chúng tôi không tự làm giá mà do hợp đồng cung cấp gạo với tôi ở Sóc Trăng, Cà Mau gọi điện bảo gạo khan hiếm và bắn giá mới nên tôi phải điều chỉnh giá thôi”?!.

Anh Phương nhận định: Rất có thể các tỉnh phải trữ gạo để khỏi phá vỡ hợp đồng xuất gạo với các đối tác lớn mới xảy ra tình trạng này?!

Chị Hoa chủ đại lý gạo Miền Tây ở chợ Bùi Văn Ba, quận 7 cho biết: Bán hết hôm nay là phải đóng sạp vì gạo ở các vựa không cung cấp nữa. Theo chị Hoa thì chị lấy gạo ở Tân Trụ- Long An nhưng mới đây người ta thông báo giá gạo đã lên 1-2.000đồng/kg nữa nên chị không dám mạo hiểm mua gạo tích trữ. Hơn nữa giờ gạo cũng khan hiếm nên chưa chắc các vựa bỏ lại nhiều.

Tại chợ Tân Thuận Đông, sau 2 giờ chúng tôi trở lại, các chủ đại lý đã lấy giấy A4 để ghi giá mới cắm lên mỗi loại gạo. Hầu hết đều tăng lên 1-3.000đồng/kg. Chủ đại lý gạo Đức Thành ở khu phố 4, Tân Thuận Đông cho biết 5 loại gạo đã hết hàng do nơi cung cấp chưa vận chuyển đến được.

Theo tìm hiểu của Tiền phong, ở đường Lô Hiến Thành có gần 10 vựa gạo cấp 1- cung cấp gạo cho TPHCM và các tỉnh lân cận. Nơi đây mỗi ngày nhập hàng trăm tấn gạo các loại sau đó phân phối lại cho đại lý.

Tuy nhiên vào sáng 27/4, khi chúng tôi sở thị tại các vựa gạo nơi đây, vẫn còn đầy gạo chất trong kho, nhưng tất cả đều không bán và nại lý do hết gạo do các tỉnh chặn lại không cho gạo lên TP hoặc đã có nơi khác đặt rồi.

ĐBSCL: Vựa, lúa gạo cũng bị “khủng hoảng”

Tại TP Cần Thơ, sáng ngày 27/4, tất cả các cửa hàng bán gạo đều có rất đông người mua. Giá gạo đã tăng chóng mặt trong 2 ngày qua. Cụ thể: Gạo thơm Long An cuối tháng 3 giá 9.000 đồng/kg thì ngày 26/4 vọt lên 13.000 đồng/kg, sáng 27/4 giá 15.000 đồng/kg.

Gạo bong trắng tháng 3 giá 7.500 đồng/kg nay 12.000 đồng/kg. Gạo thơm Thái Lan, gạo cũ của Mỹ đều đã tăng gần gấp đôi so với cuối tháng 3/2008.

Chị Nguyễn Thị Bé Tư, chủ một đại lý gạo trên đường Mậu Thân (Ninh Kiều, Cần Thơ) nói:

“Rất nhiều nhà máy xay xát đã tăng giá gạo giao cho đại lý, dù đặt cọc tiền theo giá cũ nhưng họ vẫn buộc chúng tôi mua với giá mới cao hơn nhiều. Lý do họ giải thích là do gạo đã xuất khẩu hết”.

Đại lý gạo Ngọc Sơn tại Trung tâm Thương mại Cái Khế đang có đông người xếp hàng mua gạo, bà Nguyễn Thị Thuận, chủ đại lý cho biết một số loại gạo đã hết hàng, nhà máy xay xát cũng từ chối không cung cấp tiếp.

“Họ kêu bị khan hiếm lúa xay xát nên không có khả năng cung cấp gạo nữa. Vì thế giá gạo tăng lên từng ngày, thậm chí từng giờ”, bà Thuận nói.

Hiện tại ở Cần Thơ, người mua gạo với số lượng lớn tăng một cách bất thường. Đa phần người mua gạo mang theo bao tải lớn, mua gạo để dự trữ.

Tại tỉnh Tiền Giang, sáng 27/4 giá gạo Nàng Thơm Chợ Đào, Tài Nguyên 16.000đ/kg. Rẻ nhất là gạo 64 giá 12.500đ/kg. Các lọai tấm cũng có giá xấp xỉ 10.000 đ/kg. Dù giá gạo tăng cao nhưng một hộ bán gạo ở chợ Tân Hiệp cho biết: “Ngày 26/4, tôi bán được lượng gạo lớn nhất trong hơn 6 năm bán gạo tại đây”.

Thị trường lúa gạo xáo động lớn nhất trong hai ngày qua phải kể đến Sóc Trăng và Bạc Liêu. Tại tỉnh Sóc Trăng, sáng ngày 26/4, giá gạo Tài Nguyên ở TP Sóc Trăng đã bất ngờ vọt lên 20.000 đ/kg, ở thị trấn huyện lỵ Mỹ Tú 18.000 đ/kg. Gạo thường 14.000 đ/kg. So với một ngày trước đó, tất cả tăng gần 2 lần.

Nhiều cửa hàng còn treo bảng “hết gạo” khiến những người cần mua gạo nhốn nháo. Tuy nhiên, đến trưa và chiều thì các cửa hàng đã tung gạo ra bán và giá hạ xuống 15.000 đ/kg với gạo Tài Nguyên, 10.500 đ/kg với gạo thường.

Tối 26/4, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thành Hiệp phải trên đài truyền hình của tỉnh trấn an dư luận. Ông Hiệp cho biết, vụ lúa Đông Xuân ở Sóc Trăng đạt năng suất cao, hơn 6 tấn/ha và lượng lúa gạo hàng hóa trong tỉnh còn rất lớn, không thể xảy ra tình trạng khan hiếm.

Ông Hiệp cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nếu phát hiện lúa gạo “găm hàng” thì tịch thu.

Tại tỉnh Bạc Liêu, nhiều cơ sở kinh doanh gạo vẫn treo bảng “hết gạo” bên cạnh một số cơ sở khác chỉ bán số lượng ít, tối đa cho mỗi người 5 - 10 kg. Cảnh xếp hàng chờ mua gạo đã diễn ra. Giá gạo tăng từng giờ.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh này vừa thu hoạch dứt điểm hơn 33.000 ha lúa Đông Xuân với năng suất gần 6 tấn/ha. Lượng lúa gạo dự trữ trong kho cũng như trong dân còn khá lớn. Tuy nhiên, vẫn chưa lấn át được tin đồn thổi là giá gạo sẽ tăng lên 200.000 đ/kg trong thời gian tới.

Giá lúa khô ở ĐBSCL cũng đã lên đến 6.100 đ/kg vào sáng 27/4, tăng gần 20% so với một tháng trước.

MỚI - NÓNG