GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 7,63%

GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 7,63%
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, GDP sáu tháng đầu năm 2005 đạt mức tăng trưởng 7,63% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong năm năm trở lại đây.
GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 7,63% ảnh 1

Giá dầu thô biến động thất thường là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quí 2/2005 ước đạt tốc độ tăng trưởng 7,87%. Tăng mạnh so với quí 1: 7,31%. Đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế là hai khu vực công nghiệp - xây dựng (3,68%) và dịch vụ (3,07%).

Tốc độ tăng chung của nửa đầu năm nay cao hơn hẳn so với cùng kỳ 4 năm trước (2001 tăng 7,1%; 2002 tăng 6,5%; 2003 tăng 7,0%; 2004 tăng 7,1%). Tuy nhiên, tốc độ này song còn quá xa chỉ tiêu cả năm. Áp lực giá cả đầu vào, thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố khác khiến những chuyên gia lạc quan nhất cũng chỉ dám nhận định: Phải nỗ lực rất cao mới hoàn thành nhiệm vụ quá khó khăn.

Theo phân tích của ông Lê Mạnh Hùng,  Tổng cục trưởng Thống kê tăng trưởng GDP mang tính thời vụ, tăng thấp vào những quý đầu năm và cải thiện dần vào cuối năm. Vì vậy với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, GDP trong 2 quý cuối năm có thể vượt lên để vực tốc độ tăng chung. Mặt khác, theo ông Hùng, kinh tế một số khu vực có dấu hiệu tích cực và điều này có thể tác động tốt tới Việt Nam.

Tuy nhiên, bản thân ông Hùng và nhiều chuyên gia khác đều thừa nhận mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm nay là thách thức lớn đối với nền kinh tế. Để đạt chỉ tiêu cả năm tăng 8,5%, 2 quý cuối năm, GDP phải tăng trưởng với tốc độ 9,37%.

Trên thực tế, bất lợi về thời tiết và dịch bệnh vẫn là nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế, vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cú sốc bên cung (nguồn giảm và giá tăng) từ nhiều tháng nay. Trong khi đó giá dầu lại liên tục leo thang.

Theo phân tích của một chuyên gia tài chính tiền tệ, về mặt lý thuyết giá dầu thô tăng cao có thể mang lại lợi ích ngắn hạn, tác động ngay đến nền kinh tế bởi Việt Nam cũng xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, theo thời gian, những hệ luỵ do giá dầu tăng sẽ là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế.

Cùng với xăng dầu, một số nguyên vật liệu quan trọng khác cũng đang tiềm ẩn bất ổn về giá cả, thị trường. Những nhân tố này tạo sức ép nặng nề đối với sản xuất, đồng thời tạo hiệu ứng tăng giá lan toả từ lương thực thực phẩm sang các nhóm hàng hoá khác.

Với đà tăng giá tiêu dùng từ đầu năm tới nay, ngay cả chuyên gia lạc quan nhất cũng phải thừa nhận, khó mà kiềm chế lạm phát cả năm dưới 6,5%, khi mà 6 tháng đầu năm con số này đã là 5,2%.

Không chỉ chịu sức ép đầu vào, các lĩnh vực sản xuất còn đối mặt với những khó khăn không nhỏ về đầu ra. Giá cả tăng cao sẽ tác động một phần tới cầu tiêu dùng trong nước.

Trong khi đó, rào cản thương mại và kỹ thuật ngày một gia tăng ở những thị trường xuất khẩu các ngành hàng mũi nhọn như dệt may, da giày, thuỷ sản...

Cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về phía nhập siêu, khi chênh lệch giữa nhập và xuất 6 tháng đầu năm lên tới 3,5 tỷ USD, bằng 24,7% kim ngạch xuất khẩu và cao hơn so với tỷ lệ 20% của 6 tháng đầu năm trước.

Giữa lúc khó khăn này, cùng với yêu cầu về tốc độ tăng trưởng, nhiệm vụ cải thiện chất lượng tăng trưởng đang đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.

Theo các chuyên gia, để thực hiện điều này, đòi hỏi nỗ lực phi thường của các bộ ngành với những giải pháp triệt để trong việc cải thiện chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất. Kết quả điều tra công bố gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ở những ngành có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, vẫn phải oằn vai gánh chi phí trung gian đang ngày một gia tăng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.