Giá biệt dược cao do chi phí nghiên cứu

Giá biệt dược cao do chi phí nghiên cứu
TP - Ông Đỗ Viết Cường- Giám đốc chiến lược toàn cầu của tập đoàn dược phẩm Merck Sharp & Dohme (MSD) cho biết như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn PV Tiền Phong.

> Hỗn loạn giá thuốc trúng thầu

Một trong lý do khiến giá biệt dược dường như ở mức cao là do các hãng dược phải đầu tư rất lớn cho các nghiên cứu. Đơn cử như tại MSD, trong một năm đã chi khoảng 8 tỷ USD cho nghiên cứu và phát minh ra thuốc mới. Thống kê của chúng tôi cho thấy để phát minh ra một loại thuốc mới cần ít nhất từ 1-2 tỷ USD.

Chúng tôi luôn đặt vấn đề nghiên cứu và phát triển lên hàng đầu. Đây cũng là lý do vì sao chúng tôi luôn đưa ra được những loại thuốc mới, bắt kịp được với tình hình dịch bệnh đang phức tạp hiện nay - Ông Cường nói.

Ông đánh giá như thế nào về thị trường dược phẩm ở Việt Nam khi mà hoạt động sản xuất trong nước phụ thuộc vào 90% nguyên liệu nhập khẩu. Đặc biệt, 50% các loại thuốc hiện nay phải nhập khẩu và rất hiếm thuốc được bảo hộ độc quyền. Liệu đây có phải là cơ hội để các hãng dược nước ngoài “tung hoành”?

Chúng tôi tin người dân Việt Nam luôn mong mỏi các hãng dược trong nước phải lớn mạnh và có những sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, trong một thị trường dược mới nổi và đang phát triển như Việt Nam việc chưa có nhiều hãng dược và nhà máy trong nước có quy mô và tầm cỡ là một trở ngại lớn.

Theo tôi được biết, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có công ty nào đạt tiêu chuẩn sản xuất thuốc GMP của FDA Hoa Kỳ và rất ít công ty đạt chuẩn GMP của châu Âu.

Và dĩ nhiên, một khi nguồn nguyên liệu phải lệ thuộc, nhiều thuốc phải nhập khẩu thì rất khó cho các hoạt động sản xuất, cũng như đáp ứng nhu cầu bệnh tật hiện nay.

Nói về cơ hội phát triển ở Việt Nam, tôi thấy đây là thị trường rất quan trọng và sẽ trở thành một thị trường lớn trong thời gian không xa bởi hiện tại tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp dược trong nước cao hơn nhiều nước trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Tuy nhiên nó sẽ mạnh mẽ hơn nếu được đầu tư xứng đáng. Khi ấy nó sẽ đem lại lợi ích rất lớn và giúp người dân Việt Nam tiếp cận được các thuốc có chất lượng với giá thành tốt nhất.

Có thể nói mô hình bệnh tật trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam hiện nay rất phức tạp. Điều này đòi hỏi các chính sách về y tế phải theo kịp và có những ứng biến thích hợp. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Không chỉ thị trường dược của Việt Nam mà cả mô hình bệnh tật, tỷ lệ mắc bệnh ở đây cũng có nhiều tương đồng với các nước phát triển trên thế giới.

Từ chỗ hiểu rõ về mô hình bệnh tật sẽ giúp không chỉ MSD mà các hãng dược khác nghiên cứu để xác định thuốc nào là phù hợp, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh.

Chúng tôi có những thuận lợi là những sản phẩm thế mạnh khá phù hợp với thị trường và mô hình bệnh tật của Việt Nam.

Khi mà nhu cầu y khoa trong nước chưa được đáp ứng các loại thuốc đặc trị viêm gan siêu vi C, tim mạch, kháng sinh hay vắc xin thì lâu nay chúng tôi được xem là chủ lực.

Trong tương lai chúng tôi sẽ phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm khác, ví dụ như tiểu đường bởi như các bạn đã biết trong thời gian tới không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới bệnh tiểu đường sẽ bùng phát dữ dội và những nghiên cứu đột phá của MSD sẽ đóng góp nhiều cho trường hợp này.

Tại Việt Nam, chúng tôi tiếp tục phát triển bằng cách tuân thủ và hợp tác với chính phủ nhằm đưa các sản phẩm mới vào thị trường Việt Nam. Trong 4 năm tới, MSD dự định sẽ nghiên cứu và cho ra đời thêm 18 sản phẩm mới phục vụ cho nhu cầu bệnh tật của người dân Việt Nam.

Thưa ông, người bệnh luôn đánh giá cao về chất lượng thuốc của các hãng dược nước ngoài. Tuy nhiên điều họ quan tâm là giá cả. Có những chính sách nào giữa MSD và Chính phủ Việt Nam để xóa đi “rào cản” này?

Chúng tôi mong muốn nhanh chóng tìm ra con đường hợp lý nhất để đưa những sản phẩm của công ty tới người dân với giá rẻ nhất.

Chúng tôi có những chương trình hỗ trợ bệnh nhân ngay cả khi họ không có tiền, không đủ kinh phí để điều trị.

Một trong những ví dụ điển hình là chúng tôi đã hỗ trợ cho Liên minh toàn cầu về tiêm chủng, và sau đó tổ chức này hỗ trợ lại vắc xin cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam giúp người dân tiếp cận được vắc xin với giá hợp lý và thậm chí miễn phí.

Nhiều năm nay, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với chính phủ Việt Nam, cơ quan y tế địa phương và các cộng đồng chăm sóc sức khỏe nâng cao giáo dục ý thức bệnh tật.

Hai trong nhiều chương trình hợp tác điển hình là cam kết tiêm vắc-xin cho các thiếu nữ và phụ nữ trẻ để phòng tránh virus gây bệnh ung thư cổ tử cung và chủng ngừa vắc-xin phòng tránh lây nhiễm rotavirus gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ.

Trong quá trình phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, chúng tôi đã tài trợ cho Việt Nam trên 29.000 liều vắc-xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung và cũng đã tiến hành nghiên cứu có quy mô lớn nhất từ trước tới nay về phòng tránh nguy cơ tử vong do rotavirus gây tiêu chảy ở trẻ em Việt Nam.

Mới đây chúng tôi còn hỗ trợ que cấy ngừa thai giúp phụ nữ tránh được việc mang thai ngoài ý muốn và tiếp tục hợp tác để tài trợ vắc-xin Gardasil cho một số trẻ em gái tại Thanh Hóa và Cần Thơ.

Ngoài ra, MSD dành một nguồn quỹ trị giá 500 triệu USD cho chương trình “Merck vì những bà mẹ” để hỗ trợ hoạt động giảm nguy hiểm cho các bà mẹ khi sinh con trên toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

Lê Nguyễn
(Thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG