Giá cả lại tăng vọt

Giá cả lại tăng vọt
TP - Tại TP HCM, so với tháng 9/2007, giá gas tăng từ 50.000 - 60.000 đồng/bình. Giá thịt tăng khoảng 1.000 đồng/kg, gạo nhiều loại tăng từ 200 - 500 đồng/kg, cá cũng tăng trên 1.500đồng/kg...
Giá cả lại tăng vọt ảnh 1
Đa số các mặt hàng đều tăng giá.  Ảnh: Phạm Yên

Bộ Tài chính đã hạ thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống còn 2% từ 9/11, nhưng đến chiều 12/11 tại TPHCM, giá gas bán lẻ đến tay người dân vẫn đứng ở mức cao: 230.000đ/bình 12kg. So với tháng 9/2007, giá đã tăng từ 50.000 - 60.000 đồng/ bình, cao nhất từ trước đến nay.

Giải thích cho lý do chưa giảm giá gas, nhiều nhà cung cấp cho rằng, giá chỉ giảm khi các lô hàng về cảng sau ngày 10/11. Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Tổng giám đốc Sai Gon Petro cho biết, do mới có quyết định giảm thuế nên Cty đang xem xét lại giá bán. Petrolimex Gas và VT Gas thì khẳng định, giá bán hiện tại đã tính đến thuế giảm vì tính đúng giá sẽ tăng thêm  từ 3.000 -8.000đồng/ bình.

Do đại đa số người dân, nhiều cơ sở sản xuất tại những thành phố lớn đã dùng gas nên giá gas tăng không chỉ ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, mà còn khiến nhiều doanh nghiệp phải tính đến chuyện tăng giá.

Ông Phạm Minh Mẫn, Phó giám đốc Cty kinh doanh suất ăn công nghiệp Gia Phúc lo lắng: “Giá gas tăng đang làm giá thành mỗi suất ăn đội thêm 300 đồng, nếu giá thực phẩm còn tăng thì không tăng giá bán coi như Cty không có đồng lời nào”.

Tuy nhiên, giá gas tăng mới chỉ là một trong hàng chục nỗi lo của các bà nội trợ, người tiêu dùng. Họ lo lắng nhất là thịt, rau củ, đồ khô, dầu ăn, gạo... đang thay nhau tăng từ 5 - 15%. Trong đó thịt đã tăng khoảng 1.000 đồng/kg, gạo nhiều loại tăng từ 200-500 đồng/kg, cá cũng tăng trên 1.500đồng/kg, dầu ăn đã tăng trên 3.000đồng/lít.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (quận 2, Bình Thạnh, TPHCM) chỉ vào hoá đơn mua hàng tại Coop Mart than thở: “Cũng từng này mặt hàng tháng trước chỉ có 346.000 đồng, nay đã 402.000 đồng”.

Giám đốc hệ thống siêu thị Citimart (TPHCM) Nguyễn Thị Ánh Hoa thừa nhận, chưa đến mùa cao điểm mua sắm Tết nhưng giá cả tăng từng ngày. Lý do chính là các Cty cung cấp hàng cho siêu thị đã thông báo tăng giá 5 - 10% từ nay đến cuối tháng 11, tăng chủ yếu là ngành hàng lương thực, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, gia dụng...

Mới đây, Vissan, nhà cung cấp hơn 60% lượng thịt cho các siêu thị đã tăng giá bán các mặt hàng chế biến thực phẩm trung bình 12%.

Ông Văn Đức Mười, Phó tổng giám đốc Vissan nói: “Nhằm bình ổn giá, Vissan đã gắng giữ nguyên giá bán, nhưng đến nay thì không thể kèm lâu hơn được nữa. Từ ngày 9/11, Vissan đã niêm yết giá mới cho các sản phẩm”.

Giá sữa sau một thời gian “chờ thời” cũng đã rục rịch tăng giá. Nhiều sản phẩm của Vinamilk, Ducht Lady đã tăng từ 200 - 400 đồng/sản phẩm, còn các loại sữa bột khác không tăng giá thì cũng bớt trọng lượng!

Viện Kinh tế TPHCM dự báo từ nay đến cuối năm và nhất là dịp Tết, giá nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ tăng từ 10 - 15%. Nhiều siêu thị, tiểu thương đã chuẩn bị hàng Tết như bánh, kẹo, rượu, bia, nước ngọt, đồ trang trí nhà cửa, thực phẩm... Tuy nhiên nhà cung cấp nào cũng đưa ra giá cao hơn ít nhất 5% so với tháng 10/2007.

Họ đều đưa ra lý do giá nhập, giá nguyên liệu không giảm thì “chúng tôi có tài thánh cũng không giảm giá được, giảm chỉ có nước phá sản”.

Giám đốc kinh doanh một Cty phân phối hàng tiêu dùng cho rằng: “Giảm thuế chỉ là biện pháp tình thế vì không chỉ giá nguyên liệu tăng mà mọi chi phí khác như nhân công, lương, vận chuyển, quản lý... đều tăng khá nhanh”.

Đầu năm 2008, lương tối thiểu dự kiến sẽ tăng lên 540.000 đồng/tháng và trớ trêu thay đó đang là nỗi lo của nhiều người làm công ăn lương vì lo ngại đó là cớ để giá tiếp tục leo thang như các lần trước.

Tại Hà Nội, các chợ như: Hôm, Mơ, Hàng Gia, Đồng Xuân, Long Biên... nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều tăng giá.

Tại chợ Hôm, giá các loại rau như: cải bẹ, su hào, bắp cải, muống..., cũng tăng từ 1-2 nghìn đồng/kg. Thịt lợn - bò; cá (sông, biển) cũng đều tăng một vài giá.

Nếu như tháng trước, thịt lợn (thịt mông-vai) giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg thì hiện nay được bán với giá 50.000 - 60.000/kg; thịt bò từ 65.000 - 70.000 tăng lên 75.000 - 80.000 đồng/kg.

Giá thực phẩm leo thang đang ảnh hưởng trực tiếp tới bữa ăn của sinh viên tại các thành phố lớn. Ngô Cao Sơn - Sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương than thở: “Cơm sinh viên giờ không còn giá 5.000 - 6.000 đồng nữa. Tháng qua đã tăng lên 7.000 - 8.000 đồng/suất”.

Không phải chỉ có Sơn mà hàng ngàn sinh viên hiện nay cũng đang phải đối mặt với việc tăng giá các bữa cơm. Mấy tháng trước, cơm văn phòng chỉ ở mức từ 15.000 - 20.000 đồng nay đã tăng lên 25.000 đồng/suất. 

MỚI - NÓNG