Giá cả thị trường đồng loạt giảm

Giá cả thị trường đồng loạt giảm
TP - Theo tổ điều hành thị trường trong nước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2006 sẽ không tăng. Điều đó cũng đồng nghĩa: CPI quý I/2006 sẽ đứng ở mức 3,3% (thấp hơn so với  cùng kỳ năm ngoái  - 3,7%).
Giá cả thị trường đồng loạt giảm ảnh 1
Thịt lợn, bò và thực phẩm các loại, cuối tháng 2/2006 đã giảm giá khá nhiều 
                                          Ảnh: Phạm Yên

Sức mua xã hội giảm

Tín hiệu tốt lành đầu tiên cho người tiêu dùng: Giá lương thực, thực phẩm, gas, hàng điện tử, dịch vụ đi lại tháng 3/2006 sẽ giảm nhẹ do mãi lực mua giảm, hoặc bởi tác động của những điều kiện khách quan như giảm thuế, giảm giá nhập khẩu.

Cụ thể hơn, báo giá tháng 3/2006 của Petrolimex tại khu vực phía Nam, giá gas sẽ giảm khoảng 12 ngàn đồng/bình 12 kg; tại thị trường Hà nội, trước việc giá gas nhập khẩu giảm khoảng 40 - 45 USD/tấn, các hãng lớn như Sell, Thăng long gas  đã quyết định giảm từ 10 – 11 ngàn đồng/bình; giá lúa tại ĐBSCL đang giảm mạnh, giá chào gạo xuất khẩu của VN giảm từ  2-3 USD/tấn...

Nhu cầu tiêu thụ sau Tết giảm mạnh nên giá thực phẩm đã giảm trở lại mức bình thường trước Tết. Cụ thể giá thực phẩm chế biến (giò lụa, giò bò) giảm từ 5-10 ngàn đồng/kg.

Do nguồn cung thấp mạnh giá thịt gia cầm sạch tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao 60-70 ngàn đồng/kg; trứng gà, vịt sạch 10-13 ngàn đồng/chục. Vào những ngày này, thị trường điện tử trong nước cũng đang hết sức ảm đạm.

Theo các DN kinh doanh, do tâm lý chờ đợi một đợt giảm giá mới (giá bán có thể hạ tiếp chút ít vì thuế nhập khẩu linh kiện vừa giảm 6%) nên sức mua cả nước hiện chỉ còn khoảng 30-50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đường, phân bón, thuốc chữa bệnh là 3 mặt hàng đang được áp dụng những biện pháp quản lý cần thiết. Tuy giá đường  giảm vì đang vào vụ sản xuất nhưng do giá mía tăng cao nên có thể tháng 3, giá đường vẫn đứng ở mức cao.

Để không xảy ra sốt thiếu đường (Thống kê của Hiệp hội mía đường: Nguồn cung đường năm 2006 vào khoảng 1 triệu tấn đường trong khi nhu cầu sẽ từ 1,25-1,3 triệu tấn ), Hiệp hội mía đường đã kiến nghị Chính phủ khẩn trương cho nhập khẩu ngay từ trong quý I/2006.

Có thông tin: Bộ thương mại đã thống nhất với Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ quyết định cho điều hành nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan và giao thống nhất một đầu mối...

Còn về thuốc chữa bệnh, Tổ điều hành thị trường kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp bình ổn giá, đặc biệt thanh kiểm tra các Cty dược.

Xăng dầu khó điều chỉnh giá theo tháng

Tính đến ngày 23/2,  đã có 5 DN xi măng tăng giá bán từ 20- 40 ngàn đồng/tấn. Thông tin từ Hiệp hội Thép VN: Bắt đầu từ tháng 3/2006 mỗi tấn thép sẽ tăng thêm 100 ngàn đồng,“đẩy” giá thép lên 7 -7,11 triệu đồng/tấn.

Việc giá thép, xi măng đã tăng nhẹ và dự kiến giữa năm sẽ tăng giá khoảng 8,8% của ngành điện (các phương án đang lấy ý kiến) thì nhiều khả năng các mặt hàng trọng yếu năm nay sẽ có nhiều biến động.

Trao đổi với Tiền Phong ngày 27/2, trước động thái nhích giá của thép và xi măng, Cục phó Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thoả cho rằng người tiêu dùng không nên quá lo ngại.

Ông phân tích: Việc thép, xi măng tăng giá nhẹ chỉ là phản ứng của các DN trước “tín hiệu thị trường” (giá nhập khẩu phôi thép tăng 5- 10 USD/tấn, clanhke tăng 3 – 5 USD/tấn).

Điều quan trọng, là mức giá mà các DN đưa ra vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát và trong bối cảnh các dự án, công trình xây dựng đang chững lại thì việc tăng giá thép, xi măng chắc sẽ không quá cao.

“Còn nếu như  có chuyện tăng mạnh (chẳng hạn giá thép lên trên 8 triệu đồng/tấn) thì chắc chắn Nhà nước sẽ áp dụng ngay những biện pháp quản lý cần thiết” - Ông Thoả nhấn mạnh.

Về giá xăng dầu, hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu để có thể điều chỉnh giá theo tháng. Tuy nhiên, theo ông Thỏa  nếu thực hiện thì DN sẽ phải đứng trước cơ hội may rủi (chẳng hạn nhập xăng về giá cao, chưa tiêu thụ hết tháng này, tháng sau giá định hướng đã lại giảm theo giá thế giới hoặc ngược lại... -PV).

Vì vậy cần phải xem xét thận trọng làm sao đảm bảo lợi ích của 3 bên: Nhà nước- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng.

MỚI - NÓNG