Gia cầm không kiểm dịch ào vào thủ đô

Gia cầm chưa kiểm dịch bày bán tràn lan ở các chợ. Ảnh: Tú Nguyễn
Gia cầm chưa kiểm dịch bày bán tràn lan ở các chợ. Ảnh: Tú Nguyễn
TP - Bất chấp cảnh báo dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát trở lại, việc buôn bán và giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc chưa qua kiểm dịch vẫn tràn ngập các chợ nội thành Hà Nội.

> Xét nghiệm huyết thanh gia cầm trước khi tiêu thụ

Gia cầm chưa kiểm dịch bày bán tràn lan ở các chợ. Ảnh: Tú Nguyễn
Gia cầm chưa kiểm dịch bày bán tràn lan ở các chợ. Ảnh: Tú Nguyễn.
 

Tràn lan gia cầm “đen”

Khảo sát của PV tại các chợ cóc, chợ chính ở nội thành Hà Nội cho thấy các tiểu thương vẫn bày bán, giết mổ gia cầm không có dấu kiểm dịch. Tại các chợ quận Đống Đa, sạp bán gà, vịt mổ sẵn bày la liệt cả góc chợ Khâm Thiên, Thái Thịnh.

Một tiểu thương tại chợ Thái Hà lý giải, nguồn gia cầm gà, vịt hàng ngày được lấy mối quen ở Thường Tín nên chất lượng đảm bảo.

Chị Trâm ở Nguyễn Lương Bằng-Đống Đa, mua nửa cân cánh gà với giá 58.000 đồng. Khi được hỏi vì sao mua cánh gà không có dấu kiểm dịch mà không sợ gà nhiễm cúm, chị Trâm trả lời: “Là khách ruột và quen chủ quán lâu rồi nên lấy gà yên tâm, chứ không mua gà ở những mối khác bán trong chợ”.

Quanh cổng chợ Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), có tới hàng chục chiếc lồng đựng gà, vịt, số lượng giết mổ hàng trăm con mỗi ngày.

Chị M. bán gà cho biết, trung bình mỗi ngày chị bán khoảng 100 con và nhận giết mổ 50 con. Dụng cụ mổ gà chỉ là con dao nhỏ và xô nước đã cáu bẩn. Lông lá vứt la liệt trên nền xi măng. Đa phần khách hàng vào mua đều trực tiếp chọn gà, vịt sống, sau đó nhờ làm thịt tại chỗ.

Ở các chợ Hà Đông, Thanh Xuân, Ba Đình..., diễn ra cảnh tương tự. Gà vịt sống hoặc thịt sẵn không hề có bao bì, không có dấu kiểm dịch vẫn bày bán tràn lan. Theo các chủ hàng, họ làm như vậy là theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Một người bán gà sống tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình), khi được hỏi đã trả lời: “Dịch ở đâu chứ ở đây toàn gà, vịt khỏe mạnh. Mấy ngày nay, giá thịt gà có tăng lên đáng kể vì vẫn nhiều người mua. Nếu có dịch, chúng tôi bán tiếp xúc trực tiếp mới đáng ngại, chứ người mua có gì mà lo”.

Thích sử dụng thịt tươi sống

Theo Chi cục Thú y Hà Nội, nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm là rất cao vì thời tiết diễn biến phức tạp. Rét đậm rét hại kéo dài làm giảm sức đề kháng của gia cầm. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, khi giá thành hạ sẽ không quan tâm chăm sóc, phòng chống rét cho gia cầm.

“Hiện số lượng gia cầm của thành phố (TP) rất cao (trên 17 triệu con), nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm trên 60 % nên khó khăn trong việc giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh. Việc kiểm soát vận chuyển từ các tỉnh vào TP cũng còn hạn chế do qua nhiều trục đường giao thông, nhiều loại phương tiện” - đại diện Chi cục Thú y Hà Nội cho biết.

Vì sao tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm ở các chợ nội thành chưa được kiểm soát? Ông Cấn Xuân Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho rằng, do thói quen của người tiêu dùng thích sử dụng thịt tươi sống, ý thức của người kinh doanh buôn bán về sự nguy hiểm với bệnh cúm còn hạn chế.

Trong khi các chợ nội thành, các lò mổ thủ công đang thờ ơ với dịch bệnh, thì nhiều lò mổ, nhiều cơ sở giết mổ được xây dựng hiện đại hoặc phải tạm đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng do không cạnh tranh nổi.

Đơn cử, lò mổ của Cty cổ phần xuất khẩu thực phẩm (Foodex) ở huyện Đan Phượng được đầu tư 30 tỷ đồng, với công suất giết mổ 1.800 con/ngày, hiện mỗi ngày chỉ được 70- 80 con.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Sở đã thành lập 4 đoàn công tác đôn đốc các quận, huyện đề phòng chống dịch cúm gia cầm, nhưng tại một số địa phương chưa thành lập được ban chỉ đạo chống dịch.

“Chúng tôi không đi làm thay việc của họ được. Ngay cuộc họp sau Tết, tôi đã nhận định là sẽ bùng phát dịch, vì các tỉnh xung quanh đã có dịch”- ông Đăng nói.

Khi kiểm tra ở địa chỉ D20/44B1 tổ 1 ấp 4A, Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TPHCM) vào 13 giờ hôm qua, Tổ kiểm tra liên ngành huyện này phát hiện ông Lê Phước đang tổ chức giết mổ heo trái phép. Trọng lượng heo đã giết mổ 74 kg và 10 con heo sống đang chờ giết mổ.

Toàn bộ số hàng trên không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Cùng ngày, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức đã phát hiện xe khách 60L- 3832 do ông Nguyễn Ngọc Long, ngụ tại Trảng Bom, Đồng Nai điều khiển vận chuyển 26 con heo thịt không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Số heo này được ông Long cho biết đưa từ Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu đến TPHCM tiêu thụ.

Ngày 5-3, Đội QLTT số 1, thành phố Lạng Sơn cho biết, vừa bắt giữ 460 kg gà Trung Quốc nhập lậu do Lê Quý Hòa, trú phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn tập kết tại khu đất trống, cạnh QL 1A tuyến Lạng Sơn- Hà Nội, thuộc địa phận phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn.

Trước đó, tại địa điểm này, lực lượng chống buôn lậu phát hiện trên 850 kg gia cầm nhập lậu vô chủ, tập kết chuẩn bị mang về xuôi tiêu thụ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.