Giá cổ phiếu lại rớt rất nhanh

Giá cổ phiếu lại rớt rất nhanh
Chỉ số giá chứng khoán VN-Index hôm 25/4 vọt lên cao nhất 632,69 điểm, nhưng đến hôm qua 25/7 đã tụt một vèo xuống còn 439,66 điểm. VN-Index giảm 11% so với đầu tuần trước và giảm so với đỉnh điểm hồi tháng 4 gần 30%.

Hầu hết các nhà đầu tư ngắn hạn đang rất lo lắng khi cổ phiếu rớt giá mỗi ngày và túi tiền của họ càng bị thâm thủng nặng. Vấn đề đặt ra là tại sao TTCK lại chìm nhanh trong khi quy mô hàng hóa niêm yết giao dịch chưa thấm vào đâu so với tiềm năng hiện nay của các nhà đầu tư?

Nhìn ở góc độ thị trường, các nhà phân tích cho rằng "nhiều lý do bất lợi lại đến cùng lúc chỉ vì TTCK tăng mạnh trong những tháng đầu năm". Đó là lúc mà sự xuất hiện lớp nhà đầu tư mới kiếm tiền quá nhanh khiến cho những vấn đề bất cập của thị trường ngày càng bộc lộ.

Kiến thức đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân vốn dĩ đã không được tốt lắm, lại càng bị xem thường khi nhà đầu tư mới "mua đâu cũng trúng!" Trong khi việc tư vấn cho khách hàng của các CTCK gần như bằng không, vì họ thực sự không có đủ người có năng lực.

Thực tế việc thông tin cho nhà đầu tư của một số CTCK cũng hoàn toàn không đầy đủ. Các CTCK thường chỉ công bố báo cáo lãi lỗ và bản cân đối, bỏ qua các báo cáo quan trọng khác như bảng thuyết minh, báo cáo của kiểm toán, mặc dù các báo cáo này ghi rõ là phần không thể tách rời của báo cáo tài chính.

Thêm nữa, mặc dù TTGDCK TPHCM đã có nâng cao tiêu chuẩn niêm yết, nhưng vẫn sót lại những công ty có chất lượng kém từ trước. Những công ty này do quy mô nhỏ nên rất "dễ vỡ" trước các biến động kinh doanh, số lượng cổ phiếu cũng ít nên giá rất biến động lên xuống mỗi khi có lượng mua bán lớn. Các nhà đầu tư có kinh nghiệm đã cố tránh xa nhưng nó lại trở thành những cái bẫy đối với các nhà đầu tư mới!

Chờ đợi những cổ phiếu mới

TTCK Việt Nam chìm mạnh lúc này đúng vào dịp kỷ niệm 6 năm thành lập và đi vào hoạt động. Nguyên nhân "góp gió thành bão" là hàng loạt các công ty niêm yết (CTNY) có kế hoạch phát hành cổ phiếu quy mô lớn để tận dụng giá thị trường đang thuận lợi. Chẳng hạn Sacombank dự kiến phát hành 30 triệu cổ phiếu trị giá 2.250 tỷ đồng và các công ty khác như Ree, Agifish, Bibica, VF1... cũng rục rịch tăng vốn.

Bên cạnh đó, các công ty quỹ mới thành lập cũng bắt đầu huy động vốn. Quỹ đầu tư của Prudential dự kiến thu hút 500 tỷ đồng nhưng số tiền nhà đầu tư đăng ký mua có lẽ phải gấp 5-6 lần con số ấy. Mặc dù chưa hoạt động, nhưng so với quỹ VF1 hiện được giao dịch trên giá trị ròng, nhiều người bỏ ra 10.300 đồng để có 1 chứng chỉ Quỹ Prudential giá trị ròng 10.000 đồng vẫn hơn là giữ cổ phiếu trên sàn mà không rõ giá trị.

Một điều cũng rất đáng chú ý là lãi suất tiết kiệm lẫn lãi suất cho vay cầm cố chứng khoán đã tăng cao. Với mức lãi vay tương đương trên 13%/năm và tình hình thị trường đi xuống hiện nay thật khó mà thúc đẩy được nhiều người sẵn sàng vay tiền mua chứng khoán.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn không ai rời bỏ thị trường, các quỹ đầu tư hiện tại vẫn đang chờ mua thêm cổ phiếu. Các quỹ mới thu hút vốn như Prudential rồi lại sẽ dùng tiền đó đầu tư vào TTCK. Thị trường hiện tại vẫn còn cao hơn 44% so với đầu năm, một mức lời không dễ có so với các kênh đầu tư khác.

Theo SGGP

MỚI - NÓNG