Giá cổ phiếu sẽ phân hóa

Giá cổ phiếu sẽ phân hóa
Kết quả kinh doanh quý III cho thấy một bức tranh về cơ bản là tích cực khi khá nhiều doanh nghiệp báo cáo lãi và hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng.
Giá cổ phiếu sẽ phân hóa ảnh 1

Đây sẽ là sự hỗ trợ cho thị trường khi nỗi lo về tác động từ những khó khăn chung của nền kinh tế được giải tỏa phần nào.

Mừng trong khó khăn

Trong mảng tài chính, những con số được trông chờ nhất là khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán và năng lực đầu tư của những DN này khi hàng loạt DN "đánh tiếng" bán ra như REE, Sacom, SSI. Với SSI, "con sóng" lớn từ tháng 6 đến tháng 8 cũng đem lại 417,24 tỷ đồng tổng doanh thu và lãi đầu tư trong quý III.

SAM lãi quý III đạt 152,99 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đã có lãi 87,47 tỷ đồng. Với REE mảng tài chính quý III bắt đầu trích lập dự phòng cho cả CK trên thị trường OTC với khoảng 121,6 tỷ đồng, nâng tổng số dự phòng lên trên 395 tỷ đồng khiến lợi nhuận âm 164,8 tỷ đồng. Đặc biệt khoản chi phí tài chính của nhiều DN đã giảm mạnh do giảm vay và tỷ giá ổn định.

Cty Công nghiệp gốm sứ Taicera (TCR) là ví dụ khi chi phí tài chính giảm gần 22 tỷ đồng (64%) so với quý II nhờ tỷ giá VND/USD ổn định ở mức thấp; Cty dây và cáp điện Taya (TYA) mặc dù doanh thu giảm 4% nhưng lợi nhuận sau thuế tăng gần 4 lần quý II nhờ hưởng lợi tỷ giá.

Đối với ngành hàng sản xuất, quý III đã xuất hiện những nghi ngại tác động ngược chiều so với quý I và II về mức độ tồn kho nguyên vật liệu và hàng hoá của DN.

Đặc biệt thời điểm đầu năm 2008, khi giá dầu và nguyên liệu tăng cao, không ít DN đã hưởng lợi lớn từ việc trữ được khối lượng nguyên liệu giá rẻ từ cuối 2007, từ đó giá vốn hàng bán giảm trong khi giá tiêu thụ cao, đem lại lợi nhuận đột biến.

Tuy nhiên, lợi thế đó có thể sẽ gây khó khăn trong những tháng của quý 3 khi giá dầu và nguyên vật liệu giảm mạnh. Những lĩnh vực sản xuất hàng hoá mà nguyên liệu đầu vào liên quan đến sản phẩm dầu mỏ, thép, caosu... đều chịu tác động nhất định.

Tuy nhiên thực tế các DN có những chiến lược khác nhau để đối phó với tình trạng này. Với lĩnh vực thép xây dựng, biến động về giá phôi cũng như nguồn cung và thị trường tiêu thụ đã tác động đến một số DN, làm giảm sản lượng và doanh thu.

Tập đoàn Hòa Phát - DN từng "gây sốc" khi đạt kết quả kinh doanh cực kỳ ấn tượng trong hai quý đầu năm nhờ lợi thế nguyên liệu - trong báo cáo quý III đã phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 61 tỷ đồng. Tuy nhiên, 9 tháng DN này vẫn vượt 46% kế hoạch lợi nhuận cả năm (tính cả khoản trích lập dự phòng), tăng 163% so với cùng kỳ 2007. Theo thông tin từ Hòa Phát thì thị phần thép của Cty trong tháng 9 vẫn tăng trưởng 3 - 4% so với đầu năm.

Với Cty thép Việt Ý (VIS), trong bối cảnh giá phôi thép và thép thành phẩm tăng mạnh vào cuối quý II nhưng lại mất giá nghiêm trọng vào cuối quý III, Cty đã "nhanh tay" tiêu thụ gần hết số thành phẩm tồn kho sản xuất với giá nguyên liệu cao và nhập nguyên liệu giá thấp cho quý IV.

Khối lượng sản xuất của VIS quý III chỉ bằng 47% quý II và giá trị tổng sản lượng chỉ bằng 36% nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng 52% chính là nhờ lợi thế nguyên liệu.

Cơ hội từ áp lực bán kỹ thuật

Tính đến thời điểm này, gần như toàn bộ các DN niêm yết trên cả hai sàn đã công bố báo cáo tài chính quý 3. Nhìn tổng thể, đa số các DN vẫn giữ được mức tăng trưởng sản xuất và có lãi, thậm chí nhiều DN lãi lớn. Điều đó cho thấy sức chịu đựng của DN niêm yết có thể mạnh hơn dự đoán của thị trường.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những con số chưa được kiểm toán và thực tế cũng có nhiều DN công bố lỗ trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Theo đánh giá của CTCK Bảo Việt, thực tế các khó khăn của DN sẽ được thể hiện chủ yếu trong báo cáo quý III và quý IV.

Báo cáo phân tích quý III của Bảo Việt cho rằng kết quả kinh doanh của 2 quý cuối 2008 và năm 2009 sẽ có sự phân hoá rõ giữa các nhóm DN theo quy mô vốn hoá.

20 Cty có vốn hoá thị trường lớn nhất HoSE sẽ tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh tốt trong năm 2008 và có mức tốc độ tăng trưởng EPS ở mức khoảng 10 - 15% trong năm 2009.

Khối DN này có thương hiệu, quy mô vốn lớn và mức độ tín nhiệm tín dụng cao sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn với chi phí thấp. Bên cạnh đó, giai đoạn khó khăn hiện tại lại là cơ hội cho các DN lớn bứt phá.

Khối DN có quy mô vốn trung bình và nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn trong giai đoạn tới khi phần nào bị mất thị phần do khối này sẽ gặp khó khăn hơn do chi phí tăng cao cũng như khả năng triển khai dự án.

Thực tế liên tiếp nhiều ngày qua, mặc dù một số DN lớn đã công bố báo cáo tài chính quý rất khả quan, thậm chí vượt kế hoạch cả năm một cách chắc chắn thì giá vẫn liên tiếp giảm.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ hoạt động bán ra rất mạnh của NĐTNN, thậm chí có phiên chiếm gần như toàn bộ khối lượng giao dịch. DPM, HPG, PPC, SAM, ITA, PPC, VNM, REE là những CP chịu tác động lớn nhất đồng thời cũng là những nhân tố chính tạo nên hình ảnh bán ròng liên tiếp của khối ngoại trên TTCKVN.

Những blue-chips này được NĐTNN sở hữu với khối lượng lớn và chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc cơ cấu danh mục khiến giá giảm mạnh. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho những NĐT khác khi giá giảm xuống quá mức do những phiên bán kỹ thuật như vậy.

Thực tế đã xuất hiện nhiều dấu hiệu mua thâu tóm của NĐTTN tại các vùng giá thấp và giải quyết hết số lượng bán của NĐTNN.

Theo Hoàng Nguyên
Lao động

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.