Giá dầu thô tăng lên xấp xỉ 71 USD/thùng

Giá dầu thô tăng lên xấp xỉ 71 USD/thùng
Ngày 30/8, giá dầu thô tại thị trường New York (NYMEX) đột ngột tăng đến mức kỷ lục 70,80 USD/thùng sau khi có tin cơn bão Katrina phá huỷ hai giàn khoan và nhiều cơ sở sản xuất dầu khí ở Vịnh Mexico. 
Giá dầu thô tăng lên xấp xỉ 71 USD/thùng ảnh 1

Khu vực ngoài khơi Vịnh Mexico bình thường mỗi ngày sản xuất 1,5 triệu thùng dầu, tương đương 2% lượng dầu mỏ của thế giới sản xuất trong ngày, cung cấp khoảng 25% nhu cầu trong nước của Hoa Kỳ.

Do ảnh hưởng của bão Katrina, hơn 90% cơ sở sản xuất dầu mỏ trên Vịnh Mexico phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, đến cuối ngày 30/8 giá dầu thô trên thị trường thế giới lại giảm nhẹ xuống mức hơn 67 USD/thùng.

Đây vẫn là mức giá rất cao trong lịch sử giá dầu thế giới. Điều này đã ngay lập tức tác động mạnh đến thị trường xăng dầu toàn cầu đặc biệt là gây ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng ở các nước châu Á.

Giá xăng ở Singapore đã lên tới 1,20 USD/lít, tăng hơn 20% so với giá bán lẻ sáu tháng trước đó. Những người châu Á, dù giàu hay nghèo, đều đang bị ảnh hưởng của cơn bão Katrina đổ bộ vào các khu vực sản xuất dầu mỏ ở miền Nam nước Mỹ từ hôm 29/8.

Các hãng vận tải và dịch vụ công cộng đã bắt đầu lên kế hoạch tăng giá tiền, các hãng hàng không cũng có khả năng tăng tiền vé trước các kỳ nghỉ cuối năm nay, và các hiệp hội cũng đã chuẩn bị để đối phó với những cuộc bãi công hay đóng cửa nhà máy.

Indonesia là một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhưng vẫn là một nước nhập khẩu dầu mỏ vì không thể đáp ứng nhu cầu trong nước.

Giá dầu trong nước được bao cấp đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền tài chính chung và điều này làm tăng áp lực đối với đồng Rupia, nhưng việc cho phép các lực lượng thị trường đưa ra giá nhiên liệu có thể dẫn đến tình trạng bất ổn định xã hội cho nước này.

Tại Philippines, nhân viên văn phòng Ciriaco Toledo, 50 tuổi, đã mua một chiếc xe máy 112 phân khối của Nhật Bản để đi lại trên quãng đường 30km từ nhà đến cơ quan.

Giá dầu đã tăng gần như hàng tuần  trong hơn một tháng qua, khiến giá vé các loại phương tiện giao thông tăng và tổ chức lao động cánh tả Phong trào 1/5 Movement (KMU) có kế hoạch tiến hành biểu tình vào tháng tới để phản đối tăng giá xăng dầu.

Ở Australia, hãng hàng không Qantas tuần trước tăng tiền thuế nhiên liệu mà hành khách phải trả lần thứ năm trong một năm qua do giá dầu cao, trong khi các hãng hàng không khác thông báo họ cũng có kế hoạch tương tự.

Tại Nhật Bản, các nhà phân phối dầu mỏ lớn thông báo họ sẽ tăng mức giá bán buôn thêm 2 yên (18 xu đôla)/lít trong tháng 9, trong khi Japan Airlines (JAL), hãng hàng không lớn nhất châu á,  cho biết họ đang xem xét tăng giá vé vào đầu năm tới.

Phó Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak đã hé lộ khả năng chính phủ có thể tăng giá nhiên liệu nếu giá dầu trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục tăng cao.

Một số nước như Pakistan và Ấn Độ, đang nỗ lực để bảo vệ người dân khỏi ảnh hưởng của cơn lốc tăng giá nhiên liệu trên toàn cầu, nhưng điều này lại đang làm tăng gánh nặng tài chính quốc gia.

Ngay cả các nước giàu dầu mỏ như Brunei, Bộ trưởng Năng lượng Yahya Bakar cũng phải kêu gọi người dân kiềm chế tiêu thụ năng lượng.

MỚI - NÓNG