Giá điện bất ngờ tăng từ 1/12: Người dân than trời

TP - Với việc tăng giá điện sẽ khiến người dân, đặc biệt là nông dân, công nhân, người ở trọ vốn đã khó khăn lại thêm gánh nặng cho các khoản chi phí sinh hoạt.

So với mức tăng 7,5% của đợt điều chỉnh lần trước vào tháng 3/2015, lần này, mức tăng thấp hơn. Tuy nhiên, với mức tăng 6,08%, giá bán lẻ điện bình quân tăng lên mức hơn 1.720 đồng một kWh, cùng với việc thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt với 6 bậc có mức giá tăng dần, khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại.

Dù thông tin tăng giá điện mới được công bố nhưng từ nhiều ngày trước, các chủ trọ ở TPHCM đã sớm thông báo cho người thuê phòng về việc sẽ tăng nâng giá điện cao hơn bình thường. Bà Nguyễn Thị Dung (chủ khu trọ hơn 20 phòng ở quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết, khu trọ của bà đa số là sinh viên và công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Với mức giá hiện hành, mỗi tháng đến kỳ đóng tiền điện, người thuê trọ đã than lên than xuống, giờ nhà nước tăng giá thì buộc bà cũng phải tăng theo. “Thu nhập của công nhân, sinh viên chẳng được bao nhiêu mà điện, nước, chi phí sinh hoạt cứ tăng lên như vậy thì làm sao họ chịu nổi?”, bà Dung nói.

Cũng như bà Dung, bà Lê Thị Hạnh (chủ hai dãy phòng trọ tại Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM) cho hay, bình thường giá điện áp dụng cho các phòng trọ là 3.500 đồng/kwh, nay nhà nước tăng giá thì bà cũng tăng thêm khoảng 1.000 đồng/kwh. Dù mức tăng không cao lắm nhưng khi tính chung cả khu trọ cộng lại, kèm theo thuế VAT nữa thì sinh viên ở trọ cũng phải tăng thêm một khoản kha khá để bù vào tiền điện.

Sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Linh (ở trọ tại quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết, với giá điện như hiện nay đã là gánh nặng rồi, giờ tăng thêm sẽ khiến nhiều sinh viên phải chắt chiu hơn trong các khoản sinh hoạt để trả tiền điện. “Lâu nay bọn em đóng 3.000 đồng/kwh, cách đây mấy ngày, chủ trọ qua thông báo sẽ tăng lên 4.500 đồng/kwh do giá điện nhà nước tăng. Bình thường mỗi tháng phải trả 300.000 đồng tiền điện là bọn em đã thấy khó rồi, giờ tăng lên nhiều như vậy, bọn em chưa biết xoay xở thế nào”, Linh lo lắng.

Tương tự, chị Trần Thị Lan Anh (công nhân thuê nhà tại quận Bình Tân) rất lo lắng khi giá điện tăng thêm hơn 6% khiến mỗi tháng gia đình chị chi phí thêm khoảng 500.000 đồng. Chị cũng lo ngại giá điện tăng thì giá cả hàng hóa khác cũng sẽ tăng theo. “Vợ chồng tôi tổng lương thu nhập, tính cả tăng ca chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Chi phí đó vừa đủ trả tiền thuê nhà trọ, nuôi hai đứa con đi học, còn dư vài trăm để dành phòng khi đau ốm. Giờ điện tăng, gas tăng, thực phẩm tăng nữa… tôi chưa biết phải xoay thế nào khi năm hết, tết đến”, chị Lan Anh nói.

Điện tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của công nhân, người dân ở thành thị mà người dân sống bằng nghề nông cũng thấp thỏm lo âu khi chi phí cho sản xuất nông nghiệp tăng thêm. “Cộng tiền điện, phân bón, công chăm sóc thì mỗi sào rau làm ra lời lãi chẳng được bao nhiêu. Giờ điện lại tăng giá thì mỗi tháng chúng tôi phải thêm vài triệu đồng cho việc tưới tiêu, thắp đèn chiếu sáng, nông dân thêm khó khăn”, ông Hoàng Văn Nam (54 tuổi, nông dân trồng rau ở quận 12, TPHCM) nói.

“Cộng tiền điện, phân bón, công chăm sóc thì mỗi sào rau làm ra lời lãi chẳng được bao nhiêu. Giờ điện lại tăng giá thì mỗi tháng chúng tôi phải thêm vài triệu đồng cho việc tưới tiêu, thắp đèn chiếu sáng, nông dân thêm khó khăn”.            

            Ông Hoàng Văn Nam (54 tuổi, nông dân trồng rau ở quận 12, TPHCM)

MỚI - NÓNG