Giá điện sẽ tăng từ 12,7 đến 21%

Giá điện sẽ tăng từ 12,7 đến 21%
TP - Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, giá điện sinh hoạt bậc thang 100 kwh đầu tiên từ 550 đồng/kwh hiện nay lên 620 đồng/kwh (tăng 12,7%). Dự kiến áp dụng thời gian tăng giá từ 1/12/2006.
Giá điện sẽ tăng từ 12,7 đến 21% ảnh 1

Giá điện tăng sẽ kéo theo việc tăng giá nhiều mặt hàng khác.   Ảnh: Phạm Yên

Bộ Tài chính đã nhất trí với phương án tăng giá điện đồng thời đề nghị Bộ Công nghiệp sớm hoàn tất đề án trình Chính phủ và dự kiến áp dụng thời gian tăng giá từ 1/12/2006.

Tại sao giá điện tăng vào thời điểm này? Giá điện sẽ tăng thế nào và tác động của nó đến đời sống sản xuất tiêu dùng ra sao? Bên lề hội nghị Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết: 

Có 3 lý do chính để điều chỉnh giá điện vào thời điểm này. Thứ nhất, chỉ số giá tiêu dùng năm 2006 có khả năng đạt khoảng dưới 7%, thấp hơn so với một số năm trước. Thứ hai, giá xăng dầu thế giới đang diễn biến ở mức độ thấp. Thứ ba, để tránh tác động cộng hưởng khi đồng thời điều chỉnh giá một số vật tư cơ bản vào đầu năm 2007.

Việc điều chỉnh giá lần này chính là một trong ba bước của lộ trình điều chỉnh giá điện từ nay đến năm 2010. Bước 1: Thực hiện từ 1/12/2006, điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng 8,8%, từ 783 đồng/kwh lên 852 đồng/kwh.

Bước 2: Thực hiện từ 1/7/2008, điều chỉnh giá bình quân lên mức 890 đồng/kwh, tức là tăng 4,5% so với bước một. Bước 3: Thực hiện từ năm 2010, áp dụng cơ chế điều chỉnh theo biến động của giá bán điện xác định trên thị trường phát điện cạnh tranh và biến động của các yếu tố đầu vào khác có liên quan.

Vậy các mức tăng cụ thể dự kiến sẽ là bao nhiêu, thưa ông?

Đối với điện bán cho sản xuất, không tăng giá điện sản xuất giờ bình thường và giờ thấp điểm; tăng 20% giá bán điện giờ cao điểm của tất cả các đối tượng; xóa bỏ giá bán điện ưu đãi đối với các ngành sản xuất đặc thù từ 1/7/2008 (sản xuất nước sạch, luyện thép, urê, phốt pho, tuyển quặng apatít…) - những ngành hiện đang bán điện thấp hơn các hộ bình thường khoảng 6 – 10%.

Giá điện bán cho cơ quan hành chính sự nghiệp và kinh doanh dịch vụ sẽ tăng 12%. Đối với điện sinh hoạt nông thôn sẽ vẫn giữ giá trần 700 đồng/kwh như hiện nay.

Đối với điện sinh hoạt bán lẻ sẽ tăng giá bán điện sinh hoạt bậc thang 100 kwh đầu tiên từ 550 đồng/kwh hiện nay lên 620 đồng/kwh (tăng 12,7%); giá bán điện sinh hoạt bậc thang trên 100 kwh đến dưới 400 kwh sẽ tăng từ 15% - 21%; bổ sung bậc thang giá điện sinh hoạt trên 400 kwh với giá 1.780 đồng/kwh (thay cho 1.400 đồng trước đây).

Tăng giá điện là tăng “đầu vào” của nhiều ngành sản xuất. Khi đề xuất tăng giá, Bộ Tài chính đã tính đến tác động của giá mới chưa?

Chúng tôi đã tính toán cụ thể đối với các ngành hàng sản xuất, đối với đời sống cũng như đến chỉ số giá tiêu dùng. Nếu thực hiện tăng giá điện 20% vào giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm không tăng, thì bình quân giá điện sản xuất sẽ tăng 4%.

Đây là mức tăng thấp nên tác động không nhiều đến sản xuất, kinh doanh. Nếu các DN bố trí hợp lý lại lịch sản xuất của mình bằng cách hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm thì có thể khắc phục được.

Đối với một số DN do đặc thù của ngành không thể ngừng sản xuất vào giờ cao điểm, như nung clinker để sản xuất xi măng, sản xuất nước sạch thì Bộ cũng tính toán, mức giá tăng bình quân là 4% thì tác động trực tiếp cũng rất thấp. Cụ thể hơn các ngành: thép, than, xi măng và các sản phẩm công nghiệp chủ yếu khác dự tính chi phí sẽ tăng thêm từ 0,04% - 0,91%.

Về tác động đối với đời sống, nếu điều chỉnh giá điện theo phương án trên thì mỗi hộ sử dụng điện sẽ phải trả thêm tiền điện mỗi tháng như sau: dùng 50 kwh/tháng phải trả thêm 3.500 đồng, 100 kwh thêm 7.000 đồng, 150 kwh thêm 13.750 đồng, 200 kwh thêm 24.000 đồng…, 500 kwh thêm 117.000 đồng. Riêng với giá điện nông thôn vẫn giữ giá trần hiện nay là 700 đồng/kwh.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, cơ quan hành chính sự nghiệp, mức tăng giá điện 12% đòi hỏi các đơn vị phải sử dụng tiết kiệm, đặc biệt là trong giờ cao điểm.

Ngân sách nhà nước không chi thêm kinh phí thường xuyên do tăng giá điện đối với khối cơ quan hành chính sự nghiệp. Dự kiến lần tăng giá điện này sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng là tăng thêm 0,25%.

Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), người dân kỳ vọng giá cả các mặt hàng trong nước sẽ rẻ hơn. Bộ Tài chính cũng khẳng định xu hướng này trong báo cáo về tác động từ WTO.

Tuy nhiên chỉ trong vòng hơn tháng qua, người dân phải liên tục đón nhận thông tin về khả năng tăng giá than, xi măng, sắt thép và nay là giá điện. Ông nói gì về sự trái ngược này?

Đúng là xu hướng chung là giá cả trong nước sẽ giảm theo lộ trình gia nhập WTO. Gia nhập tức là giảm thuế, hàng ngoài vào cạnh tranh, giảm bớt độc quyền ở một số ngành hàng. Nhưng ở đây chúng ta cần phải tính đến độ trễ của nó, tức là phải một thời gian nữa...

Xin cảm ơn ông !

Khánh Huyền thực hiện

MỚI - NÓNG