Giá đường lại tăng, người tiêu dùng thiệt kép

Giá đường lại tăng, người tiêu dùng thiệt kép
TP - Giá đường bán lẻ ngày 10 - 1 lên tới 22.000 đồng/kg, cao đến mức chính đại diện cơ quan quản lý nhà nước phải thừa nhận đây là mức giá vô lý, quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Giá đường tại các siêu thị lớn ở Hà Nội như Fivimart, Hapromart, Intimex đã đồng loạt tăng giá mạnh trong những ngày gần đây, lên tới 22.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 12-2009. Nếu so với mức giá của tháng 10 - 2009, giá đường đã tăng thêm gần 5.000 đồng.

Tại nhiều chợ ở Hà Nội, giá đường bán lẻ cũng được điều chỉnh tăng ngay từ khi bước sang đầu năm 2010, phổ biến ở mức 21.000 đến 23.000 đồng/kg tùy từng chợ.

"Giá đường được điều chỉnh tăng từ đầu tháng 1. Chúng tôi không biết vì sao giá đường tăng cao nhanh như vậy nhưng theo dự báo giá đường sẽ còn tăng tiếp từ nay đến Tết Nguyên đán"- Nhân viên của Siêu thị Hapromart số 5 Nam Bộ, Hà Nội cho biết.

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Đối ngoại Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, giá đường tăng cao cũng là nguyên nhân chính kéo theo việc các doanh nghiệp ngành sữa và bánh kẹo tăng giá bán các sản phẩm thời gian qua.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định giá đường hiện nay đang cao một cách bất hợp lý. Giá đường cao đã kéo dài mấy tháng nay, thậm chí vào đến chính vụ mà giá vẫn cao chót vót.

Ở đất nước nông nghiệp như Việt Nam mà đường có giá 22.000 đồng/kg là không thể chấp nhận được. Nhà máy nêu lý do phải mua mía giá cao và giá đường thế giới cao nhưng lại quên rằng Việt Nam không nhập toàn bộ đường thế giới về bán trong nước. Vì vậy giá đường thế giới chỉ là tham khảo, không thể vì thế giới cao nên chúng ta phải bán cao lên.

Theo ông Xuân, việc bảo hộ sản xuất trong nước là đúng nhưng bảo vệ sản xuất trong nước là bảo vệ ai: Bảo vệ 40 nhà máy đường, bảo vệ mấy triệu người dân trồng mía hay bảo vệ hơn 80 triệu người tiêu dùng. Nếu theo quy luật số lớn thì phải bảo vệ mấy chục triệu người tiêu dùng.

"Còn nói mỗi người tiêu dùng cả tháng chỉ dùng hết một kilôgam đường nên tốn thêm vài nghìn đồng là vô trách nhiệm. Không phải vì ít đường, giá trị thấp mà chúng ta không quan tâm. Nếu doanh nghiệp làm cho người tiêu dùng thiệt một xu thì cũng phải động lòng trắc ẩn, phải xử lý"- Ông Xuân khẳng định.

Theo ông Xuân, việc Bộ NN&PTNT cho rằng chỉ nên cho nhập đường thô về để các nhà máy tinh luyện lại rồi bán cho các đơn vị sử dụng đường cũng là quan điểm không đúng. Thị trường đường đã rất tù mù, thao túng rồi nếu cho ông nhập khẩu thêm hạn ngạch thuế quan thì khác gì bình phương sự lũng đoạn, độc quyền của ông.

Lý giải về việc giá đường trong nước tăng cao, một lãnh đạo Tổng Công ty Mía đường 1, Bộ NN&PTNT cho rằng giá đường trong nước cao là do giá đường thế giới thời gian qua tăng rất cao.

Giá đường giao kỳ hạn tháng 3-2010 tại thị trường Luân Đôn là 738 USD/tấn. Với mức giá này nhập về Việt Nam thì rẻ nhất cũng phải tới 16.500 đồng/kg. Các doanh nghiệp trong nước căn cứ trên mức tăng này để tăng giá bán. Một nguyên nhân nữa là do sự mất cân đối rất lớn giữa cung và cầu đường ở Việt Nam.

Ông này cũng thừa nhận giá đường bán lẻ trên thị trường đang cao một cách không hiểu nổi. Tổng công ty bán buôn cho các đại lý cấp một và hai và các doanh nghiệp lớn ở mức 14.000 đến 14.500 đồng/kg nhưng không hiểu chi phí của họ phát sinh thế nào mà đến tay người tiêu dùng lại lên tới 22.000 đồng/kg.

Đang thiếu hụt 700.000 tấn đường?

Theo Bộ NN&PTNT, diện tích mía vùng nguyên liệu tập trung của các nhà máy niên vụ 2008 - 2009 giảm khoảng 17.000 ha. Tổng sản lượng mía cả nước khoảng 13,5 triệu tấn, giảm 19% so với niên vụ trước. Năng suất mía bình quân cũng giảm xuống còn gần 50 tấn/ha. Dự báo lượng đường niên vụ 2009 - 2010 thiếu hụt khoảng trên 300.000 tấn.

Ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản & Nghề muối xác nhận, gần như cả 40 nhà máy đường trên cả nước trong niên vụ này đều thiếu nguyên liệu. "Niên vụ 2008 - 2009, sản xuất đường của cả nước chỉ đạt xấp xỉ 1 triệu tấn trong khi nhu cầu tiêu dùng khoảng 1,3 triệu tấn. Đây là nguyên nhân khiến giá tăng"- Ông Lê Xuân cho biết.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, năm 2010 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 300.000 tấn đường. Nhưng qua trao đổi với các doanh nghiệp sản xuất đường thì mức thiếu đường thực tế của năm 2010 phải lên tới 700.000 tấn. Tôi cho rằng, việc nâng quota nhập khẩu năm 2010 lên 150.000 tấn chưa chắc đã đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Lãnh đạo Tổng Công ty Mía đường 1 thì dự báo thiếu khoảng 400.000 tấn đường là chắc chắn.

"Câu chuyện thừa, thiếu của vùng nguyên liệu vẫn loay hoay không giải quyết được trong mấy chục năm nay. Có những lúc như năm 2008, tiền bán mía của người trồng không đủ để thuê nhân công chặt mía. Đây là câu chuyện rất lớn" - Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Thị trường trong nước, Bộ Công Thương.
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.