Giá gạo cấp thấp tăng đột biến

Mua bán gạo tại chợ Bà Đắc (Tiền Giang) Ảnh: C.K
Mua bán gạo tại chợ Bà Đắc (Tiền Giang) Ảnh: C.K
TP - Nguồn cung thiếu hụt, trong khi nhu cầu sử dụng cao đã đẩy giá gạo cấp thấp tại ĐBSCL những ngày gần đây tăng mạnh.    

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long), gạo IR50404 thành phẩm tại các kho của doanh nghiệp ở ĐBSCL hiện được giao dịch với giá khoảng 10.000-10.200 đồng/kg. Còn giá gạo nguyên liệu là 8.300-8.500 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với hai tháng trước. “Đây là mức giá tăng rất mạnh được ghi nhận trong nhiều năm qua đối với phân khúc gạo cấp thấp”, ông nói.

IR50404 là giống lúa cấp thấp dùng để sản xuất gạo 5% và 25% tấm. Theo tìm hiểu của PV, tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang (được xem là chợ gạo lớn nhất miền Tây) những ngày đầu tháng 4, gạo IR50404 nguyên liệu có giá 8.400-8.500 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với khoảng hai tháng trước.

Ông Thành cho rằng, giá tăng mạnh không phải do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, mà chủ yếu do 3 nguyên nhân khác. Thứ nhất, nhu cầu gom hàng của các doanh nghiệp để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký tăng cao. Thứ hai, nhu cầu sử dụng làm bột, bánh gia tăng. Thứ ba, Việt Nam chuẩn bị cho nguồn dự trữ quốc gia 90.000 tấn thóc và 150.000 tấn gạo với phân khúc được chọn là IR50404.

Ngoài ra, khoảng hai năm gần đây, khi gạo thơm đặc sản và gạo nếp được giá, các vùng trồng lúa IR50404 cắt giảm diện tích để chuyển sang lúa thơm và nếp. Diện tích giống lúa IR50404 trước đây luôn chiếm trên 30% tổng diện tích gieo sạ của toàn vùng ĐBSCL, nhưng vụ Đông Xuân vừa qua chỉ còn 12,6%.

Tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 vừa qua, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết, tổng diện tích xuống giống toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1,5 triệu ha. Trong đó, nhóm giống đặc sản, lúa thơm như Đài Thơm, RVT, Tài Nguyên, Nàng Hoa 9… chiếm đến 45,2%; nhóm chất lượng cao như OM5451, OM4900, OM7347, OM6976… chiếm 28,46%; nếp chiếm 10,72%; giống trung bình thấp (IR50404) chiếm 12,6% và còn lại là các giống khác.

Theo bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực - Thực phẩm Long An, còn một nguyên nhân khác là không có nguồn hàng từ Campuchia sang. “Hằng năm có một lượng lúa gạo nhất định từ Campuchia chảy sang, nhưng năm nay do lệnh cấm biên nên lượng hàng này không có”, bà nói. 

MỚI - NÓNG