Giá gạo tăng là do đầu cơ!

Giá gạo tăng là do đầu cơ!
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN khẳng định : hiện tượng giá lúa gạo đã tăng rất mạnh hiện nay không phải  do thiếu hụt lương thực mà chủ yếu là do đầu cơ.

>> Người dân đổ xô đi mua gạo

Giá gạo tăng là do đầu cơ! ảnh 1
Khoảng 19g tối 26-4, quầy hàng bán gạo của Co.op Mart (đường Hai Bà Trưng, TP Long Xuyên, An Giang) đã "cấp tốc" treo thêm tấm biển: "Mỗi khách hàng chỉ mua gạo tối đa 10kg" . Ảnh : Tuổi trẻ. 
Giá gạo tăng là do đầu cơ! ảnh 2
Ông Trương Thanh Phong (chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN): Tôi khẳng định hiện tượng này không phải  do chúng ta thiếu hụt lương thực mà chủ yếu xuất phát từ tình trạng đầu cơ

Giá gạo đang tăng chóng mặt. Đâu là nguyên nhân của hiện tượng này, thưa ông?

 - Quả thật giá lúa gạo đã tăng rất mạnh trong thời gian gần đây, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người tiêu dùng nội địa, nhất là những người nghèo. Tuy nhiên, tôi khẳng định hiện tượng này không phải do chúng ta thiếu hụt lương thực mà chủ yếu xuất phát từ tình trạng đầu cơ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều đối tượng đã và đang tham gia đầu cơ gạo, đẩy giá mặt hàng này tăng lên. Trong đó, hầu hết các cơ sở xay xát, các doanh nghiệp cung ứng gạo đều tham gia. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trước nay chủ yếu kinh doanh các mặt hàng nông sản khác như hạt tiêu hay cà phê, chưa từng tham gia kinh doanh gạo, nay cũng chuyển hướng đầu tư vốn thu gom gạo để đầu cơ.

Và theo như một số địa phương phản ảnh, một số "đại gia" chứng khoán cũng bắt đầu chuyển hướng đổ vốn vào đầu cơ gạo. Tại một số địa phương có hoạt động đánh bắt xa bờ, nhiều chủ tàu cá tranh thủ thu gom gạo, mỗi chuyến biển đem theo 5-10 tấn gạo, đưa ra bán cho các tàu cá của một số nước khác trong khu vực với giá cao để hưởng chênh lệch...

Nhưng liệu các doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu cũng sẽ tham gia gom hàng để giao hàng và để đầu cơ chờ giá lên?

- Trong tuần tới, VFA sẽ họp với các doanh nghiệp thành viên để bàn biện pháp ổn định thị trường gạo nội địa. Tuy nhiên, tôi cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu không có nhu cầu mua gạo bằng mọi giá vào thời điểm này.

Như chúng ta đều biết chỉ tiêu xuất khẩu gạo của VN năm nay chỉ khoảng 3,5-4 triệu tấn, trong đó đến hết tháng 9-2008 cũng chỉ được ký hợp đồng không quá 3,2 triệu tấn. Cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu với khối lượng hơn 2,2 triệu tấn và đã giao được khoảng 1,2 triệu tấn. Theo số liệu kiểm tra của VFA, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp hiện còn hơn 1,1 triệu tấn, hoàn toàn đảm bảo đủ số lượng giao hàng theo hợp đồng từ nay đến hết tháng 6-2008.

Như vậy, so với cùng thời điểm này mọi năm, sản lượng gạo ký hợp đồng cũng như giao hàng đều ít hơn, do đó có thể khẳng định hoạt động xuất khẩu không phải là yếu tố gây ảnh hưởng nhiều đến cung cầu ở thị trường nội địa. Cũng cần nói thêm là so với mọi năm, vụ đông xuân năm nay tại ĐBSCL trúng mùa hơn, nhiều nơi lúa đạt năng suất cao hơn năm trước khoảng 2 tạ/ha. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng thông tin về giá gạo trúng thầu xuất khẩu khá cao mới đây tác động ít nhiều đến giá tại thị trường nội địa, dù sản lượng tham dự thầu đợt này (17-4) rất ít, chỉ khoảng 80.000 tấn.

Vậy VN hoàn toàn không có nguy cơ thiếu gạo trong thời gian tới, nhưng phải làm gì trước cơn sốt ảo hiện nay?

- Sản lượng gạo được phép ký hợp đồng xuất khẩu năm nay thấp hơn nhiều so với mọi năm, trong khi ĐBSCL lại trúng mùa nên nguy cơ thiếu gạo hoàn toàn không thể xảy ra. Ngoài ra, theo thông tin kiểm tra ban đầu của chúng tôi, nhiều khả năng lúa hè thu năm nay tại khu vực này cũng được mùa. Trong đó lúa hè thu sớm, bắt đầu thu hoạch vào đầu tháng sáu tới, được dự báo sẽ đạt năng suất khá cao. Do đó người dân không có gì phải lo lắng.

Để ổn định giá gạo tại thị trường nội địa, tôi cho rằng ngoài việc hạn chế xuất khẩu, các cơ quan chức năng phải phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hiện tượng đầu cơ làm giá và xuất gạo lậu. Về phía VFA, trong buổi làm việc với các doanh nghiệp tới đây, chúng tôi sẽ bàn bạc để đưa ra một số giải pháp bình ổn giá gạo tại thị trường nội địa.

Theo Đình Phúc
Tuổi trẻ

Siêu thị bán gạo theo định mức

Chiều 26-4, ông Ngô Văn Hải - phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đông Hưng, chủ đầu tư chuỗi hệ thống siêu thị Citimart - xác nhận trong số hai nhà cung cấp gạo cho chuỗi hệ thống siêu thị Citimart, nhà cung cấp gạo mang thương hiệu Rồng Vàng đã từ chối cung cấp gạo với lý do "không có hàng". Với nhà cung cấp mang thương hiệu gạo Công Nhân, dù có hàng để giao nhưng số lượng chỉ khoảng vài trăm ký, thay vì 1-2 tấn như đơn đặt hàng lâu nay từ phía siêu thị.

Bà Lê Thị Quỳnh Chi, phó giám đốc marketing của Saigon Co-op, xác nhận đã có một số nhà cung cấp gạo gửi thông báo tăng giá, "nhưng chúng tôi vẫn đang xem xét". Theo bà Chi, do có lượng gạo dự trữ khá tốt nên siêu thị vẫn đang bán với mức giá bình thường. Tuy nhiên, để đảm bảo được lượng gạo bán ra đến tận tay người tiêu dùng, siêu thị sẽ áp dụng hình thức bán 10kg/người/lần mua, bắt đầu từ tối 26-4.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, giám đốc siêu thị Hà Nội, cũng cho biết đã nhận được thông báo điều chỉnh giá tăng của một số nhà cung cấp, nhưng thời gian áp dụng từ 1-5, với mức tăng khoảng 15% so với trước. "Chúng tôi vẫn chưa đồng ý và đề nghị thương thảo lại vì trước đó họ đã tăng hai lần trong tháng tư” - bà Hải nói.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.