Giá giấy nội nhấp nhổm tăng

Giá giấy nội nhấp nhổm tăng
Giấy ngoại tiếp tục tràn về, giá lại có xu hướng giảm, trong khi giá giấy sản xuất trong nước lại nhấp nhổm tăng. Các nhà tiêu thụ giấy đang đau đầu vì nếu dùng giấy trong nước thì phải tăng giá sản phẩm.
Giá giấy nội nhấp nhổm tăng ảnh 1
Sản xuất tập tại Xí nghiệp in Fahasha. Ảnh: Thanh Đạm - Tuổi Trẻ

Giấy ngoại áp đảo giấy nội

Sau đợt tăng giá hồi đầu tháng 4, giá giấy dùng trong văn phòng đột ngột đảo chiều hạ giá từ giữa tháng 5/2009.

Hiện một ram giấy A4 hiệu Double A chỉ còn 58.000-59.000 đồng, giảm ít nhất 3.000-4.000 đồng. Tương tự, giấy hiệu “IK plus”, “A one” giảm còn 52.000-54.000 đồng/ram.

Ông K.T., nhà nhập khẩu giấy tại quận 5 (TP.HCM), cho biết giấy ngoại có xu hướng giảm từ giữa tháng 5 do về nhiều. Nguyên nhân là do dù giá nhập khẩu có tăng so với đầu năm 2009 khoảng 100 USD/tấn, đạt khoảng 800 USD, nhưng so với lúc cao điểm trên 1.000 USD/tấn thì vẫn rẻ. Thống kê cho thấy đã có khoảng 380.000 tấn giấy các loại nhập khẩu vào thị trường VN trong năm tháng đầu năm 2009.

Thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Giấy VN cho biết mức tiêu thụ giấy của các doanh nghiệp trong nước tiếp tục giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước, không ít doanh nghiệp chỉ hoạt động 60-70% công suất.

Cũng trong thời gian này, giá giấy ngoại theo chiều ngược lại. Một phụ trách kinh doanh của công ty cổ phần tập T cho biết trong thông báo của Công ty cổ phần giấy Tân Mai, giá giấy in, giấy viết có loại là 16,2 triệu đồng/tấn (chưa tính thuế giá trị gia tăng). So với thời điểm quý 1/2009, giá đã tăng bình quân 1 triệu đồng/tấn.

“Trong khi cùng chủng loại giấy này, nếu chúng tôi chọn mua giấy ngoại giá chỉ 15,1-15,2 triệu đồng/tấn (đã gồm thuế)” - ông này cho hay.

Theo tính toán của ông này, nếu dùng giấy trong nước, công ty phải tăng giá bán sản phẩm, chủ yếu là tập học sinh lên ít nhất 3-5%, trong khi dùng giấy ngoại thì giá bán vẫn giữ nguyên mức hiện tại hoặc rẻ hơn 20-30 đồng/cuốn.

Riêng một số tòa báo đã nhận được bảng chào giá giấy in báo nhập khẩu từ Indonesia chỉ ở mức 11,85 triệu đồng/tấn, giảm ít nhất 2,1 triệu đồng/tấn so với thời điểm tháng 4 dù đã tính thuế suất nhập khẩu 3% kiêm các loại chi phí khác. Trong khi giấy trong nước, giá giao dịch ngày 13-6 là 14,2 triệu đồng/tấn (chưa gồm thuế).

Tiêu thụ khó nhưng vẫn tăng giá

Phó tổng giám đốc công ty cổ phần giấy M xác nhận mức tiêu thụ giấy của công ty vẫn chưa khả quan. Ước trong năm tháng đầu năm, lượng sản xuất chỉ bằng 60%, còn tiêu thụ giảm ít nhất 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, công ty vẫn phải tăng giá vì nhiều chi phí đầu vào đã tăng.

Các nhà sản xuất giấy lớn ở trong nước còn bị sức ép từ các nhà sản xuất nhỏ do có giá thành cạnh tranh hơn. Để ngăn sức tiêu thụ không giảm thêm, không ít doanh nghiệp giấy đã giảm giá trực tiếp cho các đơn hàng ký hợp đồng thực tế nhưng không công khai việc giảm giá cho mọi khách hàng.

Giảm giá theo cách này được tập trung vào những “mối ruột” hoặc những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng giấy “dài hơi”, mức giảm khoảng 1 triệu đồng/tấn so với mức giá công bố. Chưa kể tùy theo chế độ thanh toán tài chính của bên mua, các nhà sản xuất giấy trong nước sẽ linh hoạt giảm thêm một khoản nào đấy nhằm kích thích sức mua trong giới hạn kỳ vọng.

Tuy vậy, theo ông Hàn Vinh Quang - chủ tịch chi hội 2 của Hiệp hội Giấy VN tại TP.HCM, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Vấn đề của nhà sản xuất giấy trong nước là cần nhanh chóng cải thiện công nghệ sản xuất để có giá thành hợp lý.

Theo Trần Vũ Nghi
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG