Giá lúa đồng bằng sông Cửu Long liên tục giảm

TP - ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân 2019, tuy nhiên từ đầu năm đến nay giá lúa giảm từng ngày.

Giá lúa “lao dốc”

Hiện nay, khắp các cánh đồng lúa ở các tỉnh ĐBSCL vàng rực, cùng với đó là tiếng máy gặt đập liên hợp chạy suốt ngày đêm. Ông Đào Văn Nhiều, 69 tuổi ở ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân (Thới Lai, TP Cần Thơ) đang hì hục kéo mớ rơm vào đắp gốc cây trong vườn. Ông Nhiều có 2,6 ha trồng giống IR 50404 được mấy chục tấn, bán tại ruộng với giá 4.200 đồng/kg thu hoạch vào hôm 17/2. Ông cho biết, mấy chục công vậy mà bán xong, vợ chồng tôi tính trừ chi phí hết tất cả còn lời chưa đầy 10 triệu đồng.

“Trước tết thương lái đặt cọc 5.000 đồng/kg, nhưng sau tết đến nay giá lúa rớt còn 4.200 đồng/kg nên thương lái bỏ của chạy lấy người, tôi đành bán cho người khác với giá này”, ông Nhiều nói.

Giá lúa đồng bằng sông Cửu Long liên tục giảm ảnh 1 Nông dân thu hoạch lúa. ẢNH: HÒA HỘI

Sống cùng ấp ông Nguyễn Thanh Phong trồng 0,5 ha, giống Jasmine cũng đang lo lắng. ông Phong cho biết, trước tết thương lái đặt cọc 5.200 đồng/kg nhưng mấy hôm nay lúa giảm còn 4.900 đồng/kg, chưa biết ít hôm nữa sẽ giảm ra sao.  “Năm nay giá lúa giảm hơn 500 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước. Cả năm nông dân chỉ trông chờ vào vụ này là trúng nhất mà bán không có giá, tình trạng này kéo dài chắc có nước đi Bình Dương làm thuê”, ông Phong than thở. 

Ông Nguyễn Tấn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết, đến thời điểm này trên địa bàn đã thu hoạch được trên 50% diện tích (toàn xã có 2.174 ha) gieo sạ vụ Đông xuân, chủ yếu là giống IR50404, Jasmine và Đài thơm 8 với năng suất trung bình 6,9 tấn/ha. Tuy nhiên, giá cả hiện nay đang giảm. “Tuần trước giá lúa IR50404 tươi tại ruộng là 4.600 đồng/kg nhưng hôm nay (18/2) giảm còn 4.200 đồng/kg khiến nông dân gặp khó khăn”, ông Sang nói. Ông Sang cũng kiến nghị, Chính phủ sớm mua tạm trữ cho nông dân để tránh tình trạng ứ đọng, rớt giá. 

Những ngày sau Tết, giá lúa ở Sóc Trăng “lao dốc” khiến nhà nông buồn rầu. Ông Trần Xưng (khóm 3, phường 5, TP Sóc Trăng) cho biết: “Hiện nay, lúa OM 6979 giá bán cho thương lái chỉ từ 4.500 - 4.600đồng/kg; còn lúa Đài thơm 8 giá chỉ được 4.800đồng/kg. Trong khi đó, năng suất lúa vụ này chỉ đạt khoảng 5 tấn/ha, so với vụ trước thất khoảng 200kg/công. Năng suất như vậy cộng với giá này, nhà nông coi như trắng tay”.

Theo ông Xưng, chi phí đầu tư cho 1 công lúa ít nhất hết khoảng 2 triệu đồng, trong đó lúa giống là của nhà, thu hoạch xong bán cho thương lái, trừ chi phí đầu tư, chỉ còn vài ba trăm nghìn cho mỗi công lúa sau mấy tháng chăm sóc.

Theo nhiều nhà nông, giá lúa “lao dốc” là do tình hình xuất khẩu đang khó khăn, thương lái cũng ngần ngại thu mua.

Thương lái ép giá

Ông Dương Thanh Lang (ngụ ấp Láng Biển, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) cho biết, lúa được hơn một tháng tuổi thì thương lái đến tận ruộng nài nỉ nông dân bỏ tiền cọc trước để thu mua lúa. Tuy nhiên, đến ngày gần thu hoạch theo hợp đồng, thương lái lại kêu nông dân bớt giá nên làm cho tình trạng thu hoạch lúa của nông dân ở xã Hưng Điền kéo dài. 

Ông Huỳnh Văn Bé ở xã Phú Hiệp (Tam Nông, Đồng Tháp) có 5 ha trồng lúa thơm nút (VD20) thương lái đặt cọc từ đầu vụ 7.000 đồng/kg nhưng mấy ngày nay giảm còn  hơn 6.000 đồng/kg. “Thương lái xin giảm giá mới mua còn không họ sẽ bỏ cọc 5 triệu đồng/ha vì lỗ. Tình trạng này mình cũng phải giảm cho họ chứ không biết làm sao”, ông Bé nói.

Theo bà con nông dân, những diện tích thu hoạch đầu vụ năng suất đạt 6,6 tấn/ha (giảm 0,4 tấn/ha so với năm trước). Các diện tích liên kết với các công ty giá bán là 6.500 đồng/kg, dù giá lúa đầu vụ không cao nhưng cũng giúp nông dân có lãi từ 10-15 triệu đồng/ha. 

Ông Huỳnh Văn Mẫm, Giám đốc HTX nông nghiệp ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết, đầu vụ đồng xuân thương lái bắt đầu ép giá lúa của nông dân, một phần do nông dân thu hoạch lúa đồng loạt, trong đó nhiều hộ không có liên kết trong HTX.

Theo báo cáo của các tổ chức thống kê thương mại gạo thế giới được Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dẫn lại, kết thúc năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp không phải là hội viên của VFA) đạt gần 7 triệu tấn, cao nhất kể từ năm 2016, và tăng gần 400.000 tấn so với năm 2017. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, xuất khẩu gạo Việt Nam đã quay đầu sụt giảm mạnh.  

Các chuyên gia lúa gạo cho biết, nguyên nhân khiến lúa gạo giảm là nhu cầu thị trường nhập khẩu yếu. Vụ đông xuân 2018-2019 sản lượng tăng cao. HÒA BÌNH

VFA đề nghị doanh nghiệp mua lúa cho nông dân

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam vừa ký công văn  số 15a/CV/HHLTVN ngày 15-2-2019 gửi các hội viên thực hiện giải pháp thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo vụ mùa đông xuân 2018-2019. Theo FFA, hiện nay đang vào thời điểm thu hoạch đồng bộ trên toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Để góp phần thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo, bảo đảm hiệu quả cho nông dân trồng lúa và chuẩn bị chân hàng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết, Chủ tịch VFA đề nghị các hội viên tùy theo điều kiện thực tế chủ động thực hiện các giải pháp như: Đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho đối tác theo các hợp đồng xuất khẩu đã ký, chủ động liên kết và hỗ trợ các hợp tác xã, các hộ nông dân sản xuất lúa gửi kho tại các doanh nghiệp hội viên. Chủ tịch VFA đề nghị các hội viên có ký kết hợp đồng bao tiêu với các hợp tác xã, hộ nông dân trồng lúa thực hiện cam kết thu mua nhanh chóng lúa cho dân. HÒA HỘI

MỚI - NÓNG