Giá mũ bảo hiểm tăng chóng mặt

Giá mũ bảo hiểm tăng chóng mặt
Hàng loạt cửa hàng bán mũ bảo hiểm đã mọc lên và ra sức chào mời người mua với những lời quảng cáo hấp dẫn "hàng chính hãng"... thế nhưng giá thì lại ở... trên trời.
Giá mũ bảo hiểm tăng chóng mặt ảnh 1
Giá mũ bảo hiểm tăng mạnh khi gần đến ngày bắt buộc đội mũ bảo hiểm

Theo các nhà phân phối, giá mũ bảo hiểm (MBH) hiện nay đã cao hơn hồi tháng mười trung bình 30.000-80.000 đồng/chiếc. "Với tâm lý nước đến chân mới nhảy nên giá MBH sẽ còn tăng thêm" - một giám đốc kinh doanh MBH cho biết.

Trong gần hai tháng qua mà MBH đã tăng 30-40%. MBH nhãn hiệu Honda từ 170.000-180.000 đồng tăng lên 290.000 đồng/chiếc, mũ Protec từ 165.000 đồng lên 215.000 đồng/chiếc, mũ Amoro từ 95.000 đồng tăng lên 150.000 đồng/chiếc, mũ trẻ em nhập từ Đài Loan có hình dáng bắt mắt cũng có giá 180.000-210.000 đồng/chiếc...

"Có đỏ mắt tìm một chiếc MBH được cho là hàng chính hãng với mức giá dưới 150.000 đồng cũng không ra. Mới tháng trước MBH Andes chỉ 120.000 đồng giờ đã lên 180.000 đồng/chiếc nhỏ, 210.000 đồng/chiếc lớn. Hỏi thì người bán trả lời do không có hàng!" - anh Hữu Khánh, nhân viên một công ty hàng hải đi mua MBH, nói.

Tại một số showroom của Công ty Thiết bị sản phẩm an toàn VN (Protec) đều đang trong tình trạng "cháy" hàng khi hãng này siết lại kênh phân phối. Một số MBH thuộc các thương hiệu như Amoro, Andes, Honda, Sankyo, Nhựa Chợ Lớn, Nhựa Sài Gòn cũng được người tiêu dùng "săn lùng" khi một loạt mẫu mã mới của các thương hiệu này vừa được cải tiến tung ra thị trường.

Không lo thiếu hàng

Hầu hết công ty sản xuất, nhà phân phối đều khẳng định thị trường MBH sẽ không thể "cháy" hàng vì nguồn cung có từ nhiều nguồn khác nhau, gồm hàng trong nước sản xuất và hàng nhập khẩu.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - phó tổng giám đốc Công ty Thiết bị sản phẩm an toàn VN, sản xuất MBH nhãn hiệu Protec - cho biết nhà máy của đơn vị này đã tăng công suất 100%, huy động thêm nhân lực để giải quyết một loạt hợp đồng từ đây đến cuối năm. Hiện trung bình mỗi ngày đơn vị này sản xuất từ 1.500-2.000 MBH.

Ông Võ Văn Đức Bảy, phó giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty Nhựa Chợ Lớn, cũng cho biết hiện mỗi ngày công ty đưa ra thị trường khoảng 1.000 mũ.

Ông Bảy khẳng định nếu thị trường cầu nhiều hơn, công ty sẽ tăng ngay nguồn cung. Còn Công ty cổ phần Nhựa Sài Gòn cho biết mới "chạy" ở mức 10.000-15.000 MBH/tháng trong khi có khả năng đưa ra thị trường 50.000 MBH/tháng.

Một loạt doanh nghiệp sản xuất MBH chỉ chuyên cung ứng cho các công ty, nhà máy đặt mua với số lượng lớn (trên 50.000 mũ) cũng đang ráo riết chạy cho kịp thời gian giao hàng.

Theo ông T. - phụ trách khối sản xuất của Công ty liên doanh sản xuất MBH LH, nếu chỉ tính số MBH mà các khách hàng là doanh nghiệp ở TP.HCM đặt mua cho công nhân, nhân viên cũng đã lên đến gần 800.000 chiếc. Điều đó cũng đồng nghĩa với một lượng người tương ứng sẽ không cần phải mua MBH nữa. Cho nên không thể xảy ra khan hiếm MBH.

Ông Lê Văn Diễn - giám đốc kinh doanh Công ty CP TM-DV Đại Việt, nhà phân phối MBH nhãn hiệu VR-1 (sản phẩm của Nhà máy TE AN, đặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu) - cũng cho biết hiện trong kho hàng của Đại Việt có khoảng 20.000 chiếc MBH hiệu VR-1, "trong khi nhà sản xuất tiếp tục rót hàng đều đặn mỗi ngày khoảng 1.000-1.500 chiếc nên không thể nói có chuyện thị trường sẽ thiếu hàng".

Ngoài ra, thị trường còn được bổ sung MBH từ nguồn nhập khẩu và cả nhập lậu. Một đơn vị chuyên nhập khẩu MBH từ Mỹ, Đài Loan tại thị trường TP.HCM tiết lộ "người ta đã thuê kho từ mấy tháng trước để trữ hàng".

Theo Trần Vũ Nghi - Như Bình
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.