Gia nhập WTO - Bước ngoặt ấn tượng

Gia nhập WTO - Bước ngoặt ấn tượng
TP - "Việt Nam có vươn lên được như vậy không? Điều này cần phải một nỗ lực rất cao, phải tính toán rất nhiều. Bạn bè quốc tế bảo rằng con người Việt Nam khi gặp khó khăn luôn biết điều chỉnh mình" - Đại sứ Ngô Quang Xuân tin điều đó!
Gia nhập WTO - Bước ngoặt ấn tượng ảnh 1

Hai ngày trước khi diễn ra lễ ký chính thức thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương Việt – Mỹ về việc Việt Nam gia nhập WTO (31/5), Đại sứ Ngô Quang Xuân, Trưởng  Phái đoàn Việt Nam bên cạnh các cơ quan Liên Hợp Quốc và WTO ở Geneva (Thụy Sĩ) đã nói như vậy với các phóng viên bên lề Hội nghị SOM II đang diễn ra tại TP HCM.

Nhưng ông Xuân cũng lạc quan về một tương lai lâu dài rất có lợi cho Việt Nam sau khi nước ta gia nhập WTO.

 Việt Nam sẽ phải làm gì để cạnh tranh được trên thị trường thế giới sau khi gia nhập WTO?

Tôi nghĩ chúng ta phải tập trung quan tâm đến những loại hàng hóa nào có đóng góp lớn vào  nền kinh tế trong nước. Nhưng đồng thời phải thấy các nước láng giềng và ngoài khu vực họ cũng có những mặt hàng đó. Thị trường bây giờ là chen nhau rồi.

Việt Nam gia nhập WTO với họ là thêm một đối thủ. Chúng ta đi sau nên chen chân vào lĩnh vực này thế nào là cả một vấn đề lớn. Rồi đây ta phải có một nhóm luật sư kinh tế theo dõi sát các cuộc đàm phán thương mại để hiểu những vấn đề rất kỹ thuật như giải quyết tranh chấp, hiểu luật chống bán phá giá, cần có chuyên môn sâu.

Đọc báo thấy nói mặt hàng này, kia sắp bị đưa ra kiện tôi rất thương các doanh nghiệp nước ta. Để khắc phục điều này, một là bên trong ta cần chuẩn bị đánh giá một lần nữa đối với các mặt hàng nào là thế mạnh của mình nhưng lại hay đụng chạm với đối tác thì phải chuẩn bị trước làm cho mọi người hiểu, đặc biệt là các nhà sản xuất và các doanh nghiệp.

Hai là ta phải có nghiên cứu tại các nước đối tác để xem mức độ thâm nhập thị trường của họ thế nào, chất lượng, giá cả, tỷ lệ thâm nhập thị trường của họ đến đâu?

Cần đưa ra kế hoạch một cách bài bản, rõ ràng thì đỡ thua thiệt cho các doanh nghiệp. Bây giờ hàng gì của ta cũng bị cạnh tranh, từ cái bật lửa, con tôm, con cá, giầy da, hàng dệt may, xe đạp, v.v cũng đã bị kiện.

Đó là thách thức lớn đối với Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta nên có một bộ máy, chuyên gia theo dõi vấn đề này.

Gia nhập WTO - Bước ngoặt ấn tượng ảnh 2

Đại sứ Ngô Quang Xuân tại Dinh Thống Nhất, TP HCM, sáng 29/5 Ảnh: Đ.P

Theo ông, sau một năm gia nhập WTO kinh tế Việt Nam sẽ ra sao?

Với nền kinh tế Việt Nam tôi thấy mấy giai đoạn sau khi gia nhập WTO  gồm ngắn hạn, trung hạn, dài hạn như sau: Giai đoạn ngắn hạn sẽ rất khó. Thời kỳ ngắn hạn có thể là sau 1 năm, hay 4, 5 năm, nền kinh tế, thương mại, doanh nghiệp hàng hóa thương hiệu Việt Nam sẽ rất khó khăn. Thậm chí tôi nói là có những cái có thể phải hy sinh đấy.

Ví dụ như một số lĩnh vực sản xuất, hàng ngoài chảy vào của họ rẻ, tốt thì doanh nghiệp trong nước điêu đứng. Tại Trung Quốc gần một năm sau khi họ gia nhập WTO thì hàng chục ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, 16 triệu công nhân thất nghiệp.

Từ năm 2001 đến nay, họ mới có 4 năm  sau khi gia nhập WTO mà Trung Quốc hiện nay mạnh kinh khủng. Chưa hết thời gian ngắn hạn thì họ đã vươn lên rất mạnh.

Việt Nam có vươn lên được như vậy không? Điều này cần phải một nỗ lực rất cao, phải tính toán rất nhiều. Bạn bè quốc tế bảo rằng con người Việt Nam khi gặp khó khăn luôn biết điều chỉnh mình. Tôi tin điều đó.

>>> Hiện nay Việt Nam đang vận động để kết thúc đàm phán đa phương các phiên còn lại, trong đó tại phiên chính họp vào giữa tháng 7 tới phải hoàn thiện được hồ sơ.

Nếu Việt Nam gia nhập WTO trong tháng 10 thì theo qui định của WTO sau một tháng kể từ ngày được kết nạp, Quốc hội phải phê chuẩn văn bản để chính thức trở thành thành viên WTO.

Việt Nam có thể trở thành thành viên chính thức WTO vào giữa tháng 11 năm nay khi Hội nghị cấp cao APEC đang diễn ra. <<<

Thời gian trước mắt gay go nhất là đối với một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là những doanh nghiệp xưa nay vẫn dựa vào bao cấp sẽ rất khó mà tồn tại được. Điều đó tốt hay xấu lại là vấn đề khác.

Có những mặt rất tích cực chẳng hạn như những doanh nghiệp nào không tồn tại được chứng tỏ họ không có khả năng.  Doanh nghiệp nào tồn tại được chứng tỏ họ có bản lĩnh, trí tuệ nên như vậy là tốt.

Còn về lâu dài, tôi ở Geneva quan sát kinh nghiệm từ các nước khác khi họ gia nhập WTO thì thấy giai đoạn trung hạn và dài hạn là rất có lợi  cho Việt Nam. Nếu nói đó là cuộc cách mạng kinh tế trong hội nhập thì có vẻ to tát quá nhưng rõ ràng việc gia nhập WTO là một bước ngoặt rất ấn tượng trong lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.