Gia nhập WTO của VN - nhìn từ phía Mỹ

Gia nhập WTO của VN - nhìn từ phía Mỹ
Trong việc Việt Nam gia nhập WTO chắc là người Mỹ đã tính. Việt Nam gia nhập WTO, hội nhập vào nền kinh tế thế giới nghĩa là sân chơi của Hoa Kỳ rộng thêm hơn, lợi ích kinh tế mà Hoa Kỳ có thể khai thác lớn thêm hơn...

(Bài viết của ông Nguyễn Đình Lương - Nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đăng trên báo Tuổi Trẻ)

Gia nhập WTO của VN - nhìn từ phía Mỹ ảnh 1

Trong việc Việt Nam gia nhập WTO chắc là người Mỹ đã tính. Ở Mỹ không quen với những chuyện như đang xảy ra ở VN: Đã nộp đơn xin gia nhập WTO cách đây hơn 10 năm mà đến khi sắp vào mới cãi nhau, vào đó phải làm gì, mất gì và được gì!

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, những đặc thù về kết cấu xã hội, cơ cấu kinh tế và trình độ kinh tế phát triển cao của nước Mỹ đã tạo cho nước này một vị thế - vị thế của người có thể khai thác tốt nhất, gặt hái nhiều nhất trong công cuộc toàn cầu hóa kinh tế.

Vì lý do đó mà Mỹ chủ trương thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn công cuộc tự do hóa thương mại trên phạm vi toàn cầu. 

Việt Nam gia nhập WTO, hội nhập vào nền kinh tế thế giới nghĩa là sân chơi của Hoa Kỳ rộng thêm hơn, lợi ích kinh tế mà Hoa Kỳ có thể khai thác lớn thêm hơn.

Thị trường Việt Nam hôm nay sức mua còn nhỏ bé do đất nước còn nghèo. Nhưng đây là thị trường trên 80 triệu dân, kinh tế đang phát triển nhanh, sức mua của thị trường đang tăng nhanh. Đây là một thị trường tiềm năng có sức hấp dẫn. Người Mỹ được tiếng là những người kinh doanh giỏi nhất thế giới. Họ tính toán được tiềm năng và triển vọng của thị trường Việt Nam.

Mặt khác, người Mỹ cũng hiểu rằng Việt Nam đang muốn phát triển nhanh, mà trong thời đại ngày nay để phát triển nhanh phải cần đến công nghệ Mỹ, kiến thức quản lý kinh tế Mỹ, phong cách kinh doanh Mỹ.

Sau khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực vào tháng 12/2001, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển nhanh chóng. Xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ tăng nhanh như chưa từng có với bất kỳ một thị trường nào trong lịch sử ngoại thương Việt Nam. Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2005 tăng hơn 6,7 lần so với năm 2000.

Rõ ràng đôi bên cùng có lợi.

Nhưng hãy nhìn thật sâu, phân tích thật kỹ: xuất khẩu Việt Nam năm 2005 đạt 32,2 tỉ USD, trong đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đạt 6,522 tỉ USD. Rơi vào túi Việt Nam bao nhiêu và bao nhiêu rơi vào túi người Mỹ và các nước khác?

Năm 2005 Việt Nam xuất khẩu 4,8 tỉ USD hàng may mặc, trong đó xuất khẩu vào Hoa Kỳ 2,830 tỉ USD; và 3 tỉ USD hàng giày dép, trong đó vào thị trường Hoa Kỳ 717 triệu USD. Bao nhiêu trong số đó rơi vào túi người Việt Nam?

Xin thưa là rất ít, phần của Việt Nam không nhiều. Vì chủ yếu là hàng gia công và hàng của công ty 100% vốn nước ngoài. Phần của Việt Nam chủ yếu là khoản tiền công nhỏ nhoi cho những người thợ may.

Việt Nam sắp gia nhập WTO, thị trường Việt Nam sẽ mở cửa rộng hơn, thông thoáng hơn kể cả những lĩnh vực mà người Mỹ siêu mạnh như viễn thông, tài chính...

Và như dự báo, khi Việt Nam gia nhập WTO, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ nhiều hơn, xuất nhập khẩu Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tăng nhiều hơn, nghĩa là lợi ích kinh tế Hoa Kỳ từ thị trường Việt Nam sẽ nhiều hơn.

Không thể có chuyện miếng bánh lợi ích của toàn cầu hóa kinh tế sẽ được chia đều cho mọi người cùng ngồi trên con thuyền toàn cầu hóa. Với trình độ và cả cung cách làm ăn của Việt Nam hôm nay, còn lâu Việt Nam ta mới được chia miếng bánh to.

Muốn có miếng bánh to hơn Việt Nam phải cố gắng nhiều và rất nhiều nữa để giỏi hơn, khôn ngoan hơn và khiêm tốn mà học cách làm ăn của thiên hạ.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.