Phó Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Chính phủ - Trần Quốc Khánh:

Gia nhập WTO không phải là “cú sốc”!

Gia nhập WTO không phải là “cú sốc”!
TP - Hôm qua (23/7), vừa trở về sau phiên đàm phán đa phương thứ 12 về việc Việt Nam (VN) gia nhập WTO tại Geneva (Thụy Sĩ), Phó Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Trần Quốc Khánh đã dành riêng cho Tiền phong cuộc phỏng vấn.
Gia nhập WTO không phải là “cú sốc”! ảnh 1

Ông Trần Quốc Khánh (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Phạm Yên

Ông Khánh nói:

Ông Eirik Glene - Chủ tịch Ban công tác về việc VN gia nhập WTO - đã khẳng định mục tiêu của Ban công tác là hoàn tất công việc đúng thời hạn để WTO có thể kết nạp VN làm thành viên chính thức tại cuộc họp Đại hội đồng vào ngày 10/10 tới đây.

Hiện nay cả VN và các đối tác đều đang cố gắng để thực hiện lộ trình đó. Công việc còn lại rất nhiều, nhưng nếu VN và các đối tác cùng nỗ lực thì thời hạn tháng 10 sẽ trở thành hiện thực.

Nhiều khảo sát gần đây cho thấy không ít các cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong nước chưa có sự chuẩn bị cũng như sự hiểu biết cần thiết về WTO, trong khi đó thời hạn tháng 10 không phải quá xa, thưa ông?

Tôi nghĩ không hoàn toàn như vậy. Gia nhập WTO là hệ quả của tiến trình cải cách kinh tế mà Đảng và Nhà nước đã tiến hành trong 20 năm qua, chứ không phải là “bước ngoặt” hay “cú sốc” bất ngờ cho các thành phần kinh tế.

Gia nhập WTO chắc chắn sẽ là sự kiện lớn nhưng điều đó không có nghĩa là “sau tháng 10” sẽ khác hẳn so với “trước tháng 10”.

Tuy nhiên, tôi hoàn toàn đồng ý rằng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao hơn nữa nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp, cả những cơ hội lẫn thách thức khi gia nhập WTO.

Sau hơn 10 năm đàm phán, đến nay VN đã hoàn tất các cuộc đàm phán song phương và trên phương diện đa phương, đã gần hội đủ các điều kiện để “mở cửa” WTO. Là một thành viên của đoàn đàm phán, trải qua quá trình đàm phán lâu dài và cam go, xin được hỏi cảm nhận của ông lúc này?

Công việc đã gần hoàn tất nên chúng tôi cũng thấy có phần nhẹ nhàng hơn vì không phải một lúc lo cả đàm phán song phương và đàm phán đa phương như trước đây.

Tuy nhiên, không ai dám chủ quan bởi khối lượng công việc vẫn còn nhiều, các vấn đề cuối cùng lại thường là những vấn đề khó. Để hoàn tất đàm phán đúng thời hạn dự kiến, vẫn cần có sự nỗ lực tối đa và tập trung cao độ.

Ông có thể nói cụ thể hơn về các vấn đề còn lại?

Chúng ta sẽ cùng các đối tác giải quyết dứt điểm về quyền kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nước ngoài (không phải quyền phân phối vì vấn đề này đã đàm phán xong).

Ngoài ra, còn có các vấn đề như thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền v.v...

Chúng ta cũng cần làm rõ thêm về chế độ đầu tư theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới bởi đây là lĩnh vực được rất nhiều đối tác quan tâm. Bên cạnh đó, ta cũng phải cùng với Ban Thư ký và các thành viên tổng hợp lại kết quả đàm phán song phương về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ.

Công việc này không đơn giản nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành sớm để có thể công bố cho các doanh nghiệp như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong suốt quá trình đàm phán cũng như trước mỗi phiên đàm phán, các nhà hoạch định chiến lược đàm phán thường đưa ra các phương án, và các thành viên của Đoàn đàm phán phải dựa trên các phương án được duyệt để cố gắng bảo vệ phương án đó trước các đối tác? Ông có thể cho biết thông thường các thành viên trong Đoàn đàm phán VN đã bảo vệ được bao nhiêu phần trăm (%) các phương án đề ra?

Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển có lần đã nói: “Một cuộc đàm phán được coi là thành công khi cả hai bên đều rời bàn đàm phán với một chút không hài lòng”.

Đã gọi là phương án thì chúng tôi phải bảo vệ 100%, không có chuyện lùi xuống 99%. Tuy nhiên, để tiếp cận một vấn đề nào đó, luôn có phương án thấp và phương án cao. Nếu lúc nào cũng đạt phương án cao thì chắc là đàm phán đã không thể thành công như hôm nay.

Xin cảm ơn ông!

Võ Văn Thành
(thực hiện)

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.