Gia nhập WTO : Nhiều DN rượu, bia khó tồn tại

Gia nhập WTO : Nhiều DN rượu, bia khó tồn tại
Ông Nguyễn Văn Việt- Chủ tịch Hiệp hội Rượu bia và nước giải khát Việt Nam cho biết, gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp sản xuất rượu, bia của Việt Nam sẽ đối mặt sự cạnh tranh rất khốc liệt.
Gia nhập WTO : Nhiều DN rượu, bia khó tồn tại ảnh 1
Rượu, bia của Việt Nam sẽ đối mặt sự cạnh tranh rất khốc liệt khi vào WTO

Bia : Chỉ các DN lớn có cơ tồn tại

Theo số liệu của Bộ Công nghiệp, cả nước hiện có trên 300 cơ sở sản xuất bia với công suất thiết kế 1,7 tỷ lít/năm.  Trong số các nhà máy bia hiện đang hoạt động có 19 nhà máy đạt sản lượng sản xuất thực tế trên 20 triệu lít, 15 nhà máy bia có công suất lớn hơn 15 triệu lít, còn lại phần lớn các cơ sở chỉ có năng lực sản xuất dưới 1 triệu lít/năm.

Một số doanh nghiệp bia lớn đã đẩy mạnh đầu tư  để cạnh tranh khi VN gia nhập WTO :

-  Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội đã khởi công xây dựng nhà máy bia đầu tư mới  tại tỉnh Vĩnh Phúc . Vốn đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng.

- Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn đang triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy bia Củ Chi. Tổng mức đầu tư  gần 2.000 tỉ đồng.

- Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tập đoàn SABMiller (Hà Lan) đã thành lập liên doanh sản xuất bia  với tên gọi Công ty liên doanh SABMiller Việt Nam  đầu tư 1 nhà máy sản xuất bia tại Bình Dương với công suất 100 triệu lít/năm. Vốn đầu tư 45 triệu USD.

Nhận định của Hiệp hội Rượu bia và nước giải khát cho biết, hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với bia chai sản xuất trong nước và  nhập khẩu là 75%, bia hơi và bia tươi năm 2006-2007 là 30% từ năm 2008 là 40%. Trường hợp áp dụng mức thuế suất mới theo lộ trình gia nhập WTO, đa số các doanh nghiệp bia địa phương  có khả năng lỗ và gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng như đầu tư phát triển.

Bộ Công nghiệp cho biết, hiện chỉ những nhà máy bia có công suất trên 100 triệu lít tại Việt Nam mới có thiết bị hiện đại, tiên tiến, được nhập khẩu từ các nước có nền công nghiệp phát triển mạnh như Đức, Mỹ, Ý... Các nhà máy bia có công suất trên 20 triệu lít cho đến nay cũng đã được đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, tiếp thu trình độ công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Các cơ sở còn lại với công suất thấp vẫn đang trong tình trạng thiết bị, công nghệ lạc hậu, yếu kém, không đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các cơ sở sản xuất bia tại địa phương còn rất nhiều khó khăn. Phần lớn các doanh nghiệp này có công suất thấp, trang thiết bị lạc hậu và thương hiệu kém nổi tiếng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm thấp, công suất thấp. Trong thời gian qua các doanh nghiệp này đầu tư cho sản xuất không nhiều, chuẩn bị cho hội nhập kém.

Khi ngành bia, rượu hội nhập WTO, chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh mới có tương lai. Bên cạnh đó, bia nhập khẩu cũng sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam và sự cạnh tranh sẽ  khốc liệt hơn nhiều. 

Không đổi mới trang thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, chắc chắn nhiều doanh nghiệp khó tồn tại được trước các đối thủ lớn. Theo dự đoán, số lượng các cơ sở sản xuất bia trong thời gian tới sẽ còn giảm nhiều nữa. Nhiều doanh nghiệp sẽ phải sáp nhập để nâng cao sức cạnh tranh và nhiều doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ, phá sản, giải thể.

Với ngành rượu, thực tế lại còn ảm đạm hơn, gần như chưa có sự chuẩn bị nào cho hội nhập. Đến nay các doanh nghiệp rượu của Việt Nam  chưa có nổi 1 sản phẩm có tên tuổi, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu rượu ngoại.

Nhận xét về ngành công nghiệp rượu, Bộ Công nghiệp cho biết, ngành công nghiệp rượu hiện nay vẫn chưa phát triển, công nghệ, thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao, chủng loại sản phẩm nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Năm 2004 cả nước có 72 đơn vị sản xuất rượu công nghiệp với công suất 103 triệu lít/năm, nhưng sản lượng chỉ đạt 76,3 triệu lít/năm, khai thác 74% công suất thiết kế. Trong khi đó, rượu nấu bằng phương pháp thủ công (có khoảng trên 300 cơ sở dân tự nấu rượu) chưa thể quản lý; rượu lậu, rượu giả trốn thuế chưa có biện pháp khả thi để ngăn chặn, càng gây khó khăn cho việc tiêu thụ  rượu của các doanh nghiệp Nhà nước. Các doanh nghiệp FDI do thương hiệu sản phẩm chưa thực sự mạnh, nên chỉ huy động được 17% công suất thiết kế.

Việc chuẩn bị cho hội nhập của ngành rượu hình như bây giờ mới bắt đầu. Hiệp hội  Rượu bia và nước giải khát cho biết đang cùng với các cơ quan chức năng để xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu rượu dân tộc. Chính sách để quản lý và phát triển ngành công nghiệp đến nay cũng đang trong quá trình xây dựng.

Trong khi đó khi gia nhập WTO, thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu hiện đánh lũy tiến theo độ cồn sẽ phải bãi bỏ và các loại rượu cùng chung 1 mức thuế, không biết khi đó rượu ngoại tràn vào, liệu  rượu Việt Nam có thể tồn tại?

Theo VietnamNet

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.