Gia nhập WTO: Sửa mình cho cuộc chơi mới

Gia nhập WTO: Sửa mình cho cuộc chơi mới
TP - Kết thúc đàm phán với Mỹ, việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO đã trong tầm tay. T.S Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW đã dành cho Tiền phong cuộc trao đổi về bài toán được mất thời “hậu” WTO.
Gia nhập WTO: Sửa mình cho cuộc chơi mới ảnh 1
TS Võ Trí Thành

Đã có nhiều ý kiến lo ngại gia nhập WTO vào thời điểm này, khi một số ngành trong nước chưa được chuẩn bị sẵn sàng để cạnh tranh thì sẽ gây ra nhiều đổ vỡ, thưa T.S?

Chúng ta đang đi đến WTO với tư thế “thua chị kém em”. Báo Tiền phong từng thông tin rằng VN kém Singapore tới 197 năm phát triển, nhiều số liệu thống kê cũng cho thấy khoảng cách giữa VN với Thái Lan là khoảng 20 năm, trong khi đó vào thập niên 1950 hai nước Việt-Thái hầu như có cùng trình độ phát triển.

Mở cửa thì cạnh tranh khốc liệt sẽ đến, kéo theo những sự đổ vỡ, thiệt thòi, nhưng đừng quên rằng chính cạnh tranh sẽ đem đến tinh thần vươn lên của từng người dân, tinh thần học hỏi của mỗi doanh nghiệp, và sức ép để Chính phủ cải cách chính sách, pháp luật.

Nếu sự đổ vỡ là đáng lo thì đất nước thời kỳ đầu mở cửa vào những năm 90 của thế kỷ trước đáng lo hơn nhiều! Nhưng chính thời kỳ này kinh tế nước ta đã bắt đầu “bốc” lên trên một nền chính trị ổn định.

Lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng cứ mỗi lần mở cửa đất nước, thì nhất định sẽ tạo ra bầu sinh khí mới cho sự phát triển của toàn dân tộc.

Gần đây, chỉ riêng Hiệp định thương mại Việt-Mỹ (BTA) cũng đủ chứng minh về lợi ích của hội nhập, chỉ sau 5 năm Hiệp định này được ký kết xuất khẩu từ VN sang Mỹ đã tăng gấp 7 lần, từ 1,05 tỷ USD lên 7,7 tỷ USD năm 2005, vượt xa những dự đoán ban đầu...

Khi gia nhập WTO, Chính phủ sẽ phải loại bỏ sự bảo hộ với DNNN, chấp nhận kinh tế tư nhân là động lực cho tăng trưởng, chấp nhận cạnh tranh gay gắt… ?

Đúng vậy! Trước đây, trong mối quan hệ giữa hội nhập và mở cửa thì áp lực để dẫn đến những cải cách trong nước chưa lớn bằng sức ép của “ông” WTO, ví như với Hiệp định thương mại Việt-Mỹ và Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung cho Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), thời gian qua chúng ta vẫn còn trong giai đoạn “thích thì mở không thích thì khép lại”...

Với WTO, những áp lực của sân chơi thương mại toàn cầu bắt buộc VN phải cải cách, không chỉ là cải cách kinh tế, hành chính, mà cao hơn nữa là cải cách thể chế.

Hơn bao giờ hết, việc nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp là rất quan trọng. Lâu nay, DNVN quen làm ăn theo kiểu “ngắn hạn” hơn là làm ăn bài bản với tầm nhìn dài hạn. Với sân chơi WTO, thì các trò chơi bắt buộc phải trí tuệ hơn, cái nhìn phải dài hạn hơn...

Vậy, cụ thể Việt Nam phải làm gì để thích ứng với cuộc chơi mới này, thưa T.S?

Nếu như nguyên tắc cơ bản của WTO là tự do thương mại, là thực hiện nghĩa vụ mở cửa thị trường nước mình để có quyền tiếp cận thị trường nước khác.

Vấn đề trở nên phụ thuộc rất lớn vào ý chí chính trị của các quan chức có quyền hoạch định chính sách. Chúng ta sẽ rất cần những quan chức biết nhìn thấy lợi ích tổng thể và hiệu quả to lớn của việc phân bổ nguồn lực đúng đắn.

Dĩ nhiên, bên cạnh việc trông chờ vào tâm và tầm của các nhà làm chính sách, chúng ta cũng cần một thể chế được thiết kế sao cho các nhóm lợi ích phải hoạt động minh bạch và có thể kiềm chế lẫn nhau.

Tôi cho rằng nói không với cải cách trong nước sẽ đồng nghĩa với hội nhập thất bại, nhưng với sự trỗi dậy của các nhóm lợi ích có được do vị trí độc quyền trong nền kinh tế, thì tương lai của câu chuyện này vẫn còn nhiều ẩn số. Đã đến lúc chúng ta phải sửa mình để thích ứng với cuộc chơi mới.

Vượt “vũ môn”

Gia nhập WTO: Sửa mình cho cuộc chơi mới ảnh 2
GS. Trần Hữu Dũng
Từ Đại học Wright State (Dayton, bang Ohio, Mỹ), G.S Trần Hữu Dũng gửi đến Tiền phong những suy nghĩ trước thềm WTO. Theo G.S Dũng, có ba điều cần nhấn mạnh. 

Một là ngay khi vào WTO thì kinh tế (nhất là đầu tư từ nước ngoài) sẽ “bốc” trong vài năm đầu, chúng ta phải chuẩn bị nắm bắt thời cơ này, bởi sau đó thì sự náo nức này sẽ dịu xuống, rồi chúng ta cũng sẽ như các nước khác mà thôi. 

Hai là phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng để đón luồng sóng đầu tư (vốn cũng như công nghệ) ùa vào, cũng như để tránh những hậu quả không tốt (về ô nhiễm môi trường, xây dựng bừa bãi, ùn tắc giao thông…). 

Ba là, một số thành phần (cụ thể là lao động) sẽ bị chao đảo, có thể cần chuyển ngành, chuyển nghề.  Nhà nước phải tận lực trợ giúp những thành phần này (trợ cấp thất nghiệp, giúp tìm việc làm, tái huấn luyện...).

Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh chênh lệch thu nhập giữa các thành phần trong xã hội  hiện ngày càng giãn ra mà sự chênh lệch (bất chính) trong xã hội Việt Nam ngày càng lớn thì quả là một điều rất đáng buồn.

WTO là một “vũ môn” quan trọng trên con đường hội nhập để phát triển của chúng ta.  Nhưng gia nhập WTO không phải là cái đích tối hậu, WTO không phải là chiếc đũa thần!

Vận mệnh chúng ta sẽ gắn chặt hơn với vận mệnh kinh tế các nước khác, chúng ta cần theo dõi, nhanh nhẹn đáp ứng với mọi tình thế... 

Là một thành viên của WTO, và là một quốc gia tuy còn nghèo nhưng không quá nhỏ, Việt Nam sẽ có “trọng lượng” hơn trong các diễn đàn kinh tế thế giới (không chỉ giới hạn ở WTO).

Chiến lược kinh tế đối ngoại (liên minh với những nước nào, về những vấn đề gì) sẽ cần chúng ta lưu tâm, sáng suốt toan tính nhiều hơn. 

MỚI - NÓNG